Trao đổi và hợp tác trong nghiên cứu khoa học: Hành trình mở rộng không gian nghiên cứu tại Việt Nam

Trong bối cảnh khoa học công nghệ đang trở thành động lực quan trọng của phát triển kinh tế - xã hội, việc thúc đẩy trao đổi và hợp tác học thuật, đặc biệt thông qua mô hình “kỳ nghỉ học thuật” (sabbatical leave), đang ngày càng được quan tâm tại Việt Nam. Mô hình này đã chứng minh tính hiệu quả trong việc tạo điều kiện để các nhà khoa học làm mới tư duy, mở rộng hợp tác quốc tế và nâng cao chất lượng nghiên cứu.

Phỏng vấn PGS.TS. Nguyễn Hoàng Hải - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội

Trong cuộc trò chuyện dưới đây, chúng tôi cùng PGS.TS. Nguyễn Hoàng Hải - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội - nhìn lại vai trò và tiềm năng của “kỳ nghỉ học thuật” trong hệ sinh thái nghiên cứu, từ góc nhìn cá nhân đến mô hình tổ chức hiệu quả trên thế giới và tại Việt Nam.

PV: Thưa PGS.TS. Nguyễn Hoàng Hải, ông đánh giá như thế nào về vai trò của “kỳ nghỉ học thuật” trong môi trường đại học và viện nghiên cứu ở nước ngoài và tại Việt Nam hiện nay?

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Hải: Kỳ nghỉ học thuật (sabbatical leave) là một thiết chế phổ biến tại các đại học hàng đầu thế giới. Sabbatical leave, có nguồn gốc từ truyền thống tôn giáo của người Do Thái, theo đó cứ mỗi 7 năm một lần sẽ dành một năm nghỉ - sabbatical year “để đất đai nghỉ ngơi và tái sinh”. Khởi đầu với Đại học Harvard, Hoa Kỳ từ năm 1880 và sau đó lan tỏa trên toàn thế giới, truyền thống này được hầu hết các đại học hiện đại vay mượn và chuyển hóa thành kỳ nghỉ học thuật cho giảng viên. Nó không chỉ giúp làm mới tư duy, phát triển nghiên cứu mà còn thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác khoa học toàn cầu.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, khái niệm này vẫn còn khá xa lạ và chưa được thể chế hóa. Trong bối cảnh Khoa học công nghệ thay đổi liên tục, xu hướng nghiên cứu liên ngành tăng cao, Việt Nam nên nghiên cứu triển khai chế độ kỳ nghỉ học thuật như một phần trong cải cách giáo dục đại học, đồng thời kết hợp với chính sách luân chuyển giảng viên giữa các cơ sở giáo dục, cơ sở nghiên cứu và với doanh nghiệp  để  hỗ trợ, thúc đẩy nghiên cứu liên ngành. Dự thảo Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo hiện nay đã có đề cập đến việc nhà khoa học được định kỳ cử sang làm việc tại các tổ chức, doanh nghiệp trong thời gian nhất định để trao đổi học thuật, nâng cao năng lực, nắm bắt nhu cầu công nghệ, đồng thời được giữ nguyên chế độ lương, quy hoạch, bổ nhiệm, thi đua khen thưởng - đây cũng có thể coi như một hình thức của kỳ nghỉ học thuật.

Trong gần 10 năm qua, tôi đã có nhiều dịp được mời tham gia các hoạt động chuyên môn thuộc Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học do Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) chủ trì tổ chức và vì vậy có cơ hội được hiểu kỹ hơn về mô hình hoạt động của VIASM. Tôi nghĩ đây là một mô hình rất đáng chú ý tại Việt Nam. VIASM đã và đang chứng minh rằng, nếu được tổ chức bài bản, linh hoạt, thì kỳ nghỉ học thuật có thể mang lại đóng góp thiết thực cho khoa học Việt Nam tương tự như các trường, viện quốc tế.

PV: Theo ông, những mục tiêu cốt lõi của kỳ nghỉ học thuật là gì?

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Hải: Theo tôi, mục tiêu của kỳ nghỉ học thuật có thể xem xét bốn điểm chính sau:

Thứ nhất, làm mới năng lực nghiên cứu và tư duy sáng tạo: Kỳ nghỉ học thuật giúp giảng viên, nhà nghiên cứu có thời gian “tạm dừng” công việc giảng dạy, hành chính để tập trung toàn thời gian nghiên cứu, từ đó đưa ra những ý tưởng nghiên cứu mới, đổi mới cách tiếp cận vấn đề.

