Tự truyện dân tộc học trong giáo dục tiếng Anh và ngôn ngữ học ứng dụng: Một nghiên cứu tổng quan

Trước làn sóng quan tâm mạnh mẽ của các nhà nghiên cứu cho phương pháp tự truyện dân tộc học (autoethnography) trong lĩnh vực giáo dục tiếng Anh và ngôn ngữ học ứng dụng, bài nghiên cứu tổng quan này được thực hiện nhằm phác họa một bức tranh toàn cảnh về cách thức phương pháp này được triển khai và phát triển trong thời gian.

Phương pháp tự truyện dân tộc học (autoethnography) là hình thức nghiên cứu định tính kết hợp yếu tố tự truyện (autobiography) và dân tộc học (ethnography). Phương pháp cho phép nhà nghiên cứu tận dụng những trải nghiệm cá nhân của họ như nguồn dữ liệu chính để phân tích và diễn giải hiện tượng xã hội trong bối cảnh rộng hơn về văn hóa, giáo dục, và lịch sử. Qua đó, phương pháp làm sáng tỏ mối liên hệ giữa trải nghiệm cá nhân và nhận thức cộng đồng để tạo ra hiểu biết sâu sắc và nhân văn về thực tiễn giáo dục và ngôn ngữ.

Mối quan hệ giữa trải nghiệm cá nhân, bản sắc nghề nghiệp, và bối cảnh xã hội – văn hóa thúc đẩy nhà nghiên cứu và giáo viên sử dụng phương pháp tự truyện dân tộc học trong giáo dục tiếng Anh và ngôn ngữ học ứng dụng (GDTA-NNHUD). Do đó, một nghiên cứu tổng quan tài liệu tích hợp (integrative literature review) đã được thực hiện để hệ thống hóa, đánh giá, và định hướng cho nghiên cứu tương lai ứng dụng phương pháp này. Bài tổng quan khảo sát 151 bài nghiên cứu từ các cơ sở dữ liệu học thuật uy tín như Google Scholar, Scopus, và Web of Science từ năm 2000 đến năm 2024 và đáp ứng các tiêu chí về nội dung học thuật, chất lượng xuất bản, và mức độ liên quan đến GDTA-NNHUD.

Bài nghiên cứu áp dụng phân tích chủ đề (thematic analysis) để trình bày và diễn giải dữ liệu theo sáu khía cạnh: (1) Bối cảnh nghiên cứu; (2) Vị thế và thách thức của nhà nghiên cứu; (3) Lý do lựa chọn phương pháp; (4) Quy trình tạo lập và phân tích dữ liệu; (5) Chiến lược đảm bảo đạo đức nghiên cứu; và (6) Tác động đối với thực tiễn giáo dục. Quan trọng hơn, bài nghiên cứu phân tích chuyên sâu về lý do cho sự phổ biến của phương pháp tự truyện dân tộc học trong nghiên cứu GDTA-NNHUD.

Nguồn: Pixabay.com

Thứ nhất, nhà nghiên cứu tự truyện dân tộc học khai thác sâu và kết nối trải nghiệm cá nhân của họ với hiện tượng xã hội – văn hóa. Trong khi bản sắc nghề nghiệp của giáo viên, người học, và nhà nghiên cứu bị chi phối bởi yếu tố như ngôn ngữ, địa lý, chính sách, và định kiến xã hội, phương pháp này làm rõ mâu thuẫn, căng thẳng, và chuyển biến trong hành trình phát triển cá nhân và nghề nghiệp cũng như phản ánh vai trò của người dạy và người học trong bối cảnh xuyên quốc gia, những thách thức bản sắc trong môi trường đào tạo giáo viên, hoặc mối quan hệ quyền lực mang tính hệ thống trong lớp học và xã hội.

Thứ hai, phương pháp tự truyện dân tộc học phổ biến vì công cụ thu thập dữ liệu đa dạng và hình thức trình bày phong phú. Những công cụ gồm nhật ký, hồi ký, thư, bản ghi âm, băng hình, thơ, ảnh, hoặc hình tượng văn hóa giúp trải nghiệm cá nhân của nhà nghiên cứu được kể lại một cách chân thực, cảm xúc, và phản tư (reflexive). Đồng thời, hình thức trình bày như song truyện dân tộc học (duoethnography), tự truyện dân tộc học hợp tác (collaborative autoethnography), và tự truyện dân tộc học phê phán (critical autoethnography) cho thấy tính ứng dụng cao và sự kết nối giữa nhà nghiên cứu với cộng đồng, giữa lý thuyết với thực hành, và giữa cá nhân với tập thể.

Thứ ba, phương pháp tự truyện dân tộc học được ghi nhận là công cụ ghi chép trải nghiệm cá nhân và thúc đẩy quá trình chuyển hóa. Trong đó, quá trình viết và phân tích tự truyện giúp nhà nghiên cứu hiểu sâu về tác nhân xã hội đã ảnh hưởng đến hành vi và cảm xúc của họ. Hiểu biết này hữu ích cho các chương trình đào tạo giáo viên, nơi mà bản sắc nghề nghiệp và cảm xúc sư phạm (pedagogical emotions) định hình các thực hành giảng dạy hiệu quả và nhân văn. Phương pháp này khơi gợi sự đồng cảm và rèn luyện tư duy phản biện của người đọc nhằm xây dựng cộng đồng giáo dục có ý thức về xã hội và công lý.

Tuy nhiên, thách thức khi ứng dụng phương pháp tự truyện dân tộc học như tính chủ quan cao dễ dẫn đến thiên kiến, nếu nó không được kiểm soát bởi các quy chuẩn đạo đức và khung lý thuyết rõ ràng. Mô tả trải nghiệm cá nhân quá chi tiết gây rủi ro cho những cá nhân liên quan. Do đó, nhà nghiên cứu cần có chiến lược để bảo vệ danh tính và thông tin của người khác. Ngoài ra, thiếu hướng dẫn cụ thể về cách triển khai phương pháp này – đặc biệt với nhà nghiên cứu mới – cũng là trở ngại lớn khi ứng dụng phương pháp này.

Từ những phát hiện trên, các nhà nghiên cứu mới tiếp cận với phương pháp tự truyện dân tộc học cần tìm hiểu kỹ hình thức của phương pháp này, nguyên tắc đạo đức, cơ sở lý luận, phương pháp phân tích, và vai trò của người kể chuyện trong quá trình xây dựng tri thức. Kết hợp phương pháp này với các khung lý thuyết tham chiếu như lý thuyết phản tư, lý thuyết bản sắc, lý thuyết xã hội học phê phán, hoặc lý thuyết hậu thực dân tăng cường độ sâu và tính học thuật của nghiên cứu. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu khác cần nhìn nhận phương pháp này một cách nghiêm túc hơn, vì phương pháp này giúp kết nối cá nhân với cộng đồng.

Tóm lại, bài nghiên cứu này không chỉ cung cấp một cái nhìn toàn diện về quá trình phát triển và tính ứng dụng của phương pháp tự truyện dân tộc học trong lĩnh vực GDTA-NNHUD, mà còn là một kim chỉ nam định hướng cho các nghiên cứu tương lai có sử dụng phương pháp này. Thông qua việc phân tích sâu sắc các yếu tố nền tảng, bài viết góp phần thúc đẩy việc sử dụng phương pháp này như công cụ thể hiện tính phản tư, tính nhân văn, và quá trình chuyển hóa trong nghiên cứu GDTA-NNHUD.

Hoàng Dũng lược dịch

Nguồn:

Tran, Q.-K., & Tran, Q.-H. (2025). Autoethnography in English Language Education and Applied Linguistics: An Integrative Literature Review. Vietnam Journal of Education9(Special Issue), 123–136. https://doi.org/10.52296/vje.2025.447

Bạn đang đọc bài viết Tự truyện dân tộc học trong giáo dục tiếng Anh và ngôn ngữ học ứng dụng: Một nghiên cứu tổng quan tại chuyên mục Khoa học giáo dục và xã hội của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn