Cần điều chỉnh để tạo công bằng trong tuyển sinh
Trước đây, theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT, tuyển sinh THCS hằng năm được thực hiện theo hình thức xét tuyển. Cách làm này bảo đảm việc tuyển sinh vào THCS được thực hiện thuận lợi, hiệu quả, thiết thực đối với cấp học cần huy động 100% học sinh vào học theo mục tiêu phổ cập giáo dục. Tuy nhiên, đến năm 2018, thực tế một số trường THCS có uy tín, được đông đảo học sinh đăng ký vào học khiến việc xét tuyển theo tiêu chí chung chưa đáp ứng được mục tiêu tuyển sinh, Bộ GDĐT ban hành Thông tư 05/2018/TT-BGDĐT quy định: Tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển. Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh, sở GDĐT hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh. Vào thời điểm khi Thông tư số 05 ban hành, Bộ GDĐT có nêu rõ việc kiểm tra, đánh giá năng lực khác với một kỳ thi. Nghĩa là khi thực hiện xét tuyển vào một trường THCS, nếu số lượng học sinh đáp ứng yêu cầu của tiêu chí xét tuyển chung vẫn vượt so với chỉ tiêu nhà trường được giao thì nhà trường được kết hợp thực hiện việc kiểm tra, đánh giá năng lực để bổ sung tiêu chí xét tuyển áp dụng đối với những số học sinh đã đáp ứng yêu cầu của tiêu chí xét tuyển chung, chứ không phải tổ chức cả kỳ thi với nhiều môn thi đối với 100% học sinh đăng ký vào trường.
Cùng với việc thi tuyển, những năm qua, học bạ tiểu học đã trở thành “tấm vé” bắt buộc để học sinh có cơ hội dự tuyển vào các trường THCS top đầu. Điều nay vô hình chung tạo ra áp lực đối với phụ huynh và học sinh, dẫn đến nhiều thực trạng đáng báo động về tính minh bạch và thực chất của việc đánh giá ở cấp tiểu học. Học bạ đang dần mất đi ý nghĩa phản ánh năng lực thật.
Thực tế, không thể phủ nhận giá trị của các bài kiểm tra đánh giá năng lực. Tuy nhiên, kiểm tra, đánh giá làm sao để thấy được năng lực thực tế của học sinh là câu chuyện được phụ huynh và học sinh quan tâm.
Linh hoạt trong việc thực hiện Thông tư 30: Tăng quyền chủ động cho địa phương và nhà trường
Năm học 2025-2026, việc tuyển sinh THCS sẽ theo quy định trong Thông tư 30/2024/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT về Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh trung học phổ thông. Theo đó, tuyển sinh THCS được thực hiện theo phương thức xét tuyển. Tiêu chí xét tuyển do Sở GDĐT hướng dẫn cụ thể bảo đảm thực hiện việc xét tuyển công bằng, khách quan, minh bạch, phù hợp với Luật tổ chức chính quyền địa phương, phân cấp quản lý và Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhằm giảm áp lực cho học sinh, cha mẹ học sinh và cơ sở giáo dục. Quy định đặt ra dựa trên nguyên tắc không gây áp lực, tốn kém cho cha mẹ học sinh, học sinh và xã hội; với tinh thần gọn nhẹ, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính; phù hợp với chủ trương chuyển đổi số trong lĩnh vực GDĐT.
Thông tin thêm về việc thực hiện Thông tư 30, Bộ GDĐT cũng nhấn mạnh các sở GDĐT phải xây dựng bộ tiêu chí xét tuyển áp dụng cho tất cả các trường đồng thời có hướng dẫn tiêu chí riêng đối với các trường sau khi thực hiện việc xét tuyển theo tiêu chí chung vẫn có số học sinh đáp ứng yêu cầu nhiều hơn chỉ tiêu nhà trường được giao. Tiêu chí riêng không chỉ là các yêu cầu trong hồ sơ xét tuyển mà còn cần đánh giá trực tiếp học sinh theo nhiều hình thức khác nhau như hỏi – đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, hồ sơ học tập, các sản phẩm, hoạt động của học sinh.
Trên cơ sở đó, Sở GDĐT Hà Nội đã có công văn số 759/SGDĐT-QLT hướng dẫn các phòng GDĐT; các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở GDĐT có cấp học mầm non, tiểu học, THCS chuẩn bị và tổ chức triển khai công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1 và lớp 6 năm học 2025-2026. Theo đó, đối với các trường “nóng” tuyển sinh lớp 6 căn cứ điều kiện thực tiễn báo cáo với phòng GDĐT kế hoạch tuyển sinh đầu cấp và phương án đó phải được ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã phê duyệt. Các quận, huyện, thị xã quy định hình thức đánh giá năng lực học sinh nếu có đảm bảo việc tuyển sinh thực hiện công bằng, khách quan, minh bạch và phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Ảnh minh họa (Nguồn: website trường THCS Nam Từ Liêm, Hà Nội)
Thời điểm hiện tại, nhiều trường THCS chất lượng cao ở Hà Nội đã công bố phương án tuyển sinh năm nay để phụ huynh và thí sinh chuẩn bị. Đáng chú ý, phương án tuyển sinh của các trường năm học 2025-2026 có nhiều thay đổi so với các mùa tuyển sinh trước. Hầu hết các trường đều kết hợp hài hòa giữa 2 yếu tố: xét tuyển hồ sơ và đánh giá năng lực. Từ phương án tuyển sinh của các trường này, có thể thấy để có cơ hội dự tuyển, học sinh cần chú ý học tập để có nền tảng vững chắc, đồng thời chuẩn bị tốt cho các bài kiểm tra đánh giá năng lực, phỏng vấn. Cơ hội sẽ được chia đều chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào một hình thức tuyển sinh.
Việc áp dụng phương thức tuyển sinh linh hoạt, kết hợp giữa xét tuyển và đánh giá năng lực thể hiện nỗ lực thay đổi mạnh mẽ của ngành giáo dục nhằm xóa bỏ áp lực thành tích, minh bạch hóa đánh giá và bảo đảm công bằng cho mọi học sinh. Khi cơ hội được chia đều, học sinh sẽ có động lực học tập đúng đắn, phụ huynh cũng bớt lo lắng về học bạ. Quan trọng hơn, đây là bước đi phù hợp với xu thế đổi mới toàn diện giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực thực chất và cá thể hóa người học.
Hà Giang
Tài liệu tham khảo:
Bộ GDĐT (2024): Thông tư 30/2024/TT-BGDĐT Ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông. https://moet.gov.vn/van-ban/vanban/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1565
Sở GDĐT Hà Nội (2025): Công văn 759/SGDĐT-QLT về việc hướng dẫn tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1 và lớp 6 năm học 2025-2026. https://thcsnamtuliem.edu.vn/tin-tuc-su-kien/cong-van-so-759sgddt-qlt-ngay-14-thang-3-nam-2025-cua-so-giao-duc-va-dao-tao-th/ctmb/23823/25435