Thứ hai, mở rộng hợp tác học thuật trong và ngoài nước: như chúng ta có thể thấy, đây là cơ hội để các giảng viên trong nước tham gia các chương trình trao đổi, có cơ hội gặp gỡ và tiếp xúc với các nhà khoa học trong và ngoài nước từ đó tăng cường kết nối học thuật.

Thứ ba, các giảng viên, nhà nghiên cứu có thời gian tập trung hoàn thiện và xuất bản bài báo quốc tế hoặc viết sách chuyên khảo, thậm chí để tâm trung học thêm về một chủ đề nào đó mà bấy lâu nay họ dự định sẽ tìm hiểu

Cuối cùng, một trong những mục tiêu quan trọng của kỳ nghỉ học thuật nhằm tránh tình trạng kiệt sức hoặc trì trệ trong nghiên cứu. Công việc giảng dạy liên tục có thể dẫn đến sự mệt mỏi, mất động lực nghiên cứu. Kỳ nghỉ học thuật sẽ là một cơ hội nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng sáng tạo nhằm giúp giảng viên - nhà khoa học có thời gian yên tĩnh, thoát ra khỏi các thói quen thường ngày để có cơ hội làm mới chính mình.

PV: Về góc nhìn cá nhân, ông từng có trải nghiệm đáng nhớ nào liên quan đến kỳ nghỉ học thuật?

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Hải: Năm 2007, tôi có dịp thực tập hai tháng tại Khoa Hóa học, Đại học Bar-Ilan (Israel), cùng nhóm nghiên cứu của GS. Aharon Gedanken. GS. Gedanken là một nhà khoa học nổi tiếng người Israel với những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực khoa học vật liệu, công nghệ nano và hóa học. Cứ khoảng một vài năm ông lại đến các đại học trên thế giới để hợp tác nghiên cứu.

Chuyến đi tuy khá ngắn này thực sự đã thay đổi triệt để hướng nghiên cứu của tôi - từ việc kết hợp liên ngành hóa học và vật lý, tiếp cận phương pháp hiện đại đến mở rộng đối tác quốc tế. Sau đó, tôi có cơ hội chia sẻ lại những trải nghiệm ấy với đồng nghiệp và sinh viên trong nước.

Tại một số đại học danh tiếng như Harvard, MIT hay Stanford, sau sáu năm làm việc liên tục, giảng viên sẽ được nghỉ một năm để đi sabbatical, với mức lương hưởng từ 50-100% lương hiện tại. Chính sách tương tự cũng được áp dụng tại nhiều đại học, ở nhiều quốc gia châu Âu, Úc, Nhật Bản,… Đây là một thông lệ tốt trên thế giới mà chúng ta nên áp dụng, bởi cơ chế này không chỉ mang lại lợi ích cho từng cá nhân riêng biệt mà còn  giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong học thuật.

PV: Trở lại với mô hình của VIASM mà ông có nhắc đến ở trên, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về việc áp dụng mô hình “kỳ nghỉ học thuật” tại đây không?

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Hải: VIASM đã xây dựng được một không gian học thuật mở, linh hoạt và phi hành chính và dường như là đơn vị duy nhất ở Việt Nam được áp dụng mô hình tương tự như các viện nghiên cứu tiên tiến trên thế giới. Nhà khoa học ở trong và ngoài nước được tuyển chọn đến đây làm việc theo nhóm nghiên cứu trong một thời gian khoảng 2-3 tháng (tương tự kỳ nghỉ học thuật). Nhiều nhà toán học trong nước đã lựa chọn dành kỳ nghỉ học thuật tại đây để làm mới hướng nghiên cứu và thiết lập hợp tác quốc tế. Sau thời gian làm việc tại VIASM, họ xác lập hoặc duy trì được các mối quan hệ học thuật sâu rộng, để khi quay trở lại đơn vị, họ  phát huy được rất tốt công việc nghiên cứu và giảng dạy của mình. Tôi thuộc lĩnh vực Vật lý, nên ít có dịp tiếp xúc với cộng đồng Toán học Việt Nam, nhưng theo tôi biết, gần như tất cả các nhóm nghiên cứu mạnh trong lĩnh vực Toán học của Việt Nam đều đã từng đến VIASM làm việc, trong đó đặc biệt có những nhóm nghiên cứu không phải ở các khu vực trung tâm, như nhóm nghiên cứu của GS. Phạm Tiến Sơn (Trường Đại học Đà Lạt) - người đạt giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020, nhóm của PGS. Lương Đăng Kỳ, PGS. Phan Thanh Nam (Trường Đại học Quy Nhơn),...

