Trong những năm gần đây, vai trò của các can thiệp chăm sóc sớm đối với sự phát triển toàn diện của trẻ em đã nhận được sự quan tâm ngày càng lớn từ cộng đồng khoa học và hoạch định chính sách, đặc biệt tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình (LMICs). Hai nghiên cứu tiêu biểu trong lĩnh vực này là tổng quan hệ thống của Evans và cộng sự (2024) về các chương trình chăm sóc trẻ tập trung và tổng quan nhanh của McConkey (2024) về mô hình hỗ trợ gia đình cho trẻ mầm non có khuyết tật. Cả hai công trình đều cung cấp những bằng chứng thực nghiệm quan trọng, làm sáng tỏ tác động và định hướng phát triển của các mô hình can thiệp phù hợp với bối cảnh nguồn lực hạn chế.
Nghiên cứu của Evans và cộng sự tiến hành phân tích 71 nghiên cứu thực nghiệm tại 33 quốc gia, tập trung vào các chương trình chăm sóc tập trung như nhà trẻ, mẫu giáo và mầm non. Kết quả chỉ ra rằng, phần lớn các chương trình này mang lại tác động tích cực đối với sự phát triển của trẻ em với 81% các ước lượng ghi nhận kết quả tích cực. Đặc biệt, các khía cạnh như phát triển nhận thức và cảm xúc xã hội cho thấy mức cải thiện nổi bật nhất. Một điểm đáng chú ý là các trẻ em gái thường hưởng lợi nhiều hơn trẻ em trai, trong khi mối quan hệ giữa mức độ nghèo và hiệu quả can thiệp không rõ rệt. Đồng thời, nghiên cứu cũng ghi nhận rằng các chương trình dành cho trẻ nhỏ (0-3 tuổi) và trẻ lớn (3-6 tuổi) đều có hiệu quả tương đương, điều này phản bác quan điểm cho rằng tách trẻ nhỏ khỏi gia đình sớm sẽ gây bất lợi. Trong khi đó, nghiên cứu của McConkey lại tiếp cận từ góc độ khác khi tập trung vào việc phát triển các mô hình hỗ trợ gia đình cho trẻ mầm non có khuyết tật ở các cộng đồng thu nhập thấp. Tác giả nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh thiếu hụt dịch vụ chính quy và nguồn lực hạn chế, việc xây dựng các hệ thống hỗ trợ dựa trên gia đình và cộng đồng là chiến lược khả thi và hiệu quả. McConkey xác định năm yếu tố cốt lõi để triển khai thành công mô hình này, bao gồm: phát huy vai trò lãnh đạo địa phương, cung cấp hỗ trợ tại nhà, thúc đẩy mạng lưới đồng đẳng giữa các gia đình, huy động nguồn lực cộng đồng và tạo cơ hội tiếp cận giáo dục tiền tiểu học cho trẻ.
(Nguồn ảnh: Pexels)
Tóm lại, có thể thấy, Evans và cộng sự tập trung vào mô hình chăm sóc tập trung với sự tham gia của các cơ sở chuyên môn, trong khi McConkey nhấn mạnh mô hình hỗ trợ phi tập trung, tận dụng sức mạnh của gia đình và cộng đồng địa phương. Sự khác biệt này không mang tính đối lập, mà phản ánh hai hướng tiếp cận bổ trợ lẫn nhau: hệ thống chăm sóc tập trung có thể cung cấp nền tảng giáo dục và phát triển vững chắc, trong khi hỗ trợ cộng đồng đảm bảo tính bền vững và tính cá nhân hóa cao trong chăm sóc trẻ, đặc biệt đối với những trẻ có nhu cầu đặc biệt.
Mặc dù hai nghiên cứu xuất phát từ những bối cảnh và trọng tâm khác nhau, song lại có sự giao thoa rõ rệt về mục tiêu: đều hướng tới việc tối ưu hóa sự phát triển sớm của trẻ em trong môi trường kinh tế - xã hội khó khăn. Điểm tương đồng quan trọng nhất là cả hai cùng nhấn mạnh vai trò trung tâm của can thiệp sớm và liên tục đối với kết quả lâu dài của trẻ, đồng thời công nhận rằng gia đình và môi trường chăm sóc xung quanh đóng vai trò then chốt trong việc duy trì hiệu quả can thiệp.
Hai nghiên cứu cho thấy rằng, các yếu tố như chất lượng dịch vụ chăm sóc, mức độ tham gia của gia đình, sự nhạy cảm văn hóa và khả năng huy động nguồn lực cộng đồng đều có tác động quan trọng đến hiệu quả của các chương trình. Dù là chăm sóc tập trung hay hỗ trợ gia đình, thiếu sự tham gia tích cực của gia đình và cộng đồng sẽ làm giảm đáng kể hiệu quả can thiệp. Ngược lại, khi các chương trình được thiết kế phù hợp với điều kiện địa phương, tôn trọng văn hóa bản địa và huy động được sự đồng hành của các lực lượng xã hội, kết quả phát triển của trẻ sẽ được nâng cao rõ rệt.
Những kết luận này mang lại nhiều hàm ý giá trị cho Việt Nam. Thứ nhất, cần thiết phải đa dạng hóa các mô hình chăm sóc trẻ, kết hợp giữa việc nâng cao chất lượng hệ thống trường mẫu giáo công lập và phát triển các mô hình hỗ trợ cộng đồng như nhóm phụ huynh đồng đẳng hoặc mạng lưới cộng tác viên xã hội. Thứ hai, cần đầu tư vào đào tạo lực lượng nhân lực cộng đồng để thực hiện các chương trình hỗ trợ tại nhà, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, nơi dịch vụ chính quy còn thiếu hụt. Thứ ba, đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông nhằm giảm kì thị đối với trẻ khuyết tật và nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị của giáo dục hoà nhập. Thứ tư, xây dựng các chính sách hỗ trợ tài chính có mục tiêu dành cho các gia đình có trẻ em yếu thế. Thứ năm, thiết lập hệ thống đánh giá định kì về sự phát triển trẻ mầm non ngay từ cấp xã, phường, nhằm theo dõi và điều chỉnh kịp thời các chương trình can thiệp. Trong bối cảnh giáo dục mầm non tại Việt Nam, việc kết hợp linh hoạt giữa chăm sóc tập trung và chăm sóc dựa vào cộng đồng, lấy gia đình làm trung tâm sẽ là chìa khóa để tối ưu hóa sự phát triển của mọi trẻ em, đặc biệt là những trẻ em thuộc nhóm yếu thế nhất.
Khánh Linh lược dịch
Tài liệu tham khảo
Evans, D. K., Jakiela, P., & Acosta, A. M. (2024). The Impacts of Childcare Interventions on Children’s Outcomes in Low-and Middle-Income Countries: A Systematic Review. AEA Papers and Proceedings, 114, 463-466. https://doi.org/10.1257/pandp.20241015
McConkey, R. (2024). Creating Family-Centred Support for Preschoolers with Developmental Disabilities in Low-Income Countries: A Rapid Review to Guide Practitioners. International journal of environmental research and public health, 21(6), 651. https://doi.org/10.3390/ijerph21060651