Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Thu hút và phát triển nhân tài trong lĩnh vực giáo dục không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn là nhân tố quyết định sự thành công trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Ngày 18/3/2025, Chính phủ ban hành Nghị quyết 51/NQ-Cp ban hành chương tình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận 91-LK/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hội nhập quốc tế”. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp đặt ra là thu hút, trọng dụng nhân tài làm việc trong ngành giáo dục. Theo Bộ GDĐT, các trường đại học (ĐH) đã có chính sách cạnh tranh, thu hút giảng viên giỏi chuyên môn và khả năng nghiên cứu khoa học. Năm 2022, tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ tăng từ 25% vào năm 2018 lên trên 31%. Hiện, các trường ĐH đều triển khai nhiều biện pháp để phát triển nguồn nhân lực. Có thể kể đến hai đề án tại ĐH Bách khoa Hà Nội là: thu hút giảng viên xuất sắc giai đoạn 2021-2025; tạo nguồn giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội giai đoạn 2023-2030, nhằm lựa chọn, đào tạo và bồi dưỡng thế hệ kế cận từ những sinh viên xuất sắc nhất – bảo đảm nguồn lực lâu dài và bền vững.
Những rào cản trong việc thu hút nhân tài
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường ĐH vẫn đang gặp khó khăn trong việc thu hút người tài về làm việc. Một số bất cập từ chính sách đến môi trường làm việc khiến nguồn nhân lực trong giáo dục ĐH Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Tại Hội thảo khoa học Giải pháp thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong cơ sở giáo dục ĐH cao đẳng, đại diện Trường ĐH Công đoàn chỉ ra rằng, mặc dù số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với các nước phát triển trong khu vực. Nhiều ngành mới, công nghệ tiên tiến vẫn thiếu trầm trọng đội ngũ giảng viên có trình độ cao. Về chất lượng, năng suất nghiên cứu khoa học còn thấp, đặc biệt là các công bố quốc tế chất lượng cao. Đặc biệt, chỉ số trích dẫn của các công bố khoa học Việt Nam chưa có sự cải thiện đáng kể trong thập kỷ qua. Về phân bổ, có sự mất cân đối lớn giữa các ngành học, với tỷ lệ tiến sĩ cao ở các ngành truyền thống như toán học, vật lý, y học cơ bản, nhưng rất thấp ở các ngành mới như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, an ninh mạng, năng lượng tái tạo – những lĩnh vực then chốt cho chuyển đổi số và phát triển bền vững. Ngoài ra, đội ngũ giảng viên có trình độ cao đang dần già hóa, với độ tuổi trung bình của giáo sư, phó giáo sư là trên 55, trong khi tỷ lệ tiến sĩ dưới 40 tuổi còn thấp. Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019, Việt Nam xếp hạng 93/141 về kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp ĐH, 116/141 về chất lượng đào tạo nghề, và 97/141 về kỹ năng đổi mới sáng tạo. Những số liệu này cho thấy thách thức lớn trong việc nâng cao nguồn nhân lực ĐH để đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.
Cũng theo báo cáo từ các trường ĐH trong Hội thảo, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc thu hút và giữ chân nhân tài. Một trong những thách thức đó là việc chảy máu chất xám. Tỷ lệ không trở về của học viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo ở nước ngoài còn cao. Nhiều giảng viên sau khi được đào tạo ở nước ngoài chọn làm việc cho các tổ chức quốc tế hoặc doanh nghiệp tư nhân với mức lương và điều kiện làm việc tốt hơn. Bên cạnh đó, Việt Nam không chỉ cạnh tranh với các quốc gia phát triển mà còn với các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia trong việc thu hút nhân tài. Các quốc gia này thường có chính sách thu hút nhân tài hấp dẫn hơn về mức lương, điều kiện làm việc và cơ hội phát triển. Trong khi đó, nhiều cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam chưa đủ trang thiết bị, phòng thí nghiệm hiện đại và môi trường học thuật đẳng cấp quốc tế để thu hút và phát hhuy tối đa năng lực của nhân tài. Mức lương và chế độ đãi ngộ dành cho giảng viên, nhà nghiên cứu tại Việt Nam còn thấp so với khu vực. Các thủ tục tuyển dụng còn đang thiếu linh hoạt.
