Quốc tế hóa giáo dục đại học: Hướng đi nâng cao chất lượng và hội nhập toàn cầu

Trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng, quốc tế hóa giáo dục đại học không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là động lực chiến lược để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Việt Nam đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình này.

Thực tiễn quốc tế hóa giáo dục đại học ở Việt Nam

Trong bối cảnh quốc tế hóa giáo dục là xu hướng toàn cầu, Việt nam luôn đẩy manh hợp tác quốc tế trong giáo dục; hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đã được triern khai trong nhiều năm qua, được quy định tại Luật Giáo dục số 43/2019/QH14, được cụ thể hóa tại các nghị định của Chính phủ.

Sinh viên theo học chương trình đào tạo Cử nhân quốc tế (Nguồn: website Học viện Ngân hàng)

Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều bước tiến trong thúc đẩy quốc tế hóa giáo dục đại học. Nhiều chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài được triển khai. Theo thống kê của Bộ GDĐT, tính đến tháng 12/2021, cả nước có 408 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang hoạt động, trải dài ở nhiều lĩnh vực như kinh tế, công nghệ thông tin, kỹ thuật, y dược. Nhiều trường đại học đã phát triển chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, từng bước xây dựng môi trường học thuật quốc tế. Quốc tế hóa giáo dục được gắn với lộ trình đỏi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, lấy người học làm trung tâm, chuẩn đầu ra tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế.

Dù đạt được nhiều thành tựu, quá trình quốc tế hóa giáo dục đại học tại Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Một số thách thức có thể kể đến như rào cản về ngôn ngữ so với yêu cầu của các chương trình quốc tế, chất lượng liên kết đào tạo chưa đồng đều. Việc đầu tư cho cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, nghiên cứu khoa học còn khiêm tốn so với các chuẩn mực quốc tế. Một số quy định liên quan đến liên kết đào tạo, công nhận văn bằng quốc tế, tuyển sinh sinh viên nước ngoài còn thiếu đồng bộ.

Những thách thức này đặt ra yêu cầu cấp thiết: Quốc tế hóa giáo dục đại học cần đi vào chiều sâu, gắn với nâng cao nội lực và khả năng thích ứng toàn cầu của hệ thống giáo dục đại học.

Quốc tế hóa giáo dục đại học cần chiến lược cụ thể

Quốc tế hóa giáo dục đại học đã trở thành chiến lược trọng yếu tại nhiều quốc gia trên thế giới, song mỗi nước lại lựa chọn cách tiếp cận khác nhau dựa trên điều kiện thực tế và mục tiêu phát triển riêng.

Các quốc gia như Úc và New Zealand, quốc tế hóa có thị trường mạnh mẽ và định hướng thương mại hóa tập trung vào việc thu hút sinh viên quốc tế trả phí. Mô hình quốc tế hóa này đang dần lan rộng sang Canada và lục địa Châu Âu – những quốc gia trước đây ưu tiên các khía cạnh xã hội và học thuật của quốc tế hóa. Trong khi đó, một số quốc gia khác (ví dụ như Malaysia) thực hiện quốc tế hóa giáo dục đại học với mục đích cải thiện chất lượng đào tạo, tiếp cận công nghệ và tri thức mới, cũng như tăng cường năng lực cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu. Tuy nhiên, các quốc gia này thường đối mặt với thách thức về nguồn lực, cơ sở hạ tầng và khả năng thu hút sinh viên quốc tế.

Sự khác biệt trong cách tiếp cận quốc tế hóa giáo dục đại học đặt ra một yêu cầu quan trọng: mỗi quốc gia cần xây dựng chiến lược phù hợp với đặc thù kinh tế, xã hội và mục tiêu phát triển riêng. Đối với Việt Nam, cần xây dựng chiến lược quốc tế hóa phù hợp với điều kiện thực tế, tập trung vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển năng lực giảng viên và cơ sở vật chất, cũng như tạo môi trường học tập hấp dẫn cho sinh viên quốc tế. Với định hướng đúng đắn, chính sách phù hợp, quốc tế hóa giáo dục đại học có thể trở thành chiến lược để nâng cao chất lượng giáo dục, hội nhập sâu rộng và toàn cầu, đồng thời khẳng định vị thế giáo dục của quốc gia trong cuộc cạnh tranh toàn cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hà Giang

Tài liệu tham khảo:

Bộ GDĐT (2024): Tăng cường quản lý thực hiện chương trình tích hợp, liên kết với nước ngoài. https://moet.gov.vn/pages/tim-kiem.aspx?ItemID=9236

Động lực quốc tế hóa giáo dục đại học: Một phân tích so sánh. https://tapchigiaoduc.edu.vn/article/88493/225/dau-la-ly-do-chinh-cho-viec-quoc-te-hoa-giao-duc-dai-hoc-giua-cac-quoc-gia-phia-bac-ban-cau-va-cac-quoc-gia-phia-nam-ban-cau/

 

 

Bạn đang đọc bài viết Quốc tế hóa giáo dục đại học: Hướng đi nâng cao chất lượng và hội nhập toàn cầu tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn