STEAM trong giáo dục mầm non Việt Nam: Khi người giáo viên là nhân tố then chốt

Trong bối cảnh giáo dục mầm non ngày càng được chú trọng như nền tảng cho sự phát triển toàn diện, STEAM đang được nhìn nhận như một hướng tiếp cận đầy triển vọng. Tuy vậy, việc đưa STEAM vào thực tiễn lớp học không chỉ phụ thuộc vào điều kiện vật chất hay chủ trương chính sách, mà còn gắn chặt với vai trò, năng lực và thái độ nghề nghiệp của người giáo viên.

Trí tuệ sáng tạo, tư duy phản biện và khả năng giải quyết vấn đề không phải là năng lực chỉ hình thành ở giáo dục đại học hay phổ thông trung học. Các nhà khoa học giáo dục quốc tế từ lâu đã khẳng định: những năng lực này cần được nuôi dưỡng ngay từ giai đoạn mầm non - thời điểm vàng của sự phát triển não bộ và nhận thức xã hội. Giáo dục STEAM (Science - Technology - Engineering - Arts - Mathematics) ra đời để hiện thực hóa mục tiêu đó. Tuy nhiên, hành trình đưa STEAM từ lý thuyết đến lớp học thực tế, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, vẫn còn đầy rào cản.

Một nghiên cứu định lượng mới đây đã thực hiện khảo sát trên 416 giáo viên mầm non tại ba tỉnh thành (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Điện Biên) nhằm làm rõ những yếu tố ảnh hưởng đến việc triển khai hoạt động STEAM trong môi trường giáo dục sớm. Từ đó, nghiên cứu đưa ra những gợi ý có giá trị cho các nhà quản lý, trường đào tạo và nhà hoạch định chính sách trong việc xây dựng một hệ sinh thái STEAM thực chất và phù hợp với bối cảnh Việt Nam.

STEAM trong giáo dục mầm non: Từ định hướng toàn cầu đến thực tiễn Việt Nam

Trong những năm gần đây, giáo dục STEAM đã trở thành một từ khóa phổ biến trong các diễn đàn giáo dục quốc tế, được xem là hướng đi hiệu quả giúp chuẩn bị cho công dân toàn cầu thích ứng với xã hội tri thức và công nghệ cao. Đối với trẻ mầm non, STEAM không chỉ đơn thuần là học về khoa học hay toán học, mà là cách tiếp cận học tập đa lĩnh vực, dựa trên khám phá, trải nghiệm và tư duy tích hợp.

Tại Việt Nam, STEAM đã được triển khai thử nghiệm trong một số trường mầm non, nhất là ở khu vực đô thị và các trường tư thục tiên phong. Tuy nhiên, phần lớn các hoạt động STEAM hiện nay vẫn mang tính tự phát, thiếu hướng dẫn cụ thể, thiếu tài liệu chuẩn hóa và quan trọng hơn - thiếu sự chuẩn bị bài bản cho đội ngũ giáo viên mầm non. Trong khi đó, giáo viên lại chính là người trực tiếp “kích hoạt” và duy trì tính hiệu quả của STEAM tại lớp học.

Nghiên cứu định lượng do nhóm tác giả người Việt thực hiện đã được triển khai nhằm trả lời một câu hỏi trung tâm: Điều gì ảnh hưởng đến việc giáo viên mầm non tổ chức hoạt động STEAM tại Việt Nam?

Giáo viên cần gì để thực hành STEAM hiệu quả?

Dữ liệu được thu thập từ 416 giáo viên mầm non đang công tác tại Hà Nội, Vĩnh Phúc và Điện Biên - ba địa phương đại diện cho sự đa dạng về điều kiện phát triển giáo dục. Nhóm nghiên cứu sử dụng mô hình CB-SEM để đánh giá mối quan hệ giữa các biến độc lập (như kiến thức chuyên môn, sự hỗ trợ quản lý, cơ sở vật chất,...) và mức độ thực hành STEAM của giáo viên. Kết quả chỉ ra ba yếu tố có ảnh hưởng tích cực rõ rệt:

Sự hỗ trợ từ ban giám hiệu nhà trường: Là yếu tố tác động mạnh mẽ nhất. Giáo viên được hỗ trợ chuyên môn, tạo điều kiện về thời gian, không gian và động viên đổi mới có xu hướng triển khai STEAM hiệu quả hơn.

