Năm 2025 là năm đầu tiên khoá học sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT). Bộ GDĐT đã ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, trong đó tăng số môn thi học sinh có thể lựa chọn. Theo phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025 của Bộ GDĐT, thí sinh thi bắt buộc 2 môn Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Như vậy, với 2 môn thi bắt buộc và 2/9 môn thi tự chọn, năm 2025 thí sinh sẽ có 36 tổ hợp môn thi tốt nghiệp THPT. Nhiều môn học lần đầu được đưa vào tổ hợp môn xét tuyển như: Giáo dục kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ. Vì vậy, để bảo đảm cơ hội trúng tuyển cho học sinh đến từ các vùng, miền khác nhau, Thông tư số 06/2025/TT-BGDĐT ngày 19/3/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều trong Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non bỏ yêu cầu chương trình đào tạo, mỗi ngành, mỗi chương trình có tối đa 4 tổ hợp xét tuyển mà thay vào đó là không giới hạn số tổ hợp xét tuyển. Trên cơ sở đó, các cơ sở đào tạo đã và đang điều chỉnh tổ hợp xét tuyển để phù hợp và thích ứng với số môn thi trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Ảnh minh họa (Nguồn: Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT)
Việc không giới hạn tổ hợp xét tuyển mở ra nhiều cơ hội cho thí sinh nhưng cũng dẫn đến sự xuất hiện của nhiều tổ hợp xét tuyển “lạ” tại các trường đại học. Việc này khiến nhiều học sinh và phụ huynh đặt ra câu hỏi về tính phù hợp với chất lượng đầu vào của ngành học. Việc xét tuyển các tổ hợp không liên quan trực tiếp đến ngành học có thể dẫn đến nhiều hệ lụy. Sinh viên thiếu kiến thức nền tảng cần thiết cho ngành học, ảnh hưởng đến quá trình đào tạo và chất lượng đầu ra. Bên cạnh đó, việc chọn tổ hợp xét tuyển không phù hợp có thể khiến sinh viên không thực sự hiểu rõ về ngành học mình theo đuổi. Để khắc phục vấn đề này, Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non quy định tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp, trong đó phải có môn Toán hoặc Ngữ văn với trọng số tính điểm xét không dưới 25%. Từ năm 2026 số môn chung của các tổ hợp phải đóng góp ít nhất 50% trọng số tính điểm xét. Với quy định này, thí sinh vẫn có thể sử dụng tối đa thế mạnh của mình để tăng cơ hội trúng tuyển đại học nhưng vẫn bảo đảm công bằng.
Trước đó, tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2025, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn có khuyên các thí sinh tập trung học tốt theo năng lực, sở trường của mình. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh các cơ sở giáo dục đại học sẽ phải tuyển sinh theo tổ hợp phù hợp với ngành đào tạo và yêu cầu đặt ra. Bộ GDĐT cũng đặt ra yêu cầu cụ thể cho từng trường, ngành đào tạo. Theo đó, với mỗi ngành học, các trường sẽ lựa chọn phương thức tuyển sinh cũng như các tổ hợp môn thi xét tuyển phù hợp với yêu cầu ngành đó. Làm sao để đảm bảo thí sinh có năng lực có thể lựa chọn và thành công với chương trình này.
Để giảm áp lực và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh trong bối cảnh công tác thi cử có nhiều đổi mới, Bộ GDĐT đã có nhiều hỗ trợ về hệ thống phần mềm cũng như xây dựng quy chế tuyển sinh mới. Tất cả dữ liệu về tuyển sinh, từ kết quả học tập THPT, kết quả thi tốt nghiệp THPT, kết quả kỳ thi riêng… đều được đăng tải lên cơ sở dữ liệu hệ thống. Trên cơ sở đó, Hệ thống sẽ lựa chọn những phương thức tuyển sinh phù hợp, tối ưu cho thí sinh. Nghĩa là, học sinh có thể đặt nguyện vọng vào 1 ngành, 1 trường và Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung sẽ tự chọn để tối ưu nhất cho các em.
Việc không giới hạn tổ hợp xét tuyển theo quy chế mới đã mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho công tác tuyển sinh đại học. Nếu không kiểm soát chặt chẽ, việc mở rộng tổ hợp một cách tùy tiện có thể ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, gây khó khăn cho sinh viên trong quá trình học tập và định hướng nghề nghiệp.
Để đảm bảo công bằng và nâng cao chất lượng giáo dục đại học, các trường cần lựa chọn tổ hợp xét tuyển một cách khoa học, phù hợp với đặc thù ngành học. Đồng thời, Bộ GDĐT cần tiếp tục giám sát quá trình tuyển sinh để đảm bảo sự minh bạch, công bằng và chất lượng đầu vào của sinh viên. Chỉ khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, cơ quan quản lý và thí sinh, công tác tuyển sinh đại học mới thực sự đạt được hiệu quả cao nhất, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng trong tương lai.
Hà Giang
Tài liệu tham khảo:
Bộ GDĐT (2025): Thông tư số 06/2025/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều trong Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non.