Nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên: Đổi mới để thích ứng

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, ngành Giáo dục đang đứng trước yêu cầu đổi mới toàn diện, đặc biệt là trong công tác đào tạo giáo viên. Việc nâng cao chất lượng đào tạo không chỉ là nhiệm vụ cấp thiêt mà còn là yếu tố then chốt để xây dựng một hệ thống giáo dục hiện đại, đáp ứng nhu cầu của thời đại số hóa.

Thay đổi trong tuyển sinh và chính sách hỗ trợ

Những năm gần đây, chất lượng đầu vào ngành sư phạm đã có những chuyển biến rõ rệt, các trường đào tạo giáo viên có những quy định siết chặt tuyển sinh, đảm bảo chỉ những thí sinh có năng lực học tập tốt mới được theo học ngành học đặc thù này.

Từ năm 2021, Bộ GDĐT đã quy định mức điểm sàn xét tuyển với nhóm ngành đào tạo giáo viên không dưới 19 điểm (thang điểm 30). Nhìn lại mùa tuyển sinh 2024, theo số liệu của Bộ GDĐT, trong số 24 lĩnh vực với khoảng 400 ngành đào tạo, khối ngành khoa học GDĐT giáo viên có tỷ lệ nguyện vọng đăng ký xét tuyển tăng mạnh, tăng 85% so với năm 2023. Điểm chuẩn của một số trường gần chạm ngưỡng 30 điểm, nhiều ngành mới cũng có mức điểm chuẩn từ 9 điểm/môn. Năm nay, trong bối cảnh lần đầu tiên học sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo chương tình giáo dục phổ thông 2018, một số trường sư phạm như Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) bỏ xét tuyển học bạ mà tập trung vào xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét tuyển thẳng và kỳ thi đánh giá năng lực cho trường tổ chức. Việc này để tránh tình trạng “lạm phát điểm học bạ”, đồng thời nâng cao vị thế ngành nghề. Đây là bước đi cần thiết, nhằm đảm bảo công bằng trong tuyển sinh.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Sức hút của ngành sư phạm cũng có tác động lớn từ chính sách hỗ trợ sinh hoạt phí, học phí thực hiện theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Tuy nhiên, quá trình triển khai Nghị định 116 đã phát sinh một số vướng mắc. Vì vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2025/NĐ-CP (Nghị định 60) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116. Bộ GDĐT cho biết, Nghị định số 60 được ban hành nhằm khắc phục các hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 116, đồng thời tiếp tục kế thừa các kết quả đã đạt được trong thực hiện chính sách hỗ trợ, thu hút sinh viên giỏi, tâm huyết vào học và làm việc, cống hiến cho ngành Giáo dục. Một trong những điều chỉnh của Nghị định 60 là quy định phương thức hỗ trợ kinh phí cho sinh viên sư phạm, trong đó Nhà nước thực hiện hỗ trợ sinh viên sư phạm bằng hình thức giao dự toán theo phân cấp ngân sách; trường hợp địa phương có nhu cầu nguồn giáo viên cần thực hiện theo hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng thì thực hiện giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên cho cơ sở đào tạo giáo viên trực thuộc hoặc đặt hàng đào tạo giáo viên với cơ sở đào tạo giáo viên. Với quy định này, các cơ sở đào tạo sinh viên sư phạm và sinh viên sư phạm sẽ được cấp kinh phí kịp thời, đầy đủ hơn, góp phần tạo điều kiện cho sinh viên sư phạm yên tâm học tập, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.

Đổi mới phương pháp đào tạo

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, với những đột phá trong các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật (IoT) và dữ liệu lớn (big data), đang tác động sâu rộng đến hệ thống giáo dục đại học. Trong ngành giáo dục, các trường đại học sư phạm được xem là “nền tảng cốt lõi” trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho toàn bộ hệ thống giáo dục quốc gia. Trong bối cảnh đổi mới và hội nhập, các trường này phải đề ra những phương án đào tạo phù hợp với xu thế hiện đại. Mục tiêu của việc đào tạo giáo viên trong thời Cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ là đáp ứng nhu cầu hiện tại, mà còn chuẩn bị cho những thay đổi trong tương lai. Giáo viên phải có khả năng thích ứng linh hoạt, tư duy phản biện, sáng tạo, và khả năng hướng dẫn các thế hệ học sinh trở thành “công dân 4.0”. Các trường sư phạm đang tích cực chuyển từ “truyền thụ kiến thức” sang hướng dẫn phát triển năng lực, giúp sinh viên làm quen với môi trường giáo dục hiện đại, bắt kịp xu hướng quốc tế.