Kiến thức chuyên môn về STEAM: Giáo viên hiểu rõ về từng lĩnh vực trong STEAM có khả năng thiết kế hoạt động phù hợp với lứa tuổi, lồng ghép được mục tiêu phát triển toàn diện và thúc đẩy tư duy tích hợp.

Thái độ nghề nghiệp tích cực: Giáo viên tin tưởng vào giá trị của STEAM, có sự hứng thú và sẵn sàng học hỏi sẽ chủ động triển khai các hoạt động dạy học theo định hướng STEAM, bất chấp khó khăn về cơ sở vật chất hay tài liệu hướng dẫn.

Ngược lại, nghiên cứu cho thấy một số yếu tố tưởng chừng quan trọng lại không có ảnh hưởng đáng kể: Cơ sở vật chất và học liệu: Không có mối quan hệ rõ ràng với mức độ thực hành STEAM. Điều này cho thấy nếu chỉ đầu tư thiết bị mà không chú trọng bồi dưỡng con người, hiệu quả đổi mới sẽ khó bền vững; Sự hỗ trợ từ phụ huynh, đồng nghiệp và chuyên gia: Trong bối cảnh giáo dục mầm non Việt Nam hiện nay, các lực lượng hỗ trợ này chưa được huy động một cách hiệu quả và chưa đóng vai trò nổi bật trong thực hành STEAM của giáo viên.

Hàm ý cho đào tạo giáo viên và quản lý giáo dục

Một đóng góp quan trọng của nghiên cứu là việc xây dựng và kiểm định các thang đo đánh giá thái độ nghề nghiệp và mức độ thực hành STEAM của giáo viên mầm non. Đây là công cụ có giá trị cho các chương trình đào tạo giáo viên, cho phép đánh giá năng lực đầu ra không chỉ về mặt tri thức mà còn về động lực và hành vi nghề nghiệp.

Ngoài ra, kết quả nghiên cứu đặt ra yêu cầu cấp thiết cho các nhà quản lý giáo dục: muốn STEAM lan tỏa, cần bắt đầu từ chính các hiệu trưởng, trưởng nhóm chuyên môn - những người có ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường làm việc và định hướng đổi mới trong trường học.

Công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên cũng cần được tái cấu trúc, thay vì dừng lại ở các lớp “tập huấn ngắn hạn”, nên chuyển sang mô hình phát triển năng lực liên tục, tích hợp thực hành và cộng đồng học tập chuyên môn. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện để giáo viên được thử nghiệm, thất bại và rút kinh nghiệm trong môi trường sư phạm an toàn, thay vì bị ràng buộc bởi áp lực thành tích.

STEAM trong giáo dục mầm non: Nhìn nhận như một chiến lược dài hạn

STEAM không nên được nhìn nhận như một “phong trào” đổi mới tạm thời, mà là một chiến lược dài hạn nhằm kiến tạo phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, học thông qua trải nghiệm, và hướng đến phát triển toàn diện. Tuy nhiên, để chiến lược đó trở thành hiện thực, cần thay đổi cách tiếp cận: không chỉ trang bị thêm giáo cụ, không chỉ dán nhãn “STEAM” vào mỗi tiết học, mà phải đặt trọng tâm vào phát triển đội ngũ giáo viên - những người có khả năng kiến tạo môi trường học tập đầy cảm hứng cho trẻ nhỏ.

Nghiên cứu này là một lời nhắc nhở quan trọng rằng: thiết bị có thể được mua, giáo trình có thể được biên soạn, nhưng niềm tin nghề nghiệp, sự chủ động sáng tạo và năng lực thực hành của giáo viên mới chính là điều kiện quyết định sự thành công của STEAM trong giáo dục mầm non Việt Nam.

Huyền Đức lược dịch

Nguồn: Nguyen, M. T., Hà, T. A., Mai, H. A., Vu, K. T. T., & Nguyễn, M. Q. (2025). Factors affecting preschool teachers' implementation of STEAM activities: A quantitative study in Vietnam. Social Sciences & Humanities Open, 11, 101227.

Bạn đang đọc bài viết STEAM trong giáo dục mầm non Việt Nam: Khi người giáo viên là nhân tố then chốt tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn