Thúc đẩy chuyển giao công nghệ ở cơ sở giáo dục đại học trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, việc chuyển giao công nghệ (CGCN) trong các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) đóng vai trò quan trọng trong việc đưa các nghiên cứu khoa học vào thực tiễn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Chuyển giao công nghệ là cầu nối quan trọng giữa nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tế. Đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khi công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và tự động hóa ngày càng phát triển, việc đẩy mạnh CGCN tại các trường đại học càng trở nên cấp thiết. Các chính sách quan trọng như Nghị quyết 57-NQ/TW, Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 (Quyết định 569/QĐ-TTg), Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 và Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động này.

Thực tế triển khai chuyển giao công nghệ tại các cơ sở giáo dục ĐH

Thực tế, nhiều trường ĐH tại Việt Nam đã tích cực triển khai hoạt động chuyển giao công nghệ theo các định hướng chính sách của nhà nước. Hiện nay, các cơ sở giáo dục ĐH có 2 nhiệm vụ chính. Một là, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Hai là, phát triển khoa học công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhiều năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tại các trường ĐH có bước phát triển qua việc thành lập trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm hiện đại; thu hút nhà khoa học trình độ cao; nâng cao chất lượng công bố quốc tế. Cụ thể, tại ĐH Bách Khoa Hà Nội, nhà trường đã thành lập các trung tâm nghiên cứu và phòng thí nghiệm để hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ giữa nhà trường và doanh nghiệp. Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải tập trung chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực giao thông thông minh, giúp nâng cao hiệu quả quản lý giao thông đô thị. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cũng triển khai chuyển giao thiết bị giáo dục khoa học công nghệ cho trường phổ thông, giúp câu lạc bộ khoa học của trường có thêm nhiều thiết bị thiết thực phục vụ cho sáng tạo kỹ thuật. Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đã xây dựng quy trình chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực sinh học- thực phẩm và bước đầu đã cải tiến và ứng dụng thành công các công nghệ được học hỏi từ nước ngoài vào sản xuất, giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Việc triển khai thực tế tại các trường đại học đã phần nào cụ thể hóa các quy định trong luật pháp, giúp thúc đẩy quá trình thương mại hóa và ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất và đời sống.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Hoạt động chuyển giao công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối nghiên cứu khoa học với thực tiễn, tạo động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù đã có những bước tiến đáng kể với sự hỗ trợ của các chính sách và chiến lược quốc gia, nhưng vẫn còn nhiều thách thức về cơ chế, nguồn lực và kết nối với doanh nghiệp cần được giải quyết.

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mạc Thị Thoa - ĐH Bách Khoa Hà Nội cho rằng có 2 yếu tố cản trở việc đưa sản phẩm công nghệ và sáng tạo vào thực tiễn. Thứ nhất là yếu tố bên trong cơ sở giáo dục ĐH. Về cơ chế, chính sách, hiện nay đã có các chính sách quan trọng là Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trong đó nhấn mạnh việc thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đặc biệt là giữa các cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp và trường đại học nhằm tạo ra sản phẩm công nghệ có giá trị cao. Đồng thời, Chiến lược phát triển khoa học kỹ thuật và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 (Quyết định 569/QĐ-TTg) cũng đặt trọng tâm vào việc hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong các trường đại học, nhưng việc triển khai tại các trường đại học vẫn gặp nhiều rào cản do thiếu hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, năng lực cơ sở vật chất và tài chính cũng là thách thức lớn. Nhiều trường gặp khó khăn trong việc huy động vốn đầu tư cho nghiên cứu và thương mại sản phẩm công nghệ. Đội ngũ giảng viên, nhà khoa học chưa được đào tạo chuyên sâu về khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ. Bên cạnh yếu tố bên trong, yếu tố bên ngoài cơ sở giáo dục ĐH cũng được đại diện ĐH Bách Khoa Hà Nội đề cập tới. Các doanh nghiệp chưa sẵn sàng đầu tư cho nghiên cứu khoa học. Doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chủ yếu chỉ khai thác nhân lực, ít chia sẻ/bắt tay chuyển giao. Trong khi đó doanh nghiệp Việt lớn còn hạn chế trong đầu tư công nghệ lõi. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chiếm 98% nhưng chỉ chú trọng vào sản xuất loạt nhỏ. Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017, các điều 33, 36, 40 quy định rõ về hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm công nghệ, nhưng thực tế triển khai còn hạn chế. Một yếu tố khác đó là vấn đề quyền sở hữu trí tuệ. Dù Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2022 đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi, nhưng các cơ sở giáo dục ĐH vẫn chưa chú trọng đến đăng ký sáng chế, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, dẫn đến tình trạng thất thoát công nghệ. Trong khi đó, nền công nghiệp vững mạnh cần tuân thủ sở hữu trí tuệ. Việc tôn trọng tác quyền cũng phản ánh mức độ phát triển của khoa học công nghệ.