VIASM có lẽ cũng là đơn vị tiên phong dành riêng các vị trí nghiên cứu sau tiến sĩ (postdoc) cho các tiến sĩ trẻ. Đây cũng là một mô hình quen thuộc trên thế giới, nhưng mãi gần đây mới có thêm một số quỹ tư nhân và một vài đại học lớn của Việt Nam bắt đầu áp dụng. Các nhà khoa học trẻ sau khi bảo vệ tiến sĩ cần một bước đệm trong giai đoạn ban đầu trước khi có vị trí ổn định lại một cơ sở nghiên cứu, đồng thời cần có thời gian để định hình rõ hơn hướng nghiên cứu của mình. Đối với các tiến sĩ trẻ tốt nghiệp ở nước ngoài, thời gian làm postdoc tại VIASM sẽ giúp cho họ làm quen trở lại với môi trường và các nhóm nghiên cứu trong nước. Đây cũng là một phương cách giúp Toán học Việt Nam thu hút được nhiều tài năng trẻ trở về.    

PV: Ông đánh giá như thế nào về hiện trạng đào tạo và luân chuyển học thuật trong các trường đại học tại Việt Nam hiện nay?

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Hải: Một vấn đề lớn là tình trạng “tự đào tạo” – tức là giữ lại sinh viên giỏi để đào tạo sau đại học rồi tuyển làm giảng viên. Cách làm này tuy thuận tiện và tương đối phù hợp trong giai đoạn trước, khi số lượng các nhà khoa học cũng như số cơ sở nghiên cứu còn mỏng, nhưng dần dần sẽ dẫn tới đồng hoá tư duy và thiếu đa dạng học thuật. Các đại học hàng đầu như MIT (Hoa Kỳ) hay Oxford (Anh), và nhiều trường đại học của Pháp có quy định nghiêm ngặt về việc nghiên cứu sinh không được đào tạo từ chính nơi họ học trước đó, và không tuyển dụng nghiên cứu sinh bảo vệ Tiến sĩ từ trường mình (trừ những trường hợp đặc biệt xuất sắc). Đó là cách để chống lại sự trì trệ và “hôn nhân cận huyết” trong học thuật.

Ở Việt Nam, theo quan sát của tôi, có khá nhiều nhóm nghiên cứu đã từng hoạt động rất sôi nổi, kết quả rất tốt, nhưng sau một thời gian bị “thoái hóa” dần do vấn đề trên, khiến họ không tích cực làm mới các hướng nghiên cứu của mình, không quan tâm đến các hướng nghiên cứu thời sự trên thế giới.  

PV: Theo Ông đâu là những yếu tố dẫn đến thành công của VIASM và tương lai VIASM nên định hướng phát triển như thế nào?

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Hải:

Thứ nhất, VIASM có người đứng đầu phụ trách chuyên môn là Giáo sư Ngô Bảo Châu - một nhà khoa học có tầm ảnh hưởng lớn trong nước và quốc tế. Nghị quyết 57 - NQ/TW cũng đã đề cập và nêu rất rõ, chúng ta phải có một “Tổng công trình sư”. Bên cạnh “Tổng công trình sư”, chúng ta cần có nội lực mạnh - đó là đội ngũ nhà khoa học trong nước có năng lực chuyên môn cao, sẵn sàng hợp tác quốc tế và chủ động tham gia mạng lưới học thuật toàn cầu. Trong lĩnh vực Toán học, Việt Nam có lợi thế từ học sinh phổ thông cho đến các nhà khoa học hoàn toàn có đủ năng lực hội nhập quốc tế.

Thứ hai, VIASM có một mô hình quản trị hiện đại. Viện tạo dựng được một không gian học thuật phi hành chính - nơi các nhà khoa học có thể toàn tâm cho nghiên cứu mà không bị cuốn vào các thủ tục hành chính. Với cách làm việc linh hoạt, cởi mở và định hướng rõ ràng, đây là môi trường lý tưởng cho kỳ nghỉ học thuật phát huy hiệu quả. Mô hình này tuy chưa thật quen thuộc ở Việt Nam nhưng thực tế đã được áp dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia, chẳng hạn như Viện Nghiên cứu các Khoa học Toán học Fields nổi tiếng ở Canada. Khác với nhiều viện nghiên cứu thông thường, VIASM không có nhà khoa học cơ hữu, nhưng với chức năng kết nối, hỗ trợ hợp tác trong các khoa học toán học và liên ngành, chính sự gọn nhẹ, linh hoạt này lại làm tăng hiệu quả hoạt động.

