Vai trò của hiểu văn bản trong giải toán thực tiễn

Giải toán thực tiễn không chỉ đòi hỏi tư duy logic mà còn phụ thuộc nhiều vào khả năng đọc hiểu. Ngôn ngữ trong bài có thể ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả làm bài, đặc biệt khi nội dung trở nên phức tạp. Vì vậy, việc phân tích mối quan hệ giữa ngôn ngữ, năng lực nhận thức và nền tảng xã hội là cơ sở để hỗ trợ học sinh phát triển toàn diện năng lực toán học.

Trong giáo dục hiện đại, các bài toán thực tiễn - những bài toán đặt trong bối cảnh đời sống - ngày càng được coi trọng vì giúp học sinh kết nối kiến thức toán học với thực tế. Tuy nhiên, việc giải loại bài toán này không đơn thuần là vận dụng công thức hay tư duy logic, mà còn đòi hỏi khả năng đọc hiểu sâu sắc. Từ thực tế đó, nghiên cứu của Eileen Klotz và cộng sự tại Đại học Leuphana (Đức) đã đi sâu phân tích vai trò của kỹ năng hiểu văn bản như một yếu tố trung gian trong việc giải quyết các bài toán thực tiễn, đồng thời xem xét tác động của độ phức tạp ngôn ngữ, các yếu tố nhận thức và nền tảng xã hội đến hiệu quả làm bài của học sinh.

Nhiều nghiên cứu trước đó đã chỉ ra rằng, khi ngôn ngữ của đề bài trở nên phức tạp, học sinh thường gặp khó khăn hơn trong việc xác định yêu cầu và xử lý thông tin. Tỷ lệ giải đúng của các bài toán có nhiều yếu tố ngôn ngữ thường thấp hơn đáng kể so với các bài toán thuần túy về mặt toán học. Điều này đặc biệt đúng với học sinh có năng lực đọc hiểu hạn chế hoặc đến từ các nhóm yếu thế về mặt xã hội - văn hóa. Tuy nhiên, ít nghiên cứu đặt ra câu hỏi sâu hơn rằng: liệu kỹ năng đọc hiểu có làm trung gian giữa các yếu tố nhận thức (như năng lực toán học, ngôn ngữ) và kết quả học tập không? Và nếu có, mức độ ảnh hưởng là bao nhiêu? Đây chính là mục tiêu trọng tâm mà nghiên cứu hướng đến.

Nghiên cứu được thực hiện với 428 học sinh từ lớp 7 đến lớp 10 tại một trường phổ thông liên cấp ở Đức. Mỗi học sinh thực hiện một chuỗi bài kiểm tra gồm: một bài đo năng lực ngôn ngữ tổng quát, ba bài toán thực tiễn (mỗi bài có kèm câu hỏi kiểm tra đọc hiểu và bài toán toán học), một bài kiểm tra về hàm số tuyến tính và bảng khảo sát thông tin nhân khẩu học. Đặc biệt, ba bài toán thực tiễn được thiết kế thành ba phiên bản khác nhau về độ phức tạp ngôn ngữ: đơn giản (LL1), trung bình (LL2) và phức tạp (LL3). Nội dung toán học được giữ nguyên ở cả ba cấp độ để đảm bảo sự công bằng khi so sánh.

Nguồn: Pixabay.com

Kết quả phân tích cho thấy độ phức tạp ngôn ngữ có ảnh hưởng rõ rệt đến khả năng hiểu và giải toán. Cụ thể, các văn bản ngắn gọn, ít cấu trúc phức tạp (LL1) có tỷ lệ học sinh trả lời đúng cả phần đọc hiểu và phần toán học cao hơn so với văn bản phức tạp (LL3). Dù mức độ ảnh hưởng không lớn (chỉ số hiệu ứng d = 0.189 cho đọc hiểu và d = 0.119 cho toán học), nhưng sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, khẳng định rằng yếu tố ngôn ngữ là một rào cản đáng kể trong việc tiếp cận bài toán thực tiễn.

Phân tích sâu hơn bằng mô hình phương trình cấu trúc (SEM) cho thấy hai yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp mạnh nhất đến kết quả giải toán là năng lực toán học và năng lực ngôn ngữ tổng quát. Trong khi đó, các yếu tố xã hội như giới tính, trình độ học vấn của cha mẹ hay số lượng sách ở nhà không còn giữ được ý nghĩa khi đã kiểm soát các biến nhận thức. Điều này cho thấy năng lực cá nhân có vai trò quyết định lớn hơn so với xuất thân xã hội trong bối cảnh học toán thực tiễn.

Đặc biệt, nghiên cứu chứng minh rằng kỹ năng hiểu văn bản đóng vai trò trung gian rõ rệt trong mối quan hệ giữa các năng lực nhận thức và kết quả giải toán. Khi đưa biến “đọc hiểu tình huống” vào mô hình, tổng phương sai giải thích cho kết quả toán học tăng từ 65,3% lên đến 84,7%. Đây là một con số rất đáng chú ý, phản ánh sức nặng của yếu tố đọc hiểu trong việc xử lý bài toán thực tế. Mặc dù không có sự khác biệt đáng kể giữa vai trò trung gian ở ba cấp độ ngôn ngữ LL1, LL2 và LL3, nhưng nhìn chung, hiểu văn bản đóng vai trò là cầu nối giữa kiến thức và kết quả học tập.

Từ những phát hiện này, nghiên cứu nhấn mạnh rằng nếu muốn nâng cao năng lực toán học thực tiễn cho học sinh, giáo dục cần vượt ra khỏi cách tiếp cận thuần túy toán học. Thay vào đó, cần tích hợp giảng dạy kỹ năng đọc hiểu học thuật vào trong các môn khoa học, đặc biệt là Toán. Việc ra đề cũng nên được cân nhắc kỹ lưỡng về mặt ngôn ngữ, nhất là trong các kỳ thi lớn, nơi học sinh dễ bị mất điểm không phải vì yếu toán mà vì không hiểu đúng đề bài. Đồng thời, giáo viên cần được bồi dưỡng để thiết kế bài giảng vừa phát triển kỹ năng toán học, vừa tăng cường khả năng đọc hiểu ngôn ngữ chuyên ngành.

Nghiên cứu nhấn mạnh kĩ năng đọc hiểu không còn là năng lực chỉ dành riêng cho môn Ngữ văn, mà là một kỹ năng xuyên môn, đặc biệt quan trọng trong bối cảnh giáo dục tích hợp. Việc giải toán thực tiễn thực chất là quá trình chuyển đổi từ ngôn ngữ sang biểu thức toán học - một kỹ năng cần được rèn luyện một cách có hệ thống. Do đó, nâng cao năng lực đọc hiểu trong môn Toán sẽ giúp học sinh không chỉ làm tốt các bài toán phức tạp mà còn có khả năng vận dụng toán học vào các tình huống đời sống, đúng với mục tiêu cốt lõi của giáo dục hiện đại.

Hoàng Dũng lược dịch

 Nguồn:

Klotz, E., Ehmke, T., & Leiss, D. (2025). Text comprehension as a mediator in solving mathematical reality-based tasks: The impact of linguistic complexity, cognitive factors, and social background. European Journal of Educational Research, 14(1), 23-39. https://doi.org/10.12973/eu-jer.14.1.23 

Bạn đang đọc bài viết Vai trò của hiểu văn bản trong giải toán thực tiễn tại chuyên mục Khoa học giáo dục và xã hội của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn