Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non: mục tiêu và thách thức

Những năm qua, công tác phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) đã tạo được những tiền đề cơ bản nhằm nâng cao chất lượng, chăm sóc giáo dục trẻ mầm non.

Cụ thể, theo số liệu từ Bộ Giáo dục và đào tạo (GDĐT), hằng năm, có trên 5,1 triệu trẻ mầm non (Trong đó có: 4.556.771 trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi) được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại 15.256 trường mầm non và 17.444 cơ sở GDMN độc lập; tỷ lệ huy động trẻ em nhà trẻ đạt 34,6%, tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo đạt 93,6%.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, thực tế ghi nhận GDMN vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức lớn như: Còn một số lượng khá lớn trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 4 tuổi (chủ yếu là trẻ em ở vùng khó khăn, trẻ em đối tượng yếu thế) chưa được tiếp cận với GDMN tạo sự mất công bằng trong tiếp cận giáo dục. Các điều kiện đảm bảo chất lượng GDMN còn hạn chế. Chính sách hiện hành dành cho trẻ em mầm non, giáo viên, cơ sở giáo dục, cơ chế, chính sách đầu tư, xã hội hoá giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu phát triển GDMN. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc nâng cao chất lượng giáo dục và mở rộng phổ cập GDMN trên phạm vi toàn quốc.

Xác định phổ cập GDMN đúng độ tuổi

Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 5/01/2024 về công tác phổ cập giáo dục giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi. Tiếp đó, tại Kết luận số 91-LK/TW yêu cầu “từng bước thực hiện phổ cập giá dục mầm non cho trẻ 3,4 tuổi” (phổ cập đúng độ tuổi). Hiện nay, Luật Giáo dục chỉ quy định về phổ cập cho trẻ 5 tuổi, để thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo, Bộ GDĐT đang đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi. Tuy nhiên, việc sửa đổi Luật cần thời gian đánh giá toàn diện để giải quyết nhiều nội dung phức tạp. Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết Quốc hội là cơ sở pháp lý giúp các địa phương sớm xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai phổ cập GDMN trẻ mẫu giáo theo yêu cầu của Ban chấp hành Trung ương, qua đó: có thời gian chuẩn bị, đầu tư các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ, thực hiện phổ cập theo lộ trình phù hợp với thực tiễn và đảm bảo tính khả thi cho việc hoàn thành mục tiêu phổ cập GDMN trẻ mẫu giáo vào năm 2030, từng bước hoàn thành phổ cập GDMN đúng độ tuổi cho trẻ em 3 tuổi, 4 tuổi. Việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội trong bối cảnh hiện nay là cấp thiết và phù hợp, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và thực hiện mục tiêu “hoàn thành phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo vào năm 2030”.

Theo đó, Dự thảo Nghị quyết đề xuất quy định thực hiện phổ cập GDMN đối với trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi; cơ chế, chính sách để thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi. Phấn đấu 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận đạt chuẩn về phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo vào năm 2030 (mức độ 1), đạt chuẩn phổ cập GDMN đúng độ tuổi cho trẻ em mẫu giáo (mức độ 2) vào năm 2035. Với mục tiêu nêu trên, Bộ GDĐT đề xuất Nghị quyết sẽ tập trung giải quyết 03 nhóm chính sách: ưu đãi đối với trẻ em mẫu giáo trong độ tuổi thực hiện phổ cập, đảm bảo tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được huy động đến cơ sở GDMN để được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục theo chương trình GDMN; chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp GDMN.

GDMN ở đô thị, khu công nghiệp: những vấn đề cần tháo gỡ

Theo Bộ GDĐT, đến thời điểm này, chất lượng GDMN ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn cũng đã có những cải tiến và từng bước nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, hiện nay, ở những vùng tưởng chừng như rất thuận lợi như địa bàn đô thị, khu công nghiệp với sự phát triển kinh tế, xã hội nhanh chóng thì cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ thực tiễn. Nguyên nhân là do việc quá tải dân cư, nhập cư; sự phát triển nóng của đô thị, khu công nghiệp, điều kiện sinh hoạt, công việc của phụ huynh không giống nhau đặt ra bài toán về cơ sở vật chất cần được đáp ứng. Từ đó, Dự thảo Nghị quyết cũng tập trung tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc về chính sách đất đai, vay vốn tín dụng, ưu tiên cho thuê tài sản công; đẩy mạnh xã hội hoá, tạo điều kiện cho cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước đầu tư xây dựng phát triển GDMN dân lập, tư thục, nhất là các cơ sở GDMN độc lập loại hình dân lập, tư thục tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị đông dân cư. Nhà nước ưu tiên có chương trình đầu tư để xây dựng đủ trường/lớp học đáp ứng yêu cầu phổ cập, trong đó ưu tiên đầu tư cho vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng biên giới, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo.

Cùng với việc xây dựng dự thảo Nghị quyết, Bộ GDĐT cũng đang xây dựng đề án “Nâng cao chất lượng GDMN ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp giai đoạn 2025 – 2030, định hướng đến năm 2045”. Đề án đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 100% trẻ em trong cơ sở GDMN tại địa bàn đô thị, khu công nghiệp được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục; 100% trẻ em từ 03 tháng đến 36 tháng tuổi là con công nhân, người lao động ở địa bàn có khu công nghiệp có nhu cầu được tiếp cận dịch vụ bảo đảm chất lượng; 100% cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và nhân viên ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp được tiếp cận tài liệu và được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ thường xuyên; tăng thêm 20% trở lên cơ sở GDMN tại địa bàn đô thị, khu công nghiệp có tổ chức nhóm trẻ.

Phổ cập và nâng cao chất lượng GDMN không chỉ là một nhiệm vụ chuyên môn của ngành giáo dục mà là chiến lược quốc gia về phát triển con người. Trong đó, việc phổ cập đúng độ tuổi cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi chính là hiện thực hóa tinh thần chỉ đạo trong Nghị quyết số 29-NQ/TW và Kết luận số 91-KL/TW – những định hướng lớn về phát triển giáo dục và nguồn nhân lực chất lượng cao trong giai đoạn mới. Việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập GDMN sẽ tạo cơ sở pháp lý để các địa phương chủ động triển khai kế hoạch, đầu tư, huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện hiệu quả.

Hà Giang

Tài liệu tham khảo:

Bộ GDĐT (2025): Dự thảo hồ sơ Nghị quyết Quốc hội về Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi. https://moet.gov.vn/van-ban/vbdt/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1688

Bộ GDĐT (2025): Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở đô thị, khu công nghiệp. https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=10438

 

Bạn đang đọc bài viết Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non: mục tiêu và thách thức tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

 

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19