Thứ ba, là sự đầu tư tập trung của Nhà nước. Mức đầu tư cho VIASM hàng năm chỉ tương đương kinh phí của hai đề tài cấp nhà nước, nhưng có thể hỗ trợ và tạo môi trường nghiên cứu cho khoảng 80 nhà khoa học trong và ngoài nước (khoảng 23-25 nhóm nghiên cứu) và 4-5 nghiên cứu sau Tiến sĩ đến cùng nghiên cứu, hợp tác trao đổi học thuật từ đó hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh.

Một điểm cuối cùng, theo tôi đó là hoạt động của VIASM luôn luôn hướng tới cộng đồng, ở đây là cộng đồng Toán học, giáo viên, học sinh Việt Nam, hỗ trợ đào tạo nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao cho các cơ sở giáo dục đại học và cơ sở nghiên cứu trong cả nước. Theo tôi được biết, mỗi năm Viện tổ chức hơn 100 hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế với hơn 12.000 lượt người tham dự đến từ 27 quốc gia.  Với vai trò là “trung tâm nghiên cứu chung” để hỗ trợ phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh trong nước và kết nối học giả quốc tế đến làm việc ngắn hạn tại Viện, tạo thành một hệ sinh thái học thuật sôi nổi và hội nhập quốc tế tại Việt Nam. VIASM từ khi thành lập đến nay luôn nhận được sự ủng hộ cao của cộng đồng khoa học Việt Nam trong và ngoài nước.

Về định hướng phát triển của VIASM, tôi nghĩ thời gian tới chắc chắn toán học sẽ  càng trở nên có vai trò quan trọng. Và cùng với sự thâm nhập của toán học trong mọi mặt của cuộc sống, nhu cầu kết nối, hợp tác quốc tế, hợp tác liên ngành sẽ tăng lên. Trong thời gian tới, tôi mong rằng VIASM một mặt vẫn duy trì được sự hỗ trợ mạnh mẽ cho các nghiên cứu lý thuyết, mặt khác cần tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các nghiên cứu liên ngành về toán ứng dụng, đặc biệt là khoa học tính toán và trí tuệ nhân tạo. Đồng thời  tăng cường liên kết với các ngành khoa học thực nghiệm như vật lý, sinh học….

Kinh nghiệm hơn một thập kỷ hoạt động cho thấy mô hình này có thể mở rộng sang các ngành khoa học cơ bản khác, miễn là không phụ thuộc nhiều vào máy móc thiết bị nghiên cứu phức tạp. Ngay cả trong các lĩnh vực khoa học thực nghiệm, mô hình này vẫn hữu ích cho việc đổi mới tri thức, thúc đẩy liên ngành và mở rộng mạng lưới cộng tác học thuật.

PV: Ông kỳ vọng gì vào tương lai của mô hình kỳ nghỉ học thuật tại Việt Nam?

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Hải: Tôi tin rằng, trong kỷ nguyên hội nhập và chuyển đổi số, khi tri thức trở thành tài sản cốt lõi, thúc đẩy trao đổi học thuật là chìa khóa để khoa học Việt Nam bắt nhịp với thế giới. Nói rộng hơn, những mô hình quản trị, thông lệ tốt của thế giới như kỳ nghỉ học thuật, học bổng cho nghiên cứu sinh, các hình thức hỗ trợ cho các nhà khoa học trẻ như tài trợ  nghiên cứu sau tiến sĩ, hỗ trợ trao đổi hợp tác nước ngoài… rất cần sớm được áp dụng trong toàn bộ hệ thống các cơ sở đào tạo và nghiên cứu của chúng ta. Chỉ có áp dụng các mô hình tiên tiến, tuân theo các chuẩn mực quốc tế thì không gian nghiên cứu của Việt Nam mới có thể phát triển lành mạnh và bền vững.

Ở Việt Nam, VIASM đang đi đầu trong việc xây dựng không gian học thuật mở, là điểm đến lý tưởng cho kỳ nghỉ học thuật. Nơi ươm mầm các ý tưởng, công trình xuất sắc, trở thành bệ phóng cho nhiều nhà khoa học vượt qua điều kiện làm việc khó khăn để tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học... Mô hình này chính là một trong những cầu nối quan trọng để Việt Nam không chỉ hội nhập, mà còn đóng góp cho tri thức toàn cầu./. 

Bạn đang đọc bài viết Trao đổi và hợp tác trong nghiên cứu khoa học: Hành trình mở rộng không gian nghiên cứu tại Việt Nam tại chuyên mục Khoa học giáo dục và xã hội của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn