Vai trò của trường đại học trong việc đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển đổi số

Trong bối cảnh đổi mới toàn diện, các trường đại học (ĐH) đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nghiên cứu khoa học tại Việt Nam.

Theo Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng, đưa đất nước bứt phá và giàu mạnh trong kỷ nguyên mới. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao bắt đầu từ đột phá trong phát triển giáo dục ĐH, đào tạo ngắn hạn; thí điểm xây dựng và triển khai cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ sở giáo dục ĐH theo gói cam kết đầu ra với chính sách học bổng toàn phần cho học viên sau ĐH và yêu cầu phải có doanh nghiệp đồng hành. Đặc biệt, năm 2025 được xem như năm bản lề, các trường ĐH, viện nghiên cứu bắt tay vào giai đoạn 5 năm 2025 – 2030 cùng với kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Các trường ĐH đã xác định hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hợp tác quốc tế là một trong ba trụ cột quan trọng của trường nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, tăng cường phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ cộng đồng. Trên cơ sở đó, Trường ĐH Cần Thơ đã ban hành các Quyết định liên quan hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hợp tác quốc tế như Quy chế Quản lý hoạt động khoa học và công nghệ, Quy định Liêm chính học thuật, Quy định Quản lý về đạo đức trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn. Để đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động khoa học công nghệ, nhà trường xây dựng các phân hệ quản lý. Năm 2024, sản phẩm khoa học công nghệ của trường tăng cả về số lượng và chất lượng với 1962 bài báo khoa học (trong đó có 707 bài báo thuộc Scopus và WoS; 247 bài quốc tế khác; 755 bài báo trong nước; 253 bài báo đăng trên hội nghị/hội thảo trong và ngoài nước). Ngoài ra, công tác nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo của sinh viên cũng được quan tâm theo hướng nâng cao chất lượng. Điều này phù hợp với mục tiêu được đề ra trong Quyết định số 1705/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030.

Chuyển đổi số cũng là một trong những yếu tố quan trọng trong việc hiện đại hóa giáo dục ĐH. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp công nghệ như hệ thống quản lý học tập (LMS) dựa trên nền tảng Moodle để hỗ trợ quản lý và tổ chức giảng dạy hiệu quả, tạo điều kiện cho người học dễ dàng truy cập tài liệu, làm bài tập và tương tác với giảng viên. Đồng thời, nhà trường sử dụng hệ thống hội nghị video để tổ chức các buổi học trực tuyến, sinh hoạt học thuật, đảm bảo tính linh hoạt và thích ứng với nhiều hoàn cảnh. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) còn giúp cải thiện quá trình cá nhân hóa việc học, đánh giá năng lực người học một cách toàn diện hơn, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập một cách rõ rệt. Những giải pháp này thể hiện rõ định hướng của Nghị quyết 03/NQ-CP, trong đó có thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Có thể thấy, thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Cùng với Nghị quyết 57-NQ/TW, các chính sách như Nghị quyết số 109/NQ-CP, Nghị quyết số 03/NQ-CP, Quyết định số 1705/QĐ-TTg và Quyết định số 2717/QĐ-BGDĐT đã tạo thành khung pháp lý và chiến lược quan trọng giúp các trường đại học định hướng rõ ràng trong việc triển khai các nhiệm vụ về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển khoa học công nghệ.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, quá trình triển khai các nội dung của Nghị quyết 57 vẫn gặp không ít khó khăn. Trước hết, số lượng đề tài và số lượng sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học còn thấp, hoạt động nghiên cứu khoa học còn hạn chế ở một số đơn vị, cũng như chưa có sự đồng đều giữa các giảng viên. Việc thiếu hụt nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ mới cũng là một thách thức lớn, khi nhiều giảng viên và nhà nghiên cứu chưa được đào tạo bài bản hoặc chưa bắt kịp xu hướng quốc tế. Ngoài ra, thể chế và chính sách quản lý khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại nhiều nơi vẫn còn bất cập, chưa đồng bộ, gây khó khăn trong quá trình triển khai các dự án nghiên cứu, khởi nghiệp hoặc chuyển giao công nghệ. Cơ chế hợp tác giữa trường ĐH với doanh nghiệp vẫn còn thiếu các chính sách khuyến khích mạnh mẽ và thiếu hệ thống đánh giá hiệu quả hợp tác rõ ràng. Tiềm lực hợp tác với các đối tác rất lớn, tuy nhiên hiệu quả chưa cao. Trên cơ sở triển khai thực hiện các chính sách, đại diện trường ĐH Cần Thơ kiến nghị một số giải pháp để nâng cao chất lượng các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo như: Cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân tham gia đóng góp nguồn vốn cho các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc thu hút nguồn nhân lực và nguồn vốn, tạo điều kiện thông thoáng, giảm thủ tục hành chính, thủ tục cấp giấy phép lao động, visa cho các chuyên gia. Trường cũng mong muốn có chính sách, cơ chế cho chương trình nghiên cứu dài hơn hoặc theo giai đoạn nhằm đeo đuổi tạo ra sản phẩm, quy trình công nghệ ứng dụng vào thực tế, góp phần tạo ra sản phẩm, quy trình công nghệ ứng dụng vào thực tế sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; kèm theo là cơ chế chấp nhận độ trễ, rủi ro, cơ chế khuyến khích cho nhà khoa học.

Phát biểu tại Hội thảo khoa học hoạt động chuyển giao công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học nhằm tạo ra sản phẩm công nghệ ưu tiên trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Thực trạng và giải pháp, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, có rất nhiều chính sách đột phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo đang được quan tâm. Nhiều chính sách liên quan cũng đang được rà soát để điều chỉnh, bổ sung theo tinh thần đổi mới, tạo hành lang pháp lý quan trọng, thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển. Trong đó, các cơ sở giáo dục ĐH sẽ có nhiều tác động và ảnh hưởng từ các chính sách này.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại Hội thảo khoa học hoạt động chuyển giao công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học nhằm tạo ra sản phẩm công nghệ ưu tiên trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Thực trạng và giải pháp (Nguồn: Bộ Giáo dục và đào tạo)

Vai trò của các trường ĐH trong việc thực hiện Nghị quyết 57 rất quan trọng, góp phần định hướng phát triển khoa học công nghệ và giáo dục. Sự gắn kết chặt chẽ giữa chủ trương của Đảng và Nhà nước thông qua các nghị quyết và quyết định chiến lược đã tạo hành lang pháp lý vững chắc để các trường ĐH phát huy vai trò là hạt nhân của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả các chủ trương này, cần có sự đầu tư đồng bộ, tăng cường năng lực nội tại và đổi mới tư duy quản trị giáo dục ĐH. Việc tăng cường đầu tư, đổi mới và hợp tác quốc tế sẽ là chìa khóa giúp các cơ sở giáo dục ĐH nhanh chóng đạt được những thành tựu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Hà Giang

 

Bạn đang đọc bài viết Vai trò của trường đại học trong việc đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển đổi số tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

 

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19