Trong những năm gần đây, việc nghiên cứu khoa học trong trường phổ thông đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm từ nhà trường, gia đình và các cơ quan quản lý giáo dục. Các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật không chỉ khuyến khích học sinh nghiên cứu, vận dụng kiến thức đã học để có những sáng kiến, giải pháp sáng tạo, hiệu quả nhằm giải quyết các yêu cầu thực tiễn cuộc sống, mà còn góp phần thúc đẩy đổi mới hình thức và phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá kết quả học tập và phát triển năng lực của học sinh theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Nhiều đề tài có nội dung và phương pháp nghiên cứu phù hợp, thực hiện tiến trình nghiên cứu, ghi chép nhật trình và trình bày báo cáo khoa học theo đúng yêu cầu của một công trình khoa học. Một số đề tài đã tiếp cận những vấn đề có tính khái quát cao hoặc cần những kỹ thuật được thực hiện trong các phòng thí nghiệm hiện đại, giúp rèn luyện và nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho học sinh, giúp học sinh hình thành khả năng tìm tòi, khám phá, tăng tư duy logic và phân tích. Học sinh cũng được rèn luyện kỹ năng áp dụng kiến thức vào thực tiễn, từ đó học tập hiệu quả hơn.
Hiện nay, nhiều cuộc thi khoa học kỹ thuật được tổ chức rộng khắp cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, các cuộc thi khoa học – kỹ thuật dành cho học sinh vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Báo chí đã nhiều lần phản ánh các dự án có hiện tượng trùng lặp, sao chép, vẫn còn những dự án được cho rằng vượt tầm học sinh phổ thông và thiếu tính ứng dụng thực tế.
Trước những bất cập trên, Bộ Giáo dục và đào tạo đã ban hành Thông tư 06/2024 ban hành Quy chế cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông với nhiều nội dung thay đổi. Quy chế này thay thế Thông tư 38/2012/TT-BGDĐT ban hành từ năm 2012. Năm nay là năm đầu tiên Cuộc thi Khoa học kỹ thuật được tổ chức theo quy chế mới. So với quy chế trước đây, quy chế mới đã có nhiều thay đổi, khác biệt về mục đích, yêu cầu, quy trình tổ chức. Theo đó, Quy chế mới nhấn mạnh yêu cầu: Nội dung nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh bảo đảm thiết thực, phù hợp với tâm lý lứa tuổi và yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh theo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông. Đồng thời, Thông tư 06 cũng yêu cầu việc tổ chức cho học sinh tham gia nghiên cứu khoa học kỹ thuật đảm bảo an toàn, nghiêm túc, công khai, minh bạch, phù hợp với năng lực, sở trường, hứng thú và tự nguyện tham gia của học sinh”. Như vậy, có thể thấy Quy chế mới đặt mục tiêu việc nghiên cứu phải thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, góp phần phát triển năng lực học sinh. Những quy định mới nhằm tránh hiện tượng sao chép, nâng cao tính thực tiễn của các dự án nghiên cứu.
Thông tư 06 là bước tiến quan trọng để hoàn thiện quy trình tổ chức các cuộc thi khoa học kỹ thuật, đảm bảo công bằng và nâng cao chất lượng nghiên cứu trong học sinh phổ thông. Việc triển khai nghiên cứu khoa học trong trường phổ thông không phải là một nhiệm vụ đơn giản, đòi hỏi sự đầu tư về thời gian và công sức, đặc biệt là vai trò của giáo viên trong việc khơi gợi đam mê nghiên cứu ở học sinh. Để hoạt động này trở nên thiết thực và hiệu quả hơn, cần có những chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm hỗ trợ học sinh từ khâu hình thành ý tưởng đến phát triển mô hình, sản phẩm khoa học – kỹ thuật. Bên cạnh đó, việc cung cấp cơ sở vật chất đầy đủ, nâng cao năng lực hướng dẫn của giáo viên và đảm bảo tính công bằng trong đánh giá các đề tài cũng là những yếu tố quan trọng giúp nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học trong học sinh phổ thông, góp phần tạo ra một môi trường học tập sáng tạo, đổi mới và thực tiễn hơn.
Hà Giang
Tài liệu tham khảo:
Bộ GDĐT (2024): Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT Ban hành Quy chế Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông. http://moet.gov.vn/van-ban/vanban/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1534