Giữ ổn định tuyển sinh đầu cấp: Ưu tiên hàng đầu của các địa phương

Năm học 2025-2026 có nhiều thay đổi về cơ chế tuyển sinh và nhiều biến động về địa giới hành chính tại một số địa phương. Trong bối cảnh đó, việc đảm bảo sự ổn định trong công tác tuyển sinh đầu cấp đang trở thành ưu tiên hàng đầu nhằm bảo vệ quyền lợi cho học sinh, giảm áp lực cho phụ huynh và duy trì chất lượng giáo dục phổ thông.

Một trong những điểm nhấn quan trọng trong Thông tư số 30/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và đào tạo (GDĐT) về Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông là quy định không tổ chức khảo sát, kiểm tra, thi tuyển đầu vào đối với tuyển sinh lớp 6. Thay vào đó, các địa phương cần đảm bảo nguyên tắc tuyển sinh theo đúng tuyến địa bàn cư trú, đồng thời ưu tiên các đối tượng chính sách, con em gia đình khó khăn, dân tộc thiểu số nếu có quy định riêng. Theo đánh giá của Bộ GDĐT, công tác tuyển sinh đầu cấp theo Thông tư số 30 đã nhận được sự đồng thuận cao và quan tâm đặc biệt của xã hội, nên được nắm bắt nhanh chóng và được triển khai kịp thời, đáp ứng mong mỏi của người dân; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhận thức đầy đủ và rõ ràng hơn về trách nhiệm và tầm quan trọng của công tác tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông, từ đó triển khai hiệu quả tại cơ sở.

Đối với các địa phương, công tác tuyển sinh đầu cấp luôn được chú trọng, đặc biệt ở các đô thị lớn với tốc độ gia tăng dân số cao. Năm học 2025-2026, thách thức lớn hơn khi một số quy định mới của ngành giáo dục bắt đầu có hiệu lực, đồng thời việc điều chỉnh địa giới hành chính ở một số nơi đặt ra yêu cầu cao hơn trong công tác phân luồng học sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch tuyển sinh của các trường. Thực tế này đòi hỏi các sở GDĐT địa phương phải chủ động xây dựng kịch bản, ban hành hướng dẫn sớm và linh hoạt giải pháp nhằm đảm bảo mục tiêu ổn định, công khai, minh bạch và đúng quy định.

Học sinh trường THCS Thanh Xuân, Hà Nội (Nguồn: website nhà trường)

Là địa phương có số lượng thí sinh tuyển sinh đầu cấp lớn nên Hà Nội luôn chủ động chuẩn bị, triển khai thực hiện theo đúng các nội dung Bộ GDĐT chỉ đạo và hướng dẫn. Hà Nội tiếp tục quyết tâm “không còn hiện tượng xếp hàng trong tuyển sinh đầu cấp năm 2025”. Theo Sở GDĐT Hà Nội, năm 2025, Thành phố sẽ tuyển mới khoảng 95.000 trẻ vào nhà trẻ, 52.000 trẻ vào mẫu giáo, 155.000 học sinh vào lớp 1 và 161.000 học sinh vào lớp 6. Đây là những con số rất lớn, nhưng Sở đã có kế hoạch đồng bộ từ cơ sở vật chất đến công nghệ quản lý để đảm bảo mọi học sinh đều có cơ hội học tập công bằng. Để tạo điều kiện thuận lợi, Hà Nội sẽ tổ chức tuyển sinh trực tuyến từ ngày 1 đến 9/7/2025, sau đó tuyển sinh trực tiếp từ ngày 12 đến hết ngày 18/7/2025. Điểm đáng chú ý là sau khi điều chỉnh địa giới hành chính một số phường tại các quận Hoàng Mai, Hà Đông và Nam Từ Liêm, Sở GDĐT Hà Nội vẫn giữ ổn định các tuyến tuyển sinh để tránh gây xáo trộn lớn. Thành phố cũng có hướng dẫn cụ thể về việc tuyển sinh lớp 6 theo tuyến. Đối với các trường “nóng” tuyển sinh lớp 6 căn cứ điều kiện thực tiễn báo cáo với phòng GDĐT kế hoạch tuyển sinh đầu cấp và phương án đó phải được ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã phê duyệt. Các quận, huyện, thị xã quy định hình thức đánh giá năng lực học sinh nếu có đảm bảo việc tuyển sinh thực hiện công bằng, khách quan, minh bạch và phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Thành phố Hồ Chí Minh chính thức bỏ địa giới hành chính xã, phường trong tuyển sinh lớp 1 và tuyển sinh lớp 6. Theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, các quận/huyện xây dựng kế hoạch tuyển sinh linh hoạt dựa trên ba yếu tố: phân bổ trường lớp tại địa phương; số lượng trẻ em trong độ tuổi tuyển sinh; thông tin “nơi ở hiện tại” của học sinh từ cơ sở dữ liệu ngành. Sử dụng hệ thống bản đồ số GIS để tính khoảng cách di chuyển của học sinh, không phân bổ theo ranh giới hành chính phường, nhằm tạo điều kiện cho học sinh học gần nơi ở hiện tại và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đối với các trường học nằm ở ranh giới giữa các địa phương, ban chỉ đạo tuyển sinh đầu cấp xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học gần nơi ở hiện tại. Việc tuyển sinh thực hiện trực tuyến thông qua mã định danh, thông tin trích xuẩt 100% từ hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giáo dục.

Trong bối cảnh năm học 2025–2026 mang nhiều yếu tố đặc thù, việc giữ ổn định tuyển sinh đầu cấp không chỉ là giải pháp tình thế, mà còn là yêu cầu chiến lược trong quá trình phát triển bền vững của ngành giáo dục. Các địa phương cần linh hoạt trong việc vận dụng Thông tư 30, nhưng không được buông lỏng nguyên tắc, để vừa đảm bảo công bằng trong tuyển sinh, vừa tạo thuận lợi cho người dân và ổn định xã hội.

Hà Giang

Tài liệu tham khảo:

Bộ GDĐT (2025): Hội nghị triển khai tuyển sinh đầu cấp, thi tốt nghiệp THPT và đánh giá thực hiện Thông tư 29. https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=10411

Bộ GDĐT (2024): Thông tư 30/3024/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông. https://chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=212363&classid=1

 

Bạn đang đọc bài viết Giữ ổn định tuyển sinh đầu cấp: Ưu tiên hàng đầu của các địa phương tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

 

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19