Triển khai chính sách giáo dục cho nền kinh tế xanh: Hướng tới một tương lai bền vững

Việc triển khai các chiến lược giáo dục nhằm cung cấp các kỹ năng và kiến thức cần thiết để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế xanh sẽ là yếu tố quyết định việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững.

Tại nhiệm vụ “Tập trung đầu tư hiện đại hóa giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học và nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục, đào tạo” của Nghị quyết 51/NQ-CP của Chính phủ có nêu: Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tăng cường nguồn lực đầu tư trọng tâm, trọng điểm đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập ở một số ngành, nghề, lĩnh vực mang tầm cỡ khu vực và quốc tế nhằm tạo đột phá, chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao gắn với nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chuyển đổi số quốc gia và hội nhập quốc tế; chú trọng các ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nhất là các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật, công nghệ, chip bán dẫn và các ngành phục vụ phát triển các công nghệ chiến lược, then chốt.

Triển khai nhiều chính sách giáo dục phát triển kinh tế xanh

Việc đầu tư cho hệ thống giáo dục theo hướng hiện đại hóa, tập trung được Đảng và Nhà nước chú trọng, trong đó có việc đầu tư về phát triển kinh tế xanh đối với hệ thống giáo dục của nước ta. Nền kinh tế xanh không chỉ liên quan đến việc giảm thiểu tác động môi trường, mà còn là một quá trình thay đổi về tư duy và kỹ năng của lực lượng lao động. Chính vì vậy, giáo dục và đào tạo là chìa khóa để giúp con người có thể đáp ứng các yêu cầu của nền kinh tế xanh, từ việc sử dụng năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính, cho đến việc quản lý chất thải và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên. Hệ thống giáo dục cần phải đáp ứng những nhu cầu mới này, đặc biệt là ở bậc đại học và giáo dục nghề nghiệp.

Bộ Giáo dục và đào tạo (GDĐT) đã triển khai nhiều chính sách nhằm gắn kết đào tạo với yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn. Các lĩnh vực ưu tiên gồm: năng lượng tái tạo, công nghệ môi trường, kỹ thuật tái chế, nông nghiệp hữu cơ, logistics xanh… Bộ GDĐT đã phê duyệt các chương trình đào tạo ưu tiên các ngành nghề trọng điểm cấp quốc gia và cấp ASEAN, với mục tiêu tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao sẵn sàng thúc đẩy đổi mới xanh. Bên cạnh đó, Bộ GDĐT cũng tập trung phát triển kỹ năng xanh trong giáo dục phổ thông, đại học và giáo dục nghề nghiệp.

Sinh viên chương trình Năng lượng tái tạo Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (Nguồn: website nhà trường)

Một trong những nội dung nổi bật trong “Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là lấy tự chủ đại học và chuyển đổi số làm hai đột phá chiến lược. Ở bậc phổ thông, Việt Nam đang xây dựng một hệ thống giáo dục mở, công bằng, bao trùm, thúc đẩy học tập suốt đời. Theo đó, tỷ lệ hoàn thành tiểu học hiện đạt 99,7%, trung học cơ sở 99% và trung học phổ thông 95% – các chỉ số gần tiệm cận các quốc gia phát triển trong khu vực. Ở bậc giáo dục nghề nghiệp và đại học, các chương trình đào tạo trong các lĩnh vực then chốt như năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, xây dựng xanh, nông nghiệp hữu cơ, quản lý chất thải… đang được hiện đại hóa mạnh mẽ. Việt Nam cũng đang triển khai thúc đẩy hợp tác quốc tế trong đồng phát triển tài liệu, chương trình đào tạo và các mô hình giáo dục xanh.

Xác định con người là trung tâm trong mọi chiến lược phát triển

Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh P4G lần thứ tư ngày 17/4/2025, tại các phiên thảo luận cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, trong bối cảnh thế giới đang bước vào thời kỳ chuyển đổi xanh toàn diện và khẩn trương nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam xác định rõ vai trò then chốt của con người – nguồn nhân lực – trong mọi chiến lược phát triển. Quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam luôn lấy con người làm trung tâm bằng cách tạo cơ hội việc làm bền vững, đảm bảo người lao động có thể tiếp cận việc làm trong nền kinh tế xanh, cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua công nghệ sạch, năng lượng tái tạo và thành phố xanh. Trong đó, Việt Nam tập trung vào việc tái đào tạo và nâng cao kỹ năng xanh tại các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi sự chuyển dịch công nghiệp; khuyến khích quan hệ đối tác giáo dục - kinh doanh để gắn kết đào tạo với các hoạt động xanh. Đồng thời, Việt Nam cũng coi nguồn nhân lực tài năng trong lĩnh vực STEM là động lực quan trọng của tăng trưởng bền vững; tìm kiếm quan hệ đối tác toàn cầu để phát triển các mô hình toàn diện nhằm phát triển lực lượng lao động xanh.

Trong bối cảnh toàn cầu đang bước vào kỷ nguyên công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo, việc tích hợp cho người học tư duy công nghệ và tư duy bền vững là bước đi cần thiết của hệ thống giáo dục trong nền kinh tế xanh. Việt Nam đang thúc đẩy nền kinh tế chuyển đổi xanh lấy con người làm trung tâm, với mục tiêu giảm phát thải, sử dụng tài nguyên bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống. Nền kinh tế chuyển đổi xanh không chỉ tập trung vào giảm phát thải carbon hay bảo vệ môi trường mà còn lấy con người làm trung tâm bằng cách: tạo việc làm bền vững, giúp người lao động có cơ hội tiếp cận công việc trong lĩnh vực kinh tế xanh; cải thiện chất lượng sống, bằng cách phát triển công nghệ sạch, năng lượng tái tạo, và thành phố xanh; thúc đẩy công bằng xã hội, đảm bảo người dân được hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi xanh; đào tạo kỹ năng xanh, giúp lao động thích nghi với các ngành nghề mới trong nền kinh tế tuần hoàn, năng lượng sạch, nông nghiệp bền vững và công nghệ sinh học.

Thực tế cho thấy giáo dục chính là chìa khóa để thúc đẩy thay đổi hành vi, tư duy và năng lực của con người nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế xanh. Hệ thống đào tạo nghề, cao đẳng, đại học đang ngày càng gắn kết với thực tiễn sản xuất xanh và đổi mới công nghệ. Như vậy, chuyển đổi xanh không thể thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn nhân lực. Bằng việc triển khai đồng bộ các chiến lược giáo dục, chú trọng phát triển kỹ năng, hiện đại hóa chương trình đào tạo… ngành giáo dục đang trong hành trình hướng tới một nền kinh tế xanh bền vững. Điều này sẽ góp phần chứng minh vai trò của giáo dục trong chiến lược phát triển đất nước.

Hà Giang

Tài liệu tham khảo:

Bộ GDĐT (2025): Triển khai nhiều chính sách giáo dục cho nền kinh tế xanh và số. https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=10472

Chính phủ (2025): Nghị quyết số 51/NQ-CP Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kế luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hội nhập quốc tế”. https://vanban.chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=213158&classid=0

Bạn đang đọc bài viết Triển khai chính sách giáo dục cho nền kinh tế xanh: Hướng tới một tương lai bền vững tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

 

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19