Trong bối cảnh giáo dục hiện đại, vai trò của giáo viên đã có sự thay đổi đáng kể. Không chỉ đơn thuần là người truyền đạt kiến thức, giáo viên ngày nay còn là người hướng dẫn học sinh về tư duy phản biện, khả năng giải quyết vấn đề và các kĩ năng xã hội. Điều này đòi hỏi giáo viên không chỉ phải có kiến thức chuyên môn vững vàng mà còn cần phải phát triển những kĩ năng sư phạm và tâm lí để có thể tạo dựng môi trường học tập hiệu quả, giúp học sinh phát triển toàn diện. Chính vì vậy, nghiên cứu về đặc điểm sư phạm và tâm lí của giáo viên là cần thiết để hiểu rõ hơn về yêu cầu công việc và từ đó đưa ra các giải pháp để nâng cao chất lượng giảng dạy, đồng thời tạo ra môi trường học tập tích cực.
Mục tiêu của nghiên cứu này là khám phá và phân tích các đặc điểm sư phạm và tâm lí của giáo viên trung học cơ sở, từ đó làm rõ vai trò của giáo viên trong việc xây dựng môi trường học tập tích cực. Nghiên cứu tập trung vào các yếu tố sư phạm và tâm lí then chốt như trí tuệ cảm xúc, khả năng kiểm soát căng thẳng và sự linh hoạt trong phương pháp giảng dạy và phân tích tác động của chúng đối với chất lượng giảng dạy cũng như sự phát triển toàn diện của học sinh. Để đảm bảo tính khách quan và toàn diện, nghiên cứu áp dụng phương pháp nghiên cứu hỗn hợp, kết hợp khảo sát định lượng và phỏng vấn sâu định tính. Khảo sát được thực hiện với 200 giáo viên trường trung học cơ sở từ các khu vực khác nhau, sử dụng phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên phân tầng để đảm bảo sự đa dạng về vùng miền, loại trường học và môn giảng dạy. Dữ liệu thu thập từ khảo sát được phân tích bằng phần mềm SPSS, sử dụng các phương pháp thống kê mô tả và phân tích phương sai (ANOVA). Đồng thời, 30 giáo viên tham gia phỏng vấn sâu để cung cấp thông tin chi tiết về các chiến lược giảng dạy và cách họ đối phó với các vấn đề tâm lí trong công việc. Dữ liệu từ phỏng vấn được phân tích thông qua phương pháp phân tích chủ đề, giúp nhận diện các mẫu hình nổi bật trong cách giáo viên áp dụng các chiến lược sư phạm và tâm lí trong lớp học.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, trong thế kỉ 21, giáo viên cần phát triển các đặc điểm sư phạm và tâm lí để đáp ứng yêu cầu của giáo dục hiện đại. Các đặc điểm này bao gồm phương pháp: giảng dạy “lấy học sinh làm trung tâm”; khả năng tích hợp công nghệ vào giảng dạy; trí tuệ cảm xúc và khả năng kiểm soát căng thẳng. Thứ nhất, phương pháp giảng dạy “lấy học sinh làm trung tâm” là yếu tố quan trọng giúp giáo viên tạo ra môi trường học tập tích cực. Các phương pháp như: học qua dự án, học hợp tác và học theo vấn đề,… giúp học sinh phát triển tư duy độc lập và sáng tạo, đồng thời khuyến khích học sinh tự chủ trong việc học tập. Giáo viên không còn chỉ là người truyền đạt kiến thức mà là người hướng dẫn, hỗ trợ học sinh phát triển tư duy phản biện và giải quyết vấn đề. Thứ hai, việc tích hợp công nghệ vào giảng dạy là một yếu tố không thể thiếu trong giáo dục hiện đại. Các công cụ công nghệ giúp giáo viên tạo ra môi trường học tập phong phú và tương tác, đồng thời cung cấp cho học sinh các công cụ học tập hiệu quả. Tuy nhiên, giáo viên cần biết cách sử dụng công nghệ một cách hợp lí, tránh sự phụ thuộc vào công nghệ nhằm duy trì sự tương tác trực tiếp và cá nhân hóa trong việc giảng dạy. Thứ ba, trí tuệ cảm xúc (EQ) của giáo viên là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ tích cực với học sinh. Giáo viên có trí tuệ cảm xúc cao sẽ có khả năng nhận diện và điều chỉnh cảm xúc của bản thân, đồng thời tạo ra môi trường lớp học an toàn và thân thiện. Mối quan hệ gắn kết giữa giáo viên và học sinh giúp học sinh cảm thấy được tôn trọng và an toàn, từ đó thúc đẩy sự tham gia và động lực học tập của học sinh. Bên canh đó, khả năng kiểm soát căng thẳng là điều kiện tiên quyết để giáo viên duy trì động lực trong công việc và tạo ra môi trường học tập không căng thẳng. Giáo viên có khả năng kiểm soát căng thẳng sẽ vượt qua được các áp lực trong công việc và duy trì sự kiên cường trong công tác giảng dạy. Điều này giúp họ có thể tạo ra một môi trường học tập tích cực và hỗ trợ học sinh phát triển toàn diện cả về mặt học thuật lẫn cảm xúc.
(Nguồn ảnh: Pexels)
Có thể thấy rằng, ngoài việc truyền đạt kiến thức, giáo viên có vai trò là người tạo dựng một môi trường học tập hiệu quả, nơi học sinh có thể phát triển toàn diện cả về mặt học thuật lẫn cảm xúc. Để đáp ứng yêu cầu này, giáo viên cần phải không ngừng nâng cao các kĩ năng sư phạm và tâm lí, đặc biệt là trí tuệ cảm xúc, khả năng kiểm soát căng thẳng và sự linh hoạt trong việc áp dụng các phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng học sinh. Việc đầu tư vào phát triển những năng lực này sẽ giúp giáo viên vượt qua những thách thức trong công tác giảng dạy, đóng góp tích cực vào sự phát triển toàn diện của học sinh. Giáo viên có khả năng quản lí cảm xúc sẽ tạo ra một môi trường lớp học tích cực, giúp học sinh cảm thấy an toàn, được tôn trọng và động viên, từ đó thúc đẩy sự tham gia tích cực vào quá trình học tập. Hơn nữa, sự linh hoạt trong phương pháp giảng dạy sẽ giúp giáo viên dễ dàng thích nghi với các nhu cầu học tập đa dạng của học sinh, nâng cao hiệu quả học tập và phát huy tối đa khả năng sáng tạo của học sinh.
Về mặt thực tiễn, các chương trình đào tạo giáo viên được thiết kế nhằm phát triển những kĩ năng này góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, đồng thời giúp giáo viên đối phó tốt hơn với những căng thẳng và áp lực công việc. Việc xây dựng các kĩ năng này không chỉ giúp giáo viên duy trì động lực làm việc mà còn giúp họ trở thành người dẫn dắt, đồng hành cùng học sinh. Các nhà quản lí giáo dục và cơ sở đào tạo giáo viên cần thiết kế và triển khai các chương trình đào tạo giáo viên một cách bài bản nhằm trang bị cho họ đầy đủ kiến thức và kĩ năng để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của nền giáo dục hiện đại.
Nguồn: Boymuradova, D. (2025). Pedagogical and psychological characteristics of a teacher in a general secondary education school in the 21st century. Journal of Applied Science and Social Science, 1(1), 81-88.
Khánh Linh lược dịch