Chương trình đào tạo cần được thiết kế theo hướng mở, linh hoạt để sinh viên dễ dàng cập nhật kiến thức và nâng cao khả năng. Các môn học như tư vấn tâm lý, chuyển giao công nghệ giáo dục, và chuyển đổi số trong giáo dục được đề xuất. Các trường đại học sư phạm cũng cần tăng cường ứng dụng công nghệ số và mở rộng mô hình lớp học trực tuyến. Sinh viên phải được rèn luyện trong môi trường thực tế từ sớm. Quản trị đào tạo cần chuyển từ phong cách hành chính sang phong cách đổi mới sáng tạo, kết hợp công nghệ dữ liệu lớn. Về mục tiêu, các trường đại học sư phạm cần đào tạo những giáo viên không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn có khả năng sáng tạo, làm việc nhóm và thích ứng với các ngành nghề mới. Về chương trình, cần xây dựng nội dung mở, tích hợp các môn học liên ngành và bổ sung các kỹ năng về chuyển đổi số, tư vấn tâm lý, cũng như dịch vụ giáo dục. Phương pháp đào tạo cần áp dụng công nghệ hiện đại, khuyến khích sinh viên học tập thông qua thực hành và đổi mới sáng tạo. Hình thức đào tạo nên kết hợp giữa học trực tuyến và thực tế để tối ưu hóa hiệu quả. Quản trị đào tạo đòi hỏi sự linh hoạt, ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn để tối ưu hóa quá trình quản lý. Cuối cùng, các điều kiện hỗ trợ như cơ sở hạ tầng, tài liệu học liệu, và môi trường thực hành cần được cải thiện để đáp ứng yêu cầu đào tạo hiện đại.

Một số rào cản thực tiễn

Mặc dù việc nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên đang được triển khai tích cực, nhưng thực tế hiện nay quá trình này vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn. Khó khăn đến từ việc thiếu hụt đội ngũ giảng viên chất lượng cao. Một số trường đại học sư phạm, nhất là ở địa phương, vẫn còn tình trạng thiếu giảng viên có trình độ tiến sĩ, đặc biệt ở các ngành đào tạo mới tích hợp liên môn như khoa học tự nhiên. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc thiết kế chương trình và tổ chức giảng dạy hiệu quả. Hạ tầng và công nghệ chưa có sự đồng bộ. Đặc biệt, ở một số địa phương, sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm phải chờ đợi lâu để được tuyển dụng, hoặc không được bố trí đúng chuyên môn. Điều này không chỉ gây lãng phí nguồn lực mà còn ảnh hưởng đến tâm lý và động lực của người học. Nhằm khắc phục tình trạng này, cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên theo nhu cầu sử dụng của các địa phương đã được triển khai theo tinh thần của Nghị định 116/2020/NĐ-CP. Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình triển khai cơ chế đặt hàng vẫn còn nhiều lúng túng. Không ít địa phương chưa xác định rõ nhu cầu nhân lực từng môn học, từng cấp học theo từng năm học, khiến việc ký kết đặt hàng với các trường sư phạm diễn ra chậm hoặc không đồng bộ.

Trong bối cảnh đổi mới giáo dục toàn diện, đặc biệt là trước yêu cầu của chuyển đổi số và hội nhập quốc tế, việc nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên chính là một trong những khâu then chốt, quyết định đến sự phát triển bền vững của hệ thống giáo dục quốc dân. Cần sự vào cuộc đồng bộ từ trung ương đến địa phương, từ cơ sở đào tạo đến các cơ quan sử dụng, nhằm khắc phục các điểm nghẽn, hoàn thiện chính sách và xây dựng hệ sinh thái đào tạo – sử dụng – đãi ngộ giáo viên thực chất, hiệu quả.

Hà Giang

Tài liệu tham khảo:

Chính phủ (2025): Nghị định 60/2025/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. https://vanban.chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=213052

Nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. https://tapchigiaoduc.edu.vn/article/89216/211/nang-cao-chat-luong-dao-tao-giao-vien-dap-ung-yeu-cau-cua-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu/

 

Bạn đang đọc bài viết Nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên: Đổi mới để thích ứng tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn