Trong nhiều chương trình đào tạo tiến sĩ hiện nay, đặc biệt ở những lĩnh vực như quản trị kinh doanh, tài chính, kinh tế và xây dựng, phương pháp nghiên cứu định lượng vẫn giữ vị thế áp đảo. Các nghiên cứu sinh thường quen với mô hình khoa học thực chứng, đề cao tính khách quan, độ tin cậy và khả năng khái quát hóa của dữ liệu số liệu. Ngược lại, phương pháp nghiên cứu định tính - vốn nhấn mạnh tính chủ thể, sự đa dạng trong cách hiểu và vai trò của ngữ cảnh - lại dễ bị xem nhẹ, thậm chí bị nghi ngờ về tính học thuật cũng như về độ tin cậy.
Nghiên cứu này bắt đầu từ một câu hỏi: Làm thế nào để thiết kế và giảng dạy một khóa học về phương pháp nghiên cứu định tính cho những nghiên cứu sinh thiên về tư duy định lượng?.
Để tiếp cận vấn đề này, tác giả đã lựa chọn phương pháp nghiên cứu hành động thực tế - một dạng đặc thù của nghiên cứu định tính. Có ba lí do chính cho sự lựa chọn này, cụ thể là: (1) Nghiên cứu hành động cho phép người giảng dạy vừa là người thực hiện can thiệp vừa là người ghi nhận và phân tích sự thay đổi trong quá trình giảng dạy, phù hợp với mục tiêu cải tiến liên tục của khoá học; (2) Việc khảo sát đi sâu những cảm nhận, thái độ và tiến trình thay đổi nhận thức của nghiên cứu sinh về phương pháp nghiên cứu không thể đo lường bằng công cụ định lượng, mà cần cách tiếp cận mở, linh hoạt và nhạy cảm với ngữ cảnh; (3) Mục tiêu chính của nghiên cứu không phải là khái quát hóa cho cộng đồng lớn hơn mà là cải thiện chất lượng giảng dạy trong một tình huống cụ thể. Vì vậy, phương pháp định tính là lựa chọn thích hợp nhất.
Nghiên cứu sử dụng phường pháp nghiên cứu hành động thực tế trong suốt bốn năm (2021-2024), với bốn giai đoạn can thiệp tương ứng với bốn nhóm nghiên cứu sinh tiến sĩ khác nhau. Mục tiêu là nhằm cải thiện việc giảng dạy phương pháp nghiên cứu định tính cho các nghiên cứu sinh vốn thiên về sử dụng phương pháp định lượng. Các biện pháp can thiệp bao gồm điều chỉnh tài liệu học tập, tăng cường liên kết với chuyên ngành của nghiên cứu sinh và khuyến khích chủ động hóa người học. Dữ liệu được thu thập thông qua quan sát lớp học, nhật ký phản tư, trao đổi phi chính thức và thảo luận nhóm tập trung. Quá trình xử lí dữ liệu được tiến hành bằng phương pháp phân tích nội dung, trải qua ba giai đoạn: mã hóa mở, mã hóa trục và mã hóa chọn lọc, từ đó rút ra các chủ đề phản ánh sự thay đổi trong thái độ và nhận thức của nghiên cứu sinh đối với phương pháp nghiên cứu định tính.
Kết quả nghiên cứu cho thấy quá trình thay đổi thái độ và nhận thức của các nghiên cứu sinh đối với phương pháp nghiên cứu định tính diễn ra phức tạp, nhiều lớp và không đồng đều qua bốn chu kì can thiệp. Cụ thể:
Giai đoạn 1: Trong năm 2021, nghiên cứu sinh gặp nhiều khó khăn và thể hiện thái độ kháng cự mạnh mẽ, do nội dung giảng dạy và tài liệu minh họa chủ yếu liên quan đến lĩnh vực giáo dục ngôn ngữ, xa lạ với chuyên ngành của họ. Sự xa cách về nội dung, cộng với định kiến sẵn có về ưu thế của phương pháp định lượng khiến nghiên cứu sinh khó tiếp nhận các nguyên lí của phương pháp định tính và nhiều người duy trì thái độ hoài nghi đến cuối khóa học.
Giai đoạn 2: Trong năm 2022, việc yêu cầu nghiên cứu sinh vận dụng phương pháp định tính vào các đề tài gắn liền với lĩnh vực chuyên môn của họ đã tạo ra chuyển biến ban đầu. Sinh viên bắt đầu nhận thức được rằng các quan điểm tri thức là đa dạng và phương pháp nghiên cứu định tính cũng có giá trị riêng trong việc khám phá các hiện tượng xã hội phức tạp. Tuy nhiên, sự đồng thuận với phương pháp này còn hạn chế và nhiều nghiên cứu sinh vẫn giữ sự dè dặt trong việc áp dụng thực tế.
Giai đoạn 3: Trong năm 2023, những thay đổi sâu sắc hơn bắt đầu xuất hiện khi tài liệu học tập được cập nhật, tập trung vào các nghiên cứu định tính thuộc lĩnh vực kinh doanh, tài chính, kinh tế và xây dựng - đúng với chuyên ngành của nghiên cứu sinh. Nhờ sự tương thích này, nghiên cứu sinh thể hiện thái độ tiếp nhận tích cực hơn, dễ dàng hình dung cách vận dụng phương pháp định tính vào lĩnh vực của mình. Tuy vậy, lớp học cũng xuất hiện hiện tượng phân mảnh học thuật, do sự đa dạng lĩnh vực khiến nghiên cứu sinh thiếu một điểm tựa chung để trao đổi học thuật một cách sâu rộng.
Giai đoạn 4: Năm 2024 là năm đánh dấu sự thay đổi rõ nét nhất. Nghiên cứu sinh được chủ động đề xuất tài liệu phù hợp với chuyên ngành của mình, đồng thời được tiếp xúc với tác phẩm đại chúng (Ancient Futures của Helena Norberg-Hodge) nhằm tạo không gian cảm xúc chung. Nhờ vậy, phần lớn nghiên cứu sinh không chỉ hiểu và chấp nhận sự tồn tại của các hệ hình tri thức khác biệt, mà còn bắt đầu đồng cảm và nhận thấy giá trị thực tiễn của phương pháp nghiên cứu định tính trong lĩnh vực chuyên môn của họ. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng không phải tất cả nghiên cứu sinh đều hoàn toàn thay đổi quan điểm: một số vẫn duy trì lập trường ưu tiên định lượng do yêu cầu nghề nghiệp và tính chất học thuật của ngành.
Tóm lại, quá trình giảng dạy cho thấy, mặc dù những can thiệp về nội dung và phương pháp đã dần cải thiện nhận thức và thái độ của nghiên cứu sinh đối với phương pháp nghiên cứu định tính, nhưng việc chuyển hóa sâu sắc thế giới quan khoa học là một hành trình lâu dài, chịu ảnh hưởng bởi nền tảng học thuật, trải nghiệm cá nhân, cũng như môi trường xã hội và nghề nghiệp rộng lớn mà nghiên cứu sinh đang tham gia.
(Nguồn ảnh: Pexels)
Nghiên cứu hành động thực tế được lựa chọn là một quyết định phương pháp luận sáng suốt, bởi nó cho phép người giảng dạy linh hoạt thích ứng với phản hồi của nghiên cứu sinh, đồng thời tạo điều kiện để quá trình giảng dạy trở thành một hoạt động nghiên cứu phản tư, thay vì chỉ là hoạt động truyền đạt kiến thức. Ngoài ra, việc tận dụng các tài liệu ngoài giáo trình dẫn đến một phát hiện quan trọng khác liên quan đến tài liệu đọc cho các khóa học phương pháp nghiên cứu: một giáo trình tốt cho khóa học về phương pháp nghiên cứu định tính không nhất thiết phải là một giáo trình học thuật khô cứng, mà có thể là một cuốn sách phổ biến, nhờ đó mang lại trải nghiệm học tập tốt hơn cho nghiên cứu sinh và giảng viên so với các giáo trình thông thường.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng thừa nhận những giới hạn trong việc thay đổi tư duy khoa học của nghiên cứu sinh. Mặc dù các can thiệp đã giúp nâng cao nhận thức về sự đa dạng phương pháp luận, nhưng một số nghiên cứu sinh vẫn duy trì quan điểm ưu tiên nghiên cứu định lượng do yêu cầu nghề nghiệp, áp lực công bố quốc tế hoặc các quy chuẩn ngành nghề vốn thiên về thực chứng luận.
Đồng thời, nghiên cứu cũng làm sáng tỏ một vấn đề phổ biến nhưng ít được nghiên cứu sâu trong giáo dục, đó là bài toán dạy học phân hóa cho các lớp học hỗn hợp, nơi sự đa dạng về độ tuổi, nền tảng học thuật và kinh nghiệm yêu cầu người giảng dạy phải áp dụng những kĩ thuật linh hoạt như dạy học phân hoá (differentiated instruction) để đáp ứng nhu cầu khác biệt của người học.
Có thể thấy, từ phương diện sư phạm, nghiên cứu nhấn mạnh rằng giảng dạy phương pháp nghiên cứu - đặc biệt ở cấp độ sau đại học - không chỉ đòi hỏi kiến thức chuyên môn mà còn yêu cầu năng lực phản tư, khả năng thấu hiểu tâm lí người học và một tinh thần linh hoạt, sáng tạo trong việc thiết kế và triển khai chương trình đào tạo. Trong một thế giới học thuật ngày càng đa dạng và phức tạp, những yếu tố này sẽ ngày càng trở nên thiết yếu đối với người làm công tác giảng dạy và đào tạo nghiên cứu sinh.
Khánh Linh lược dịch
Nguồn:
Nguyen, C. H. (2025). Teaching ‘Qualitative Research Methodology’ Course to Quantitatively Oriented PhD Students: A Practical Action Research Study. Vietnam Journal of Education, 9(Special Issue), 197-209. https://doi.org/10.52296/vje.2025.512