Giáo dục đại học thời đại số: Những chuyển mình trong đánh giá trực tuyến

Chuyển đổi số đang làm thay đổi sâu sắc cách thức dạy học và đánh giá trong giáo dục đại học, đặc biệt trong bối cảnh hậu COVID-19. Việc thích ứng với hình thức kiểm tra, đánh giá trực tuyến trở thành yêu cầu tất yếu, đòi hỏi giáo viên không chỉ nắm vững chuyên môn mà còn phải chủ động đổi mới phương pháp, kỹ năng công nghệ. Những kinh nghiệm từ thực tiễn giáo dục đại học Việt Nam đã cho thấy rõ điều này, đồng thời mở ra những gợi ý thiết thực cho lộ trình phát triển giáo dục trong thời đại số.

Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy làn sóng chuyển đổi số mạnh mẽ trong giáo dục toàn cầu, trong đó Việt Nam không nằm ngoài xu thế. Dạy học trực tuyến trở thành giải pháp bắt buộc, kéo theo yêu cầu cấp thiết về phát triển phương pháp đánh giá trực tuyến hiệu quả và phù hợp. Tuy nhiên, phần lớn các nghiên cứu trước đây chủ yếu tập trung vào đề xuất công cụ, phương pháp, mà chưa đi sâu vào trải nghiệm thực tế của người dạy. Đặc biệt, trong lĩnh vực giảng dạy ngoại ngữ ở bậc đại học Việt Nam, các nghiên cứu còn thiếu vắng góc nhìn từ thực tiễn ứng phó với những thay đổi đột ngột.

Xuất phát từ khoảng trống đó, một nghiên cứu gần đây đã thực hiện các cuộc phỏng vấn sâu với một số giảng viên thuộc các khoa tiếng Trung, tiếng Anh và tiếng Nga tại một trường đại học Việt Nam, nhằm khám phá kinh nghiệm, quan điểm và khả năng thích ứng của họ trong quá trình chuyển đổi sang đánh giá trực tuyến.

Khả năng thích ứng đáng ghi nhận của giáo viên ngoại ngữ

Kết quả nghiên cứu cho thấy, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức, các giáo viên đã thể hiện sự thích ứng linh hoạt và chủ động trong đổi mới phương pháp đánh giá. Thay vì chỉ áp dụng những hình thức truyền thống, họ đã mở rộng sang nhiều loại hình đánh giá đa dạng như: điểm danh, thuyết trình, bài tập nhóm, đánh giá đồng đẳng, và sử dụng nền tảng LMS để tổ chức bài tập và thi cử trực tuyến.

Ở các môn kỹ năng thực hành như Nghe, Nói, Đọc, Viết, giáo viên chủ yếu khai thác các dạng bài tập trắc nghiệm trực tuyến, trong khi đối với các môn lý thuyết như Ngôn ngữ học, Biên - phiên dịch, hình thức thi vấn đáp và bài luận vẫn được duy trì. Cách lựa chọn này cho thấy sự nhạy bén trong việc cân nhắc đặc thù môn học để thiết kế hình thức đánh giá phù hợp, vừa đảm bảo yêu cầu chuyên môn, vừa khai thác được lợi thế của công nghệ số.

Đáng chú ý, mặc dù việc thiết kế bài thi trực tuyến trên LMS được ghi nhận là mất nhiều thời gian và đòi hỏi kỹ năng công nghệ cao, các giáo viên vẫn kiên trì đầu tư công sức để xây dựng ngân hàng đề thi phong phú, đảm bảo chất lượng và độ tin cậy cho bài kiểm tra.

Những thách thức hiện hữu và cách thức ứng phó

Bên cạnh những kết quả tích cực, nghiên cứu cũng chỉ ra một loạt khó khăn mà giáo viên gặp phải trong quá trình đánh giá trực tuyến:

Khó khăn kỹ thuật: Các giáo viên cho biết việc thiết kế bài kiểm tra trên nền tảng LMS đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực, đặc biệt với những ai chưa quen với công nghệ thông tin.

Vấn đề bảo mật và gian lận thi cử: Do giới hạn của giám sát trực tuyến, nguy cơ gian lận vẫn tồn tại. Một số sinh viên không chịu bật camera khi thi, gây khó khăn trong việc đảm bảo tính công bằng.

