Nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng an ninh trong trường học

Giáo dục quốc phòng và an ninh (QPAN) trong trường học là một nội dung quan trọng nhằm trang bị cho học sinh, sinh viên kiến thức, kỹ năng cần thiết. Ngày 26/3/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 666/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hệ thống trung tâm giáo dục QPAN thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quyết định này nhằm nâng cao chất lượng thực hiện môn học QPAN, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Theo Quyết định 666/QĐ-TTg, hệ thống trung tâm giáo dục QPAN sẽ được quy hoạch bài bản nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng kiến thức QPAN cho học sinh, sinh viên trên cả nước. Quyết định này không chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục QPAN mà còn hướng đến sự đồng bộ, hiện đại hóa hệ thống trung tâm đào tạo, đảm bảo mỗi công dân Việt Nam đều được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng quốc phòng ngay từ ghế nhà trường.

Để hiện thực hóa kế hoạch, Bộ Giáo dục và đào tạo (GDĐT) có trách nhiệm chủ trì, phối với với Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo cáp có thẩm quyền bố trí vốn trong kế hoạch trung hạn và hàng năm để thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án liên quan thuộc quy hoạch và dự án xây dựng các trung tâm giáo dục QPAN tại các cơ sở giáo dục thuộc quyền quản lý theo kế hoạch. Bộ GDĐT cũng cần phối hợp với Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành địa phương liên quan báo cáo, đánh giá việc thực hiện quy hoạch phát triển trung tâm giáo dục QPAN trường đại học thuộc quyền, định kỳ hằng năm, 5 năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền. Ngoài ra, Bộ GDĐT cần chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, địa phương liên quan hoàn thiện Thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện môn học giáo dục QPAN cho học sinh, sinh viên; đảm bảo đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục QPAN.

Học sinh trong giờ học môn Giáo dục quốc phòng và an ninh (Nguồn: Sở GDĐT

Bắc Giang)

Trước đó, Bộ GDĐT đã ban hành văn bản số 5986/BGDĐT-GDQPAN về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQPAN) năm học 2024-2025. Theo đó, các đơn vị cần quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về công tác giáo dục QPAN, bao gồm Chỉ thị số 12-CT/TW (2007), Kết luận số 91-KL/TW (2024), Luật giáo dục QPAN (2013), cùng nhiều nghị định liên quan khác. Bộ GDĐT cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giáo dục QPAN, kết hợp với giáo dục chính trị, đạo đức, kỹ năng sống, rèn luyện thể chất và kiến thức pháp luật cho học sinh, sinh viên. Công tác giáo dụ QPAN được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục trong năm học 2024-2025.

Trong những năm qua, Bộ GDĐT cùng các cơ quan liên quan đã thực hiện đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp giảng dạy QPAN. Đối với cấp tiểu học và trung học cơ sở, giáo dục QPAN được lồng ghép theo Thông tư số 08/2024/TT-BGDĐT. Các giáo viên được hướng dẫn lựa chọn nội dung phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương và nhà trường, đảm bảo chất lượng giảng dạy mà không làm ảnh hưởng đến chương trình học. Đối với cấp trung học phổ thông, chương trình GDQPAN được triển khai theo Thông tư số 46/2020/TT-BGDĐT, với các nội dung kiến thức được cập nhật thường xuyên. Sinh viên các trường đại học, cao đẳng cũng được học tập theo Thông tư số 05/2020/TT-BGDĐT, đảm bảo đầy đủ nội dung và thời lượng đào tạo. Tuy nhiên, bên cạnh đó, theo Bộ GDĐT, việc quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác giáo dục QPAN của một số cấp ủy, chính quyền địa phương, sở GDĐT, cơ sở giáo dục đại học chưa sâu, thiếu sự đồng bộ, nội dung còn trùng lặp, chưa sát thực tế, thiếu đội ngũ giáo viên, giảng viên chuyên môn cao…

Quyết định số 666/QĐ-TTg là một bước đi quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục QPAN tại Việt Nam. Việc mở rộng và hiện đại hóa hệ thống trung tâm giáo dục QPAN không chỉ giúp học sinh, sinh viên có điều kiện tiếp cận kiến thức quốc phòng một cách toàn diện mà còn tạo tiền đề để thế hệ trẻ xây dựng tinh thần trách nhiệm đối với đất nước. Để đạt được mục tiêu này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ GDĐT, Bộ Quốc phòng, các cơ sở đào tạo và chính quyền địa phương. Giáo dục QPAN không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà còn là nhiệm vụ chung của toàn xã hội trong việc xây dựng một thế hệ trẻ có đủ kiến thức, kỹ năng và ý chí bảo vệ chủ quyền đất nước.

Hà Giang

Tài liệu tham khảo:

Chính phủ (2025): Quyết định số 666/QĐ-TTg Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045. https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2025/3/666-ttg.signed.pdf

Bạn đang đọc bài viết Nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng an ninh trong trường học tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

 

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19