Ảnh: Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn báo cáo tại Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi. (Ảnh TTTTSK)
Giáo dục mầm non không chỉ là bước khởi đầu mà còn là nền móng vững chắc cho toàn bộ quá trình phát triển trí tuệ, nhân cách và năng lực học tập suốt đời của mỗi công dân, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định đây là nhiệm vụ cấp thiết trong việc công cuộc đổi mới vì một nền giáo dục tiến bộ và phát triển. Đây cũng là một trong những vấn đề được Quốc hội đặc biệt quan tâm, tổ chức phiên họp thứ 44, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), hiện nay mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non đã phát triển rộng khắp đến tất cả các xã phường, thôn bản trên cả nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đưa trẻ đến trường; các điều kiện chăm sóc, giáo dục trẻ, chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ được nâng lên. Hằng năm, có trên 5,1 triệu trẻ mầm non được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại 15.256 trường mầm non và 17.444 cơ sở giáo dục mầm non độc lập; tỷ lệ huy động trẻ em nhà trẻ đạt 34,6%, tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo đạt 93,6%. Tuy nhiên, giáo dục mầm non vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức lớn như: còn một số lượng khá lớn trẻ em mẫu giáo từ 3 - 4 tuổi chưa được tiếp cận với giáo dục mầm non, tạo ra sự mất công bằng trong tiếp cận giáo dục (có gần 300.000 trẻ em mẫu giáo chưa được đến trường, tập trung tại những nơi khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng cao, miền núi, biên giới, hải đảo, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số). Các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục mầm non còn nghèo nàn. Chính sách hiện hành dành cho trẻ em mầm non, giáo viên, cơ sở giáo dục, cơ chế, chính sách đầu tư, xã hội hoá giáo dục còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục mầm non.
Về cơ sở pháp lí hiện tại, Luật Luật Giáo dục mới -chỉ quy định về phổ cập cho trẻ 5 tuổi, để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non trẻ mẫu giáo cần sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục. Tuy nhiên, việc sửa đổi Luật cần thời gian đánh giá toàn diện để giải quyết nhiều nội dung phức tạp, trong khi yêu cầu hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non trẻ mẫu giáo đã được đặt ra tại Nghị quyết số 42-NQ/TW “đến năm 2030 hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi”, Kết luận số 91-KL/TW yêu cầu "Từng bước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 3, 4 tuổi". “Vì vậy việc ban hành Nghị quyết Quốc hội lúc này là phương án rất cần thiết, cấp bách; vừa thực hiện Nghị quyết của Trung ương, vừa là đòi hỏi của thực tế”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.(Ảnh VOV)
Để hoàn thiện hành lang pháp lí và thực hiện phổ cập giáo dục dục mầm non đối với trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, Bộ GDĐT trình Chính phủ đề xuất quy định thực hiện 3 nhóm chính sách quan trọng gồm:
Tăng cường ưu đãi đối với trẻ em mẫu giáo
Chính sách ưu đãi đối với trẻ em mẫu giáo trong độ tuổi thực hiện phổ cập giáo dục mầm non từ 3 đến 5 tuổi, đảm bảo tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được huy động đến cơ sở GDMN để được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục theo Chương trình GDMN. Đề xuất bổ sung đối tượng trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo đúng quy định có cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em hợp pháp là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động theo quy định được hỗ trợ chi phí học tập. Đồng thời, đề xuất nâng mức hỗ trợ tiền ăn trưa so với quy định hiện hành cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.
Tham gia góp ý về chính sách ưu đãi dành cho trẻ em mầm non, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nêu kinh nghiệm quốc tế tại Indonesia khi thực hiện các giải pháp ưu tiên đối với trẻ em, đồng thời đề nghị Bộ GDĐT nghiên cứu thêm cách làm, cần xác định không chỉ là bữa ăn miễn phí mà là bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng cho một thế hệ đến năm 2045. Cần chú trọng khoa học dinh dưỡng các bữa ăn để không những đủ no mà còn giải quyết tình trạng thấp còi và phát triển trí tuệ cho trẻ.
Chính sách ưu đãi đối với giáo viên mầm non
Chính sách đặc thù để hỗ trợ, thu hút đội ngũ, ưu đãi đối với giáo viên mầm non được đề xuất bao gồm: Trợ cấp thu hút tuyển dụng giáo viên mẫu giáo từ năm học 2025-2026 vào làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục mẫu giáo; Hỗ trợ kinh phí cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục mầm non (không bao gồm các cơ sở giáo dục mầm non có liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài; cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài) thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục mẫu giáo; Ưu tiêu, đầu tư và thu hút nguồn lực phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên cấp học mầm non; bảo đảm đủ số lượng giáo viên mầm non theo định mức quy định bảo đảm điều kiện thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục mẫu giáo. Để thực hiện phổ cập với số biên chế dự kiến giao thêm giai đoạn 2026-2030 cho các tỉnh, thành phố thì cần bổ sung khoảng 21.427 chỉ tiêu biên chế.
Chính sách đảm bảo cơ sở vật chất, phát triển mạng lưới trường lớp
Đảm bảo cơ sở vật chất, phát triển mạng lưới trường, lớp giáo dục mầm non cũng là một trong những điều kiện quan trọng trong mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non. Cụ thể, với chính sách đầu tư mạng lưới trường lớp cần đề xuất chương trình đầu tư riêng trong Chương trình Mục tiêu quốc gia giáo dục, ưu tiên xây mới và nâng cấp trường lớp vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo; huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa và các quỹ hợp pháp khác, bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước. Theo chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, Nguyễn Đắc Vinh, để triển khai thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3-5 tuổi, Nhà nước phải bảo đảm nguồn tài chính và nguồn nhân lực rất lớn. Trong đó nhấn mạnh các điều kiện đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên, nguồn kinh phí thực hiện…
Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải nêu vấn đề ở các thành phố, khu vực đông dân cư, nơi kinh tế - xã hội phát triển có nhiều nhà đầu tư đầu tư xây dựng trường mầm non, còn ở các vùng nông thôn, vùng khó khăn lại rất khó thu hút… Giải bài toán này đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng, nếu có chính sách ưu đãi vượt trội và đột phá, đồng thời gắn với trách nhiệm xã hội thì có thể thu hút được nguồn đầu tư tốt hơn.
Thảo luận tại Hội nghị, đa số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và thực hiện mục tiêu "hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo vào năm 2030". Đồng thời, các ý kiến nhấn mạnh đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, không chỉ là chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non mà còn là bước tiến quan trọng trong việc hiện thực hóa công bằng giáo dục, thể hiện rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc chăm lo cho tương lai thế hệ trẻ
Trịnh Thu
Tham khảo tài liệu: