Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đặt ra mục tiêu đổi mới toàn diện từ mục tiêu, nội dung đến phương pháp, hình thức dạy học và đánh giá. Trong bối cảnh đó, giáo viên - đặc biệt là giáo viên tiểu học - giữ vai trò then chốt trong việc chuyển tải tinh thần đổi mới vào thực tiễn lớp học. Tuy nhiên, sự thay đổi này không thể đạt được chỉ bằng các chỉ thị hành chính hay chương trình tập huấn ngắn hạn, mà cần một quá trình phát triển chuyên môn liên tục, gắn liền với thực tiễn giảng dạy và nhu cầu thực tế của giáo viên.
Từ lý thuyết xã hội - văn hóa, học tập và phát triển chuyên môn không diễn ra trong môi trường tách biệt mà gắn liền với hoạt động xã hội, tương tác đồng nghiệp và bối cảnh thực hành nghề nghiệp. Do đó, nghiên cứu nhằm phân tích thực trạng phát triển chuyên môn của giáo viên tiểu học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới, từ đó gợi mở những hướng đi hiệu quả hơn cho quá trình này.
Những đặc điểm nổi bật trong phát triển chuyên môn giáo viên tiểu học
Hoạt động phát triển chuyên môn của giáo viên tiểu học Việt Nam hiện nay nổi bật với ba đặc điểm chính: tính tự định hướng (self-directedness), tính đồng nghiệp (collegiality) và tính gắn kết với bối cảnh thực tiễn (situatedness).
Trước hết là tính tự định hướng. Giáo viên không còn thụ động chờ đợi sự phân công nội dung chuyên môn từ cấp trên mà đã chủ động đề xuất các chủ đề thảo luận, xây dựng kế hoạch nghiên cứu bài học, lựa chọn nội dung phát triển dựa trên nhu cầu thực tiễn giảng dạy và khó khăn học tập của học sinh.
Thứ hai là tính đồng nghiệp. Các hoạt động chuyên môn được tổ chức theo mô hình học hỏi lẫn nhau, đặc biệt qua nghiên cứu bài học (lesson study). Giáo viên cùng nhau soạn bài, dự giờ, phân tích bài dạy và chia sẻ sáng kiến giảng dạy. Tinh thần cộng tác và hỗ trợ đồng nghiệp được xem như động lực chính thúc đẩy phát triển chuyên môn.
Cuối cùng là tính gắn với bối cảnh thực tiễn. Các chủ đề hoạt động chuyên môn không mang tính lý thuyết chung chung, mà xuất phát từ những vấn đề cụ thể, thực tế trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới và từ nhu cầu học tập thực tế của học sinh.
Ý nghĩa, thành tựu và những thách thức đặt ra
Kết quả nghiên cứu khẳng định rằng việc phát triển chuyên môn theo hướng tự định hướng, hợp tác đồng nghiệp và gắn với thực tiễn đã giúp giáo viên tiểu học Việt Nam nâng cao năng lực nghề nghiệp một cách thiết thực. Các hoạt động chuyên môn không còn mang tính hình thức mà đã trở thành quá trình học hỏi thực tế, thúc đẩy giáo viên đổi mới phương pháp dạy học và thích ứng với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Cách tiếp cận này phù hợp với lý thuyết xã hội - văn hóa, nhấn mạnh vai trò của tương tác xã hội và bối cảnh thực hành trong quá trình học tập nghề nghiệp.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy một số thách thức cần được lưu tâm. Sự tham gia vào hoạt động chuyên môn giữa các giáo viên còn chưa đồng đều; một số giáo viên trẻ thiếu tự tin khi chia sẻ, trong khi một số giáo viên lớn tuổi gặp khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ. Việc lựa chọn giáo viên giỏi để thực hiện bài dạy minh họa nếu không được cân nhắc kỹ càng có thể làm hạn chế cơ hội phát triển của những giáo viên khác. Điều này đặt ra yêu cầu phải xây dựng môi trường chuyên môn dân chủ, an toàn, đồng thời nâng cao vai trò lãnh đạo sư phạm nhằm thúc đẩy sự tham gia tích cực và phát triển đồng đều trong đội ngũ giáo viên.
Nghiên cứu đã cho thấy rằng phát triển chuyên môn của giáo viên tiểu học trong bối cảnh đổi mới giáo dục tại Việt Nam đang chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tự chủ, hợp tác và gắn với thực tiễn.
Ba đặc điểm nổi bật - tự định hướng, đồng nghiệp và gắn bó với bối cảnh thực hành - không chỉ phù hợp với lý thuyết xã hội - văn hóa mà còn là nền tảng quan trọng để thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới. Để phát triển bền vững, các nhà trường cần tiếp tục tạo điều kiện để giáo viên được tự chủ trong đề xuất nội dung hoạt động chuyên môn, được hỗ trợ trong việc phát triển kỹ năng công nghệ và được làm việc trong môi trường học tập chuyên môn an toàn, khuyến khích chia sẻ, sáng tạo.
Chỉ bằng việc đặt giáo viên vào trung tâm của đổi mới, tạo dựng cộng đồng học tập chuyên môn đích thực, giáo dục tiểu học Việt Nam mới có thể vững vàng tiến bước trong hành trình đổi mới căn bản và toàn diện.
Huyền Đức lược dịch
Nguồn: Pham, K. T., Thi Do, L. H., Dinh, H. V. T., Nguyen, Q. A. T., Phan, Q. N., & Ha, X. V. (2024). Professional development of primary school teachers in Vietnamese educational reform context: an analysis from a sociocultural perspective. Education 3-13, 52(3), 428-443.