Thi thử, làm quen với định dạng đề thi
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có điểm khác biệt quan trọng là tập trung đánh giá năng lực người học thay vì chỉ đánh giá kiến thức và kỹ năng như những kỳ thi trước. Theo quy định mới, thí sinh sẽ thi bắt buộc 2 môn Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ). Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi, Bộ Giáo dục và đào tạo (GDĐT) đã tham mưu để Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 37/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 7/10/2024 về tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2025. Đây là lần đầu tiên Thủ tướng có Chỉ thị về thi ngay từ đầu năm học. Kế hoạch tổ chức kỳ thi, Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã được ban hành sớm hơn 4 tháng so với những năm trước.
Bộ GDĐT đã triển khai tập huấn giáo viên trên toàn quốc nhằm đảm bảo công tác ra đề thi phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đáng chú ý, tháng 10/2024, Bộ GDĐT đã công bố 18 đề thi tham khảo với cấu trúc và định dạng bám sát yêu cầu đổi mới. Việc công bố đề tham khảo sớm giúp học sinh có thời gian làm quen với cấu trúc đề thi, xác định năng lực của mình, từ đó có kế hoạch học tập phù hợp. Đồng thời, đây cũng là căn cứ quan trọng để các Sở GDĐT, nhà trường điều chỉnh chương trình giảng dạy và bổ sung nội dung ôn tập phù hợp với thực tