Vai trò của trường đại học, cao đẳng trong việc xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo

Khi chuyển đổi số tạo ra nền tảng công nghệ, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong trường đại học (ĐH) trở thành một không gian mới, nơi người học, giảng viên và nhà nghiên cứu có thể kết nối, sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm tri thức.

Xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo là trách nhiệm của các trường ĐH trong vai trò trung tâm phát triển tri thức. Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo nếu được đầu tư đúng mức sẽ là bệ phóng cho công nghệ, sản phẩm mới và doanh nghiệp trẻ, góp phần đưa khoa học công nghệ (KHCN) đến gần hơn với đời sống.

Tháo gỡ nút thắt giữa nghiên cứu và thực tiễn

Nghị quyết số 57-NQ/TW nhấn mạnh tinh thần huy động sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội cho sự nghiệp phát triển KHCN và chuyển đổi số quốc gia. Đảng và Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, gỡ bỏ những rào cản, khơi thông mọi điểm nghẽn, ban hành những cơ chế, chính sách, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất; doanh nghiệp và người dân là trung tâm, là chủ thể và động lực chính và đội ngũ tri thức, nhà khoa học, các thầy cô giáo là lực lượng then chốt để đề xuất giải pháp, triển khai thực hiện thành công Nghị quyết.

Theo Tiến sĩ Vũ Xuân Hùng – Trưởng ban Quản lý các khu công nghệ cao và khu công nghiệp thành phố Hà Nội, thực tế vẫn luôn tồn tại điểm hạn chế trong đào tạo, nghiên cứu và nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao. Nhiều kết quả nghiên cứu giá trị được tạo ra tại các viện, trường, nhưng lại thiếu cơ chế, không gian và hệ sinh thái để được thử nghiệm, triển khai và thương mại hóa một cách hiệu quả. Tiến sĩ Vũ Xuân Hùng cũng cho rằng cần rà soát, gỡ bỏ các rào cản, kiến tạo môi trường đủ tốt để giới khởi nghiệp, các nhà khoa học, các bạn trẻ sinh viên đam mê khám phá, sáng tạo khoa học và cả các doanh nghiệp công nghệ khát khao có được nhiều các không gian đổi mới sáng tạo, khu vực thử nghiệm, vườn ươm,… để thỏa sức thử nghiệm ý tưởng, thực hành các nghiên cứu, kiểm thử các kết quả khoa học… Cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ hiệu quả kết nối hoạt động nghiên cứu với ứng dụng vào sản xuất công nghiệp và thương mại hóa sản phẩm ra thị trường không thể chỉ là trách nhiệm của nhà trường hay của mỗi doanh nghiệp, mà rất cần vai trò nhà nước, giúp phối hợp đồng bộ giữa Nhà trường – Nhà nước – Doanh nghiệp. Để giải quyết hạn chế đầu ra của hầu hết sinh viên từ các trường ĐH, cao đẳng, đó là vấn đề việc làm và đáp ứng tốt yêu cầu kinh nghiệm của doanh nghiệp, Tiến sĩ Vũ Xuân Hùng đề xuất mô hình đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, nhà trường xây dựng chương trình đào tạo linh hoạt theo yêu cầu doanh nghiệp, doanh nghiệp phối hợp, đồng hành cùng nhà trường ngay từ quá trình đào tạo người lao động của chính họ.

Cơ sở giáo dục ĐH, cao đẳng: Cầu nối trung tâm của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở

Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo nhiều trường ĐH, cao đẳng cho rằng việc phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo không thể tách rời vai trò của các cơ sở giáo dục ĐH/viện nghiên cứu. Phó Giáo sư Bùi Anh Tuấn – Trường ĐH Ngoại thương nhấn mạnh, cơ sở giáo dục ĐH có thể làm cầu nối cho các bên trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở, dù đó là mô hình đổi mới sáng tạo mở 3 bên, 4 bên hay nhiều bên. Vai trò kết nối của cơ sở giáo dục ĐH thể hiện rõ việc họ có thể đề xuất các chương trình nghiên cứu kết nối đồng thời với chính phủ và doanh nghiệp, trong đó chính phủ có thể là bên tài trợ quan trọng và doanh nghiệp là nơi ứng dụng kết quả. Cơ sở giáo dục ĐH, với đặc trưng tính mở của giáo dục ĐH ngày càng cao, tham gia tích cực vào việc hình thành nhiều hệ sinh thái, trong đó có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở. Nhiều hoạt động về KHCN và đổi mới sáng tạo mà cơ sở giáo dục ĐH có thể tổ chức để kết nối các bên tham gia chia sẻ tri thức và các ý tưởng đổi mới sáng tạo, từ đó, doanh nghiệp có thể kết nối được với chính phủ và các bên có liên quan khác để thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo mở.

Theo Tiến sĩ Lê Mai Lan – Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH VinUni, để xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo thực chất, mô hình vận hành cần được thiết kế theo hướng đa chiều, linh hoạt, cần cơ chế phối hợp đồng cấp, với một đầu mối điều phối trung tâm rõ ràng. Tiến sĩ Lê Mai Lan đề xuất phát triển một cơ chế hợp tác chiến lược giữa 4 bên: Chính quyền Thủ đô – Doanh nghiệp – Khu công nghệ cao – Cơ sở giáo dục ĐH, cao đẳng.

Sinh viên tại trung tâm nghiên cứu Trường ĐH VinUni (Nguồn: website Trường ĐH VinUni)

Tầm nhìn đến năm 2045 trong quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 57-NQ/TW đã chỉ rõ “KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phát triển vững chắc góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao”, trong đó các mục tiêu và giải pháp cụ thể đã được nêu rõ. Đặc biệt, Nghị quyết số 193/2025/QH15 ban hành về “Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” là cơ sở pháp lý quan trọng tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục ĐH, cao đẳng triển khai phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo. Phát biểu tại Hội thảo khoa học Giải pháp thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phát phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57) trong cơ sở giáo dục ĐH, cao đẳng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước, Bí thư Đảng ủy khối các trường ĐH, cao đẳng Hà Nội Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn diện, bền vững có khả năng lan tỏa mạnh mẽ cho sự phát triển xã hội của Thủ đô và đất nước, góp phần thực hiện thành công 2 mục tiêu 100 năm của Việt Nam. Đó là đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam trở thành một nước đang phát triển công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn - Bí thư Đảng ủy Khối các trường ĐH, cao đẳng Hà Nội phát biểu tại hội thảo (Nguồn: website ĐH Bách khoa Hà Nội)

Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong ĐH không còn là một mô hình lý tưởng mà đang trở thành yêu cầu hiện hữu của sự phát triển. Khi các trường ĐH đủ quyền tự chủ, có hành lang pháp lý đồng bộ và được hỗ trợ bởi hạ tầng công nghệ hiện đại, sẽ trở thành trung tâm phát triển sản phẩm, ý tưởng và doanh nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, để hệ sinh thái này thật sự “sống” và phát triển bền vững, cần một môi trường chính sách thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường – nhà nước – doanh nghiệp – khu công nghệ cao, cũng như nguồn lực tài chính và con người đủ mạnh.

Hà Giang

 

 

Bạn đang đọc bài viết Vai trò của trường đại học, cao đẳng trong việc xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

 

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19