Hạn chế về hạ tầng kỹ thuật: Đường truyền internet không ổn định, môi trường làm bài thi tại nhà không đảm bảo yên tĩnh cũng ảnh hưởng đến chất lượng đánh giá.

Để ứng phó với những thách thức này, giáo viên đã áp dụng nhiều biện pháp sáng tạo như phân bổ điểm số trên nhiều bài thi nhỏ, tăng cường thi vấn đáp, sử dụng nhiều camera giám sát và đặc biệt là nhấn mạnh giáo dục ý thức trung thực cho sinh viên.

Đánh giá về hiệu quả sử dụng LMS

Một điểm sáng của nghiên cứu là việc giáo viên đều đánh giá cao hiệu quả hỗ trợ của hệ thống LMS trong tổ chức kiểm tra đánh giá trực tuyến. Các lợi ích nổi bật được ghi nhận gồm có: quản lý bài tập dễ dàng, tiết kiệm thời gian chấm bài, lưu trữ kết quả an toàn, và cho phép tạo bài kiểm tra đa dạng với các yếu tố đa phương tiện. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của LMS hiện tại là chưa có quy trình bảo mật đề thi đủ chặt chẽ như trong thi trực tiếp. Giáo viên phải tự chịu trách nhiệm đăng đề, làm tăng áp lực công việc và rủi ro rò rỉ thông tin. Điều này cho thấy nhu cầu cần nâng cấp hệ thống LMS với các tính năng phòng chống gian lận cao hơn.

Quan điểm về triển vọng duy trì đánh giá trực tuyến

Một điểm đáng lưu ý là tất cả các giảng viên tham gia nghiên cứu đều ủng hộ việc tiếp tục duy trì đánh giá trực tuyến ngay cả trong thời kỳ hậu COVID-19, với điều kiện có sự đầu tư bài bản về kỹ thuật và nhân lực. Cụ thể: 

- Xây dựng lộ trình phát triển hệ thống học tập trực tuyến bền vững, với đội ngũ chuyên trách hỗ trợ kỹ thuật.

- Ban hành bộ tiêu chí và quy chế đánh giá riêng cho đào tạo từ xa.

- Đầu tư nâng cấp LMS với các tính năng chống gian lận mạnh mẽ hơn.

- Bố trí thù lao hợp lý cho giáo viên thiết kế bài thi trực tuyến, nhằm ghi nhận đúng khối lượng công việc gia tăng.

Sự đồng thuận cao này cho thấy đánh giá trực tuyến không chỉ là giải pháp tình thế trong khủng hoảng, mà đang dần trở thành xu hướng phát triển tất yếu trong giáo dục đại học hiện đại.

Nghiên cứu đã cung cấp những minh chứng thực tiễn cho thấy, giáo viên ngoại ngữ Việt Nam đã thể hiện khả năng thích ứng, sáng tạo và cam kết cao với sự nghiệp giáo dục trong bối cảnh chuyển đổi số. Mặc dù còn đối mặt với nhiều thách thức về kỹ thuật và quản lý chất lượng đánh giá, những nỗ lực đổi mới phương pháp của giáo viên đã góp phần đảm bảo tính liên tục và chất lượng của hoạt động giảng dạy trong môi trường số. Kết quả nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng, muốn khai thác hiệu quả tiềm năng của giáo dục trực tuyến, các cơ sở giáo dục cần đầu tư bài bản vào phát triển năng lực số cho cả giáo viên và sinh viên, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xây dựng quy trình đánh giá phù hợp với thực tiễn dạy và học từ xa. 

Chỉ bằng cách đó, giáo dục đại học Việt Nam mới có thể vững vàng thích ứng và phát triển bền vững trong kỷ nguyên số!

Huyền Đức lược dịch

Nguồn: Tran-Thi-Thanh, T. (2024). Language Teachers' Adaptability to Digital Transformation: Online Assessment Practices in Vietnam Higher Education. Theory and Practice in Language Studies, 14(7), 2263-2270.

Bạn đang đọc bài viết Giáo dục đại học thời đại số: Những chuyển mình trong đánh giá trực tuyến tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn