Tuyển sinh đầu cấp năm 2025: Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra

Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra với mục đích tháo gỡ những khó khăn trong công tác tuyển sinh, phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những nguy cơ phát sinh tiêu cực, bất cập. Ngoài ra, đây là năm học bắt đầu triển khai thực hiện Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông theo Thông tư số 30/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT)

Năm học 2024-2025 là năm học Chương trình giáo dục phổ thông mới (Chương trình giáo dục phổ thông 2018) được triển khai thực hiện trong toàn bậc học phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12 với những thay đổi căn bản từ chương trình định hướng nội dung sang chương trình định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Thông tư số 30/2024/TT-BGDĐT được ban hành với những điểm mới, bổ sung, điều chỉnh so với các Thông tư trước đây để phù hợp với bối cảnh giáo dục, bối cảnh xã hội và Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thời gian qua, Bộ GDĐT cũng ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn về thực hiện hiệu quả quản trị nhà trường, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, thực hiện công tác tuyển sinh đầu cấp và thi tốt nghiệp trung học phổ thông... theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đề ra.

Thông tư số 30 hướng đến mục đích: Không gây áp lực tốn kém cho cha mẹ học sinh, học sinh và xã hội, với tinh thần gọn nhẹ, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, phù hợp với chủ trương chuyển đổi số trong lĩnh vực GDĐT; Thúc đẩy được hoạt động giáo dục toàn diện, chuẩn bị bước đầu cho học sinh những phẩm chất, năng lực để có đủ điều kiện học tập ở cấp học cao hơn hoặc có thể học nghề theo định hướng hướng nghiệp, phân luồng. Ngoài ra, môn thi, phương thức tuyển sinh cũng phải gắn kết được quá trình kiểm tra, đánh giá thường xuyên với kiểm tra, đánh giá định kỳ, phù hợp với xu thế đổi mới; Thông tư bảo đảm thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở cấp vĩ mô, xây dựng được những quy định khung thống nhất trong toàn quốc, đồng thời, thực hiện tốt nguyên tắc phân cấp, phân quyền, rõ thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ GDĐT, các địa phương, các đại học, trường đại học, viện nghiên cứu.

Bên cạnh đó, Bộ GDĐT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 10/CĐ-TTg ngày 07/02/2025 về tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh trung học cơ sở, tuyển sinh trung học phổ thông và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm, ban hành các văn bản theo thẩm quyền đến UBND các tỉnh. Đồng thời, Bộ GDĐT đã ban hành văn bản số 545/BGDĐT-GDTrH ngày 11/2/2025 về việc tăng cường chỉ đạo đối với giáo dục phổ thông, trong đó đã yêu cầu UBND các tỉnh/thành phố “chỉ đạo ngành giáo dục quán triệt các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm chất lượng. Việc ra đề kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ; xét tuyển học sinh đầu cấp (tiểu học, trung học cơ sở) và thi tuyển sinh vào lớp 10 cấp trung học phổ thông phù hợp với yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, không gây áp lực học thêm cho học sinh”.

 

Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng chỉ đạo công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2025-2026 theo Thông tư số 30. (Ảnh: Trung tâm TTSK)

Đến nay, 100% các địa phương, các cơ sở giáo dục đại học có trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông đã ban hành phương án, kế hoạch tuyển sinh năm học 2025-2026. Theo thống kê có 60 tỉnh, thành phố tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10, trong đó có 58 tỉnh lựa chọn môn thi thứ 3 là môn Tiếng Anh; 02 tỉnh (Hà Giang và Bình Thuận) lựa chọn môn thi thứ 3 là Lịch sử và Địa lý; có 03 tỉnh tổ chức xét tuyển học sinh vào trường công lập (Cà Mau, Vĩnh Long, Gia Lai) trong đó có nội dung công bố môn thi thứ 3 và lịch thi đối với tuyển sinh trung học phổ thông và trung học phổ thông chuyên; đa số các Sở GDĐT đã xây dựng và công bố đề thi tham khảo tuyển sinh vào lớp 10 để làm cơ sở, định hướng ôn tập cho học sinh lớp 9.

Công tác tuyển sinh đầu cấp theo Thông tư số 30 đã nhận được sự đồng thuận cao và quan tâm đặc biệt của xã hội, nên được nắm bắt nhanh chóng và được triển khai kịp thời, đáp ứng mong mỏi của xã hội; Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhận thức đầy đủ và rõ ràng hơn về trách nhiệm và tầm quan trọng của công tác tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông. Chính quyền các cấp nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm trong quản lý, chỉ đạo công tác tuyển sinh, đặc biệt là việc xử lý các sự cố bất thường xảy ra trong quá trình tổ chức tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông. Cha mẹ học sinh nhìn nhận rõ vai trò của gia đình trong phối hợp quản lý, tạo điều kiện cho học sinh ôn tập, thi tuyển. Tuy nhiên, một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên chưa hiểu hết quy định, tinh thần của Thông tư số 30, vẫn còn một số ý kiến băn khoăn, lúng túng cho thấy việc tuyên truyền chưa thực sự hiệu quả, kịp thời. Một số Sở GDĐT vẫn hiểu một cách cứng nhắc quy định về tuyển sinh trường trung học phổ thông chuyên và chế độ ưu tiên đối với học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đứng trước tình hình đó, trong thời điểm tuyển sinh đầu cấp năm học 2025-2026 hiện đang sôi động, Bộ GDĐT đã chỉ đạo thực hiện Thông tư số 30 với các định hướng: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh đầu cấp nhằm tháo gỡ những khó khăn trong công tác tuyển sinh, phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những nguy cơ phát sinh tiêu cực, bất cập trong công tác tuyển sinh; Tiếp tục tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác tuyển sinh đầu cấp, thực hiện công tác tuyên truyền về các quy định và tinh thần của Thông tư số 30: Tuyên truyền phân tích rõ quan điểm, mục đích xây dựng Thông tư không chỉ đáp ứng yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 mà còn chú trọng việc không gây áp lực tốn kém cho cha mẹ học sinh, học sinh và xã hội, bảo đảm tinh thần gọn nhẹ, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, bảo đảm nguyên tắc an toàn, khách quan, công bằng và nghiêm túc, thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục trung học cơ sở và bảo đảm mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản; Tăng cường trách nhiệm của ủy ban nhân dân cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Sở GDĐT và các đại học, trường đại học, viện nghiên cứu có trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông trong việc giải trình, xử lý các sự cố bất thường trong quá trình tổ chức tuyển sinh; Phối hợp chặt chẽ với ngành công an để triển khai thực hiện: Tăng cường trong công tác thông tin, tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông theo Công điện số 10/CĐ-TTg ngày 07/02/2025 về tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh trung học cơ sở, tuyển sinh trung học phổ thông và quản lý hoạt động dạy thêm học thêm. Đề xuất tham gia Ban chỉ đạo cấp huyện và Ban chỉ đạo cấp tỉnh, cử thành phần tham gia tổ chức thi tuyển theo quy định tại Điều 13, Thông tư số 30/TT- BGDĐT để đảm bảo an ninh, an toàn tại các khâu trong quá trình tuyển sinh bao gồm: ra đề thi; in sao, vận chuyển đề thi; bảo quản đề thi, bài thi; coi thi và chấm thi, phúc khảo bài thi; phối hợp với ngành giáo dục xử lý những trường hợp bất thường trong quá trình tổ chức tuyển sinh thuộc phạm vi quản lý.

 

Nguyễn Minh

Bạn đang đọc bài viết Tuyển sinh đầu cấp năm 2025: Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

 

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19