Hướng đến giáo dục toàn dân và học tập suốt đời
Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc phổ cập giáo dục, đặc biệt là phổ cập tiểu học và trung học cơ sở. Tuy nhiên, để tiến xa hơn, tiến tới phổ cập trung học phổ thông và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chính sách miễn học phí đang trở thành yêu cầu thực tiễn. Bộ GDĐT đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh trung học cơ sở, học sinh trung học phổ thông và không phải đóng học phí đối với học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập. Đây là chính sách phù hợp với nhiều văn kiện quan trọng như Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, trong đó có định hướng “Nhà nước bảo đảm kinh phí cho giáo dục bắt buộc, giáo dục phổ cập, miễn học phí cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi và thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm trong lĩnh vực giáo dục; ưu tiên đầu tư cho giáo dục, đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Theo số liệu từ Bộ GDĐT, năm học 2023-2024, cả nước có 23,2 triệu học sinh (trong đó: 21,5 triệu học sinh công lập, chiếm 93%; 1,7 triệu học sinh ngoài công lập, chiếm 7%). Số học sinh chia theo cấp học: 4,8 triệu trẻ em mầm non (3,8 triệu trẻ em công lập; 1 triệu trẻ em ngoài công lập); 8,8 triệu học sinh tiểu học, 6,5 triệu học sinh THCS, 2,99 triệu học sinh trung học phổ thông. Thực tế, triển khai Nghị quyết 29 và Nghị quyết số 35/2009/QH12 của Quốc hội về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015, Chính phủ đã ban hành các quy định về học phí, trong đó quy định lộ trình học phí hằng năm và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chí phí học tập cho các đối tượng học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh thuộc đối tượng chính sách xã hội, học sinh dân tộc. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều đối tượng học sinh, gia đình vẫn đang phải đóng học phí.
Theo Dự thảo Nghị định do Bộ GDĐT xây dựng, đối tượng không phải đóng học phí theo quy định của Luật Giáo dục 2019 là học sinh tiểu học. Đối tượng miễn học phí theo quy định của Luật Giáo dục 2019 gồm trẻ em mầm non 5 tuổi; học sinh trung học cơ sở. Như vậy, triển khai kết luận của Bộ Chính trị tại Công văn số 13594-CV/VPTW ngày 01/3/2025 sẽ bổ sung thêm các đối tượng được miễn học phí bao gồm: trẻ em, học sinh mầm non dưới 5 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục, học sinh trung học phổ thông, học sinh học văn hóa trung học phổ thông tại các cơ sở giáo dục. Mức hỗ trợ học phí tối đa bằng mức trần học phí áp dụng đối với cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên do Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành áp dụng tại địa phương theo từng năm học.
Tác động thực tiễn của chính sách
Miễn học phí cho học sinh phổ thông và trẻ em mầm non không chỉ mang ý nghĩa giáo dục mà còn tác động tới nhiều khía cạnh thực tiễn. Thứ nhất, miễn học phí có tác động về cải cách thủ tục hành chính. Đối với người học, nội hàm chính sách là như nhau, người học đều không phải đóng học phí. Đối với hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố, khi thực hiện chính sách “không phải đóng học phí” đối với học sinh tiểu học theo quy định hiện hành tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ sẽ cắt giảm quy trình đối với các nghị quyết của hội đồng nhân dân về đối tượng miễn học phí; quy định mức cấp bù học phí từ ngân sách nhà nước cho các đối tượng miễn học phí; quy trình phê duyệt đối tượng được miễn học phí. Thứ hai, chính sách miễn học phí có tác động tích cực đến người dân – đối tượng trực tiếp thụ hưởng từ chính sách. Miễn học phí góp phần giảm bớt gánh nặng kinh tế đối với gia đình khó khăn; thúc đẩy tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ đối với phần học phí tiết kiệm được. Từ đó tạo tâm lý tích cực, củng cố niềm tin của người dân với Đảng và Chính phủ. Thứ ba, qua rà soát về các Điều ước quốc tế có liên quan Việt Nam tham gia, các nội dung được đề xuất tại dự thảo Nghị quyết đều phù hợp, không trái với các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Để triển khai chính sách miễn học phí một cách đồng bộ và hiệu quả cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng về ngân sách và cơ chế thực hiện. Căn cứ theo mức học phí tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và Nghị định số 97/2023/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ GDĐT ước tính số ngân sách nhà nước tăng thêm khi thực hiện chính sách theo Nghị quyết của Quốc hội là 8,2 nghìn tỷ đồng.
Đầu tư cho giáo dục là chiến lược đầu tư lâu dài, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển mình sang nền kinh tế tri thức, đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng, tư duy sáng tạo và khả năng học tập suốt đời. Chính sách miễn học phí này sẽ là bước tiến lớn thể hiện tầm nhìn chiến lược trong việc phát triển con người toàn diện, xây dựng xã hội học tập và hướng đến công bằng, văn minh. Việc tăng cường minh bạch tài chính, giám sát cộng đồng và sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ GDĐT với các bộ, ngành và địa phương sẽ là yếu tố then chốt giúp chính sách thực sự đi vào cuộc sống.
Hà Giang
Tài liệu tham khảo:
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh trung học cơ sở, học sinh trung học phổ thông và không phải đóng học phí đối với học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập. https://chinhphu.vn/du-thao-vbqppl/du-thao-nghi-quyet-cua-quoc-hoi-ve-mien-hoc-phi-doi-voi-tre-em-mam-non-hoc-sinh-trung-hoc-co-so-7444