Mặc dù phải đối mặt với những thách thức lớn nhà trường vẫn nỗ lực không ngừng để duy trì sĩ số học sinh và tỉ lệ chuyên cần, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Đây là minh chứng cho sự quyết tâm và yêu nghề mến trẻ của đội ngũ cán bộ giáo viên nhà trường.
Nhà trường kết hợp với chính quyền địa phương thực hiện vận động học sinh ra lớp tại điểm trường Nà Mùng. (Ảnh: Tô Vân Anh).
Mầm non là giai đoạn vàng trong sự phát triển của trẻ em. Ở độ tuổi này, trẻ cần được chăm sóc, giáo dục và dinh dưỡng một cách toàn diện. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhà trường gặp phải một số thách thức như tỉ lệ trẻ chuyên cần chưa đạt kỳ vọng, tỉ lệ bán trú chưa cao, và tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng vẫn còn tồn tại. Chính vì vậy công tác tuyên truyền và vận động phụ huynh đóng vai trò rất quan trọng, để nâng cao tỉ lệ chuyên cần nhà trường đã thực hiện công tác tuyên truyền tăng cường nhận thức của phụ huynh hiểu rõ tầm quan trọng của việc đi học đều đặn. Giáo viên luôn thông tin 2 chiều với phụ huynh một cách thường xuyên, sử dụng các kênh truyền thông như mạng xã hội, bảng tin của trường và đặc biệt là trong giờ đón trả trẻ, giáo viên trao đổi trực tiếp với phụ huynh để giúp phụ huynh hiểu rõ về tầm quan trọng của việc đưa trẻ đến trường.
Thời gian vừa qua, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) huyện Nguyên Bình nhà trường đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện duy trì tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng hoặc nghỉ học không xin phép, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục hàng năm.
Nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khoá vui chơi bổ ích cho học sinh sau những hoạt động trên lớp. (Ảnh: Tô Vân Anh).
Cô Mã Thị Lãm – Hiệu trưởng trường Mầm non Phan Thanh cho biết: “Năm học 2024-2025, trường có 10 lớp với 157 học sinh; trong đó học sinh DTTS chiếm 100%; có 135 em học sinh dân tộc Dao, 9 em học sinh dân tộc Mông và 13 em học sinh dân tộc Nùng, các em được hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 81/NĐ-CP và Nghị định 105/2020/CP của Chính phủ. Đầu năm học, nhà trường chỉ đạo giáo viên thực hiện 2 tuần làm quen cho học sinh đầu cấp lứa tuổi 24 – 36 tháng tuổi; phối hợp với gia đình giúp các em hòa nhập các hoạt động của trường. Để “giữ chân” các em đi học chuyên cần, nhà trường thực hiện đầy đủ các chế độ ưu đãi của Nhà nước đối với học sinh DTTS; chú trọng xây dựng lớp học thân thiện an toàn lành mạnh; tích cực xây dựng môi trường lấy trẻ làm trung tâm và xây dựng trường Mầm non hạnh phúc tạo niềm tin cho phụ huynh và trẻ, nhà trường tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm, các trò chơi dân gian, giúp các em mạnh dạn, tự tin trong mọi hoạt động. Trẻ được quan tâm và đánh giá một cách chính xác về tình hình trên lớp từ ăn, ngủ, hoạt động học, giáo viên trao đổi thông tin hàng ngày kịp thời tới phụ huynh, phụ huynh thấy được sự chu đáo ân cần và gần gũi của giáo viên, dần dần trở thành thói quen giữa cô và phụ huynh khiến phụ huynh cảm thấy yên tâm khi cho con đến lớp. Sau 6 tháng thực hiện nhiệm vụ năm học, trường duy trì sĩ số học sinh đi học chuyên cần đạt 95%”.
Bên cạnh đó, nhà trường triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu để tạo hứng thú cho học sinh, giúp các em đi học chuyên cần, như tổ chức các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa sau những hoạt động học. Nhờ vậy, từ năm học 2019-2020 đến nay, nhà trường duy trì tốt sĩ số học sinh, tỷ lệ học sinh học chuyên cần luôn đạt trên 90%.
Nhà trường đã chủ động xây dựng không gian thư viện mở nhằm thu hút học sinh tham gia tạo văn hóa đọc qua đó giúp trẻ thêm yêu trường, yêu lớp, gắn bó với bạn bè, cô giáo. (Ảnh: Tô Vân Anh).
Những năm qua, Ban Giám hiệu trường thực hiện đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo giáo viên đổi mới hình thức dạy học; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm và rèn kỹ năng sống cho học sinh phù hợp với đối tượng học sinh từng lớp. Triển khai thực hiện tốt phong trào trường học thân thiện, học sinh tích cực, tạo hứng thú và phát huy tính tích cực trong học tập cho học sinh, thu hút học sinh đến trường góp phần nâng tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần đạt trên 90%.
Nhà trường chú trọng về thời gian hoạt động của học sinh trên lớp, thực hiện dạy học 2 buổi/ ngày. Trong đó, trường thực hiện dạy tăng cường tiếng Việt vào các buổi sáng từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần giúp học sinh ôn tập nói tiếng Việt phát triển kỹ năng giao tiếp và ngôn ngữ cho trẻ.
Song song với các giải pháp nêu trên, nhà trường thực hiện giải pháp Nâng cao tỉ lệ bán trú. Việc xây dựng thực đơn, chuẩn bị cơ sở vật chất là 2 vấn đề quan trọng nhất trong việc nâng cao tỷ lệ bán trú, và đây cũng là điều nhà trường đã thực hiện tốt. Thực đơn được xây dựng khoa học, thay đổi hàng ngày và đảm bảo cân đối các chất dinh dưỡng, tạo sự ngon miệng cho trẻ. Cơ sở vật chất phục vụ hoạt động bán trú đầy đủ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực hiện giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng trong đơn vị trường học
Phối hợp với trạm y tế xã Phan Thanh kiểm tra sức khỏe định kỳ cho trẻ: Nhà trường đã tổ chức các đợt kiểm tra, đánh giá sức khỏe và tình trạng dinh dưỡng của trẻ theo định kỳ, từ đó có các biện pháp can thiệp sớm đối với trẻ có nguy cơ suy dinh dưỡng. Giáo viên thông báo kết quả, trao đổi với phụ huynh những biện pháp bổ sung dinh dưỡng phù hợp với từng trẻ. Tạo nên sự thống nhất về dinh dưỡng cho trẻ từ gia đình và trường học.
Với các giải pháp nêu trên, nhà trường thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng các chế độ, chính sách của Nhà nước dành cho giáo viên và học sinh DTTS; đặc biệt là các chế độ dành cho học sinh như: chế độ học sinh bán trú, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mầm non. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để huy động học sinh ra lớp, duy trì ổn định sĩ số học sinh học chuyên cần, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. Điều này không chỉ giúp trẻ phát triển toàn diện mà còn góp phần xây dựng uy tín và chất lượng của nhà trường.
Thu Trinh