Kinh nghiệm quốc tế và những đề xuất từ các trường ĐH
Nghị quyết 57-NQ/TW đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo; đến năm 2045 thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo. Để thực hiện thành công Nghị quyết, việc đổi mới toàn diện chính sách thu hút nhân tài trong ngành giáo dục là thay đổi cấp thiết để đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhiều quốc gia đã thành công trong việc thu hút nhân tài thông qua các chiến lược rõ ràng. Singapore là một trong những quốc gia thành công trong thu hút nhân tài toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục ĐH thông qua các chiến lược toàn cầu và nhất quán, xác định rõ các lĩnh vực ưu tiên và tập trung đầu tư mạnh vào các lĩnh vực này, thành lập các trung tâm nghiên cứu xuất sắc với sự hợp tác của các ĐH hàng đầu trên thế giới. Mức lương và các đãi ngộ cho giảng viên, nhà nghiên cứu tại Singapore có thể cạnh tranh với các nước phát triển như Mỹ, Anh, Úc. Hàn Quốc là một hình mẫu khi thực hiện thành công việc chuyển đổi từ “chảy máu chất xám” sang “tuần hoàn chất xám” thông qua việc thiết lập mạng lưới toàn cầu của các học giả và nhà khoa học Hàn Quốc ở nước ngoài, tạo cơ hội hợp tác và chia sẻ kiến thức ngay cả khi họ không trở về làm việc toàn thời gian. Còn ở Trung Quốc lại chú trọng đầu tư mạnh mẽ vào các trường ĐH trọng điểm để xây dựng các ĐH đẳng cấp thế giới, với cơ sở vật chất và điều kiện nghiên cứu tương đương các nước phát triển, tài trợ nghiên cứu quy mô lớn với quy trình xét duyệt minh bạch và cạnh tranh, thu hút nhà khoa học trẻ tài năng.
Từ việc nghiên cứu các quốc gia thành công, đại diện một số trường ĐH như Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Thương mại, Trường ĐH Công đoàn… đề xuất mô hình tích hợp “ba nhà”: Nhà nước – ĐH – Doanh nghiệp trong việc thu hút và phát triển nhân tài. Ngoài ra, thay vì chỉ tập trung vào việc “giữ chân” nhân tài trong nước hoặc thu hút trở về, các trường ĐH có thể áp dụng mô hình “tuần hoàn chất xám” để phát huy tính lưu động của nhân tài và tận dụng mạng lưới toàn cầu. Về chính sách tài chính, đề xuất thành lập Quỹ Phát triển Nhân tài Quốc gia với cơ chế tài chính đặc thù từ nguồn vốn ngân sách nhà nước (khoảng 2.000 – 3.000 tỷ đồng/năm, đóng góp từ doanh nghiệp, tài trợ quốc tế và kêu gọi đóng góp từ cộng đồng doanh nhân, trí thức Việt Nam ở nước ngoài. Về cơ chế quản lý, cần xây dựng cơ chế quản lý đặc thù cho khoảng 15-20 trường ĐH trọng điểm, tạo điều kiện để họ trở thành hạt nhân trong việc thu hút và phát triển nhân tài.
Kinh nghiệm từ các quốc gia cho thấy việc thu hút và phát triển nhân tài trong lĩnh vực giáo dục không thể chỉ là nỗ lực của các trường ĐH mà cần một chiến lược tổng thể, đồng bộ giữa chính sách, thể chế, tài chính và môi trường học thuật. Đối với Việt Nam, cần xác định rõ các lĩnh vực ưu tiên, từ đó tập trung nguồn lực đầu tư có chọn lọc để hình thành các trung tâm đào tạo và nghiên cứu xuất sắc, đủ sức cạnh tranh trong khu vực. Đồng thời, cần phát triển cơ chế linh hoạt về tuyển dụng, đãi ngộ và phát triển sự nghiệp cho giảng viên, đặc biệt tại các trường ĐH trọng điểm. Những yếu tố này sẽ tạo ra đột phá trong việc thu hút nhân tài cho ngành giáo dục, qua đó thiết lập nền tảng phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng với thế giới.
Hà Giang