Giải pháp thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ trong cơ sở giáo dục ĐH

Để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng vào thực tiễn, theo GS.TS Nguyễn Thanh Thủy – Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, hệ sinh thái viện - trường - doanh nghiệp là rất quan trọng. Đằng sau một trường đại học cần có một tập đoàn lớn để hỗ trợ, khuyến khích hoặc cần có cơ chế hợp lý để thúc đẩy start up. Phải đào tạo ra những thủ lĩnh khoa học, bao gồm các tiến sĩ hàng đầu, sớm ra sản phẩm để giải quyết những vấn đề lớn. Từ thực tiễn triển khai, các trường ĐH cũng đề ra các giải pháp cụ thể như: thành lập các quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo; triển khai mô hình phòng thí nghiệp hợp tác với doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động đăng ký sáng chế, cấp bằng sở hữu trí tuệ nhằm bảo vệ kết quả nghiên cứu và tăng khả năng thương mại hóa sản phẩm công nghệ.

Phát biểu tại Hội thảo khoa học hoạt động chuyển giao công nghệ trong các cơ sở giáo dục ĐH nhằm tạo ra sản phẩm công nghệ ưu tiên trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Thực trạng và giải pháp, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho rằng: “Các cơ sở giáo dục ĐH không chỉ tạo ra những tri thức mới, đóng góp vào kho tri thức của nhân loại, mà còn ứng dụng vào thực hiện trong thực tiễn, phục vụ sự phát triển của đất nước. Các cơ sở giáo dục ĐH cũng cần chuẩn bị rốt ráo ngay từ bây giờ, nâng cao năng lực quản trị, quản lý, tiếp thu nhanh chóng các thành tựu của thế giới, xây dựng nền tảng đặc thù nhằm triển khai các kết quả nghiên cứu và ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn”.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại Hội thảo khoa học hoạt động chuyển giao công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học nhằm tạo ra sản phẩm công nghệ ưu tiên trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Thực trạng và giải pháp (Nguồn: Bộ Giáo dục và đào tạo)

Việc hợp tác doanh nghiệp, hợp tác giữa các cơ sở giáo dục ĐH là nhu cầu hợp lực trong đào tạo nhân lực và nghiên cứu khoa học. Ngoài việc đẩy mạnh hợp tác, nhiều trường ĐH cũng đề cập tới vấn đề thể chế hóa và hoàn thiện cơ chế chính sách đặc thù. Điều này sẽ tạo điều kiện pháp lý thuận lợi cho việc thành lập các công ty công nghệ, viện nghiên cứu công – tư cho mục tiêu phát triển công nghệ và ứng dụng từ trường ĐH. Các loại hình công ty hay viện nghiên cứu này có vai trò huy động vốn đầu tư từ khối doanh nghiệp bên ngoài hay các nhà đầu tư để tăng thu hút tài chính cho hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo của cơ sở giáo dục ĐH.

Thực tiễn triển khai tại các trường ĐH đã cho thấy những kết quả khả quan, đặc biệt trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, giao thông thông minh, xây dựng, và vật liệu tiên tiến. Các mô hình hợp tác với doanh nghiệp, thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ và đầu tư vào các trung tâm nghiên cứu đã mang lại nhiều giá trị thực tiễn. Để nâng cao hiệu quả chuyển giao công nghệ, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường đầu tư tài chính, thúc đẩy hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, cũng như đẩy mạnh bảo hộ sở hữu trí tuệ. Chỉ khi thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, các cơ sở giáo dục ĐH mới có thể trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế tri thức trong thời đại số.

Hà Giang

Bạn đang đọc bài viết Thúc đẩy chuyển giao công nghệ ở cơ sở giáo dục đại học trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn
Tin mới

 

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19