Năm học 2025-2026 đánh dấu bước chuyển mình quan trọng khi hệ thống GDNN chính thức chuyển về Bộ GDĐT quản lý. Thay đổi này được kỳ vọng sẽ giúp các trường cao đẳng thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thí sinh và tuyển sinh theo hệ thống chung của hệ thống giáo dục đại học, thay vì phải tự tổ chức tuyển sinh riêng lẻ như trước đây.
Theo Quyết định số 596/QĐ-BGDĐT ngày 3/3/2025 của Bộ trưởng Bộ GDĐT, Cục GDNN và giáo dục thường xuyên là đơn vị thuộc Bộ GDĐT, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về GDNN (trừ sư phạm) và giáo dục thường xuyên. Thực hiện các dịch vụ công trong lĩnh vực công tác được giao theo quy định. Quyết định này không đơn thuần là sự thay đổi về mặt hành chính, mà phản ánh sự chuyển dịch lớn trong tư duy giáo dục – tích hợp, hệ thống và xuyên suốt.
Trước đó, hệ thống GDNN được quản lý bởi Bộ Lao động – Thương binh và xã hội trong suốt một thời gian dài. Trong khi Bộ GDĐT quản lý từ mầm non đến đại học, thì các chương trình trung cấp – cao đẳng, đặc biệt là hệ 9+ (đào tạo nghề sau trung học cơ sở), lại thuộc sự quản lý độc lập của một bộ khác. Bộ GDĐT đã xây dựng Thông tư 15/2022/TT-BGDĐT Quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên thực tế vẫn có sự sự tách biệt với hệ thống giáo dục phổ thông và đại học. Điều này gây khó khăn trong phân luồng, tổ chức tuyển sinh và tạo rào cản cho học sinh hệ 9+ muốn học tiếp lên đại học. Trong nhiều năm qua, các trường nghề đang tự tổ chức tuyển sinh, xây dựng phương án riêng, công bố độc lập và quảng bá tới từng địa phương, từng trường phổ thông. Điều này khiến người học – nhất là học sinh sau trung học cơ sở khó tiếp cận, dẫn đến tỷ lệ tuyển sinh không ổn định, dù nhu cầu học nghề là có thực.
Việc chuyển hệ thống GDNN về Bộ GDĐT không chỉ đảm bảo tính liền mạch về quản lý mà còn tạo điều kiện để xây dựng các lộ trình học tập rõ ràng, liên thông hợp lý giữa các cấp học, qua đó nâng cao vị thế của GDNN trong tổng thể hệ thống. Ngoài ra, việc quy hoạch lại hệ thống các trường nghề theo hướng chuyên sâu, chất lượng cao – gắn với nhu cầu doanh nghiệp, ngành nghề mũi nhọn – sẽ tạo thêm sức hút cho GDNN, đồng thời góp phần nâng cao năng suất lao động và chất lượng nguồn nhân lực quốc gia.
Trong bối cảnh mùa tuyển sinh đã cận kề, tại buổi làm việc với Cục GDNN và Giáo dục thường xuyên; tập thể lãnh đạo các đơn vị chuyển từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về Bộ GDĐT, đại diện các trường đại học, cao đẳng đề xuất Bộ GDĐT quan tâm, sớm ban hành quyết định tiếp nhận, phê duyệt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các trường. Việc này là cần thiết để đảm bảo các hoạt động đào tạo không bị gián đoạn, đồng thời giúp các cơ sở chủ động trong việc xây dựng kế hoạch tuyển sinh, đào tạo và liên kết doanh nghiệp. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, các đơn vị phải mất một thời gian để sắp xếp, chuyển đổi với nhiều công việc, nhưng đây là cơ hội để thống nhất, đổi mới hệ thống GDĐT. Việc quy hoạch, sắp xếp sẽ đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Chuyển giao hệ thống GDNN về Bộ GDĐT không chỉ là một quyết định quản lý hành chính, mà là bước đi chiến lược nhằm tái cấu trúc hệ thống giáo dục. Từ việc thống nhất lộ trình học tập, cải thiện công tác tuyển sinh, mở rộng khả năng liên thông, đến thay đổi tư duy xã hội về học nghề – tất cả đều hướng tới mục tiêu cuối cùng: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Sự thay đổi này là cơ hội để khẳng định vị thế của GDNN trong tổng thể hệ thống giáo dục quốc dân. Để hiện thực hóa được tiềm năng này, cần sự phối hợp chặt chẽ, hành động quyết liệt và lộ trình triển khai rõ ràng giữa các cấp, các ngành và toàn bộ hệ thống giáo dục.
Hà Giang
Tài liệu tham khảo:
Bộ GDĐT (2025): 16 đơn vị chuyển từ bộ LĐTBXH về Bộ GDĐT. https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=10362
Bộ GDĐT (2022): Thông tư 15/2022/TT-BGDĐT Quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp. https://vanban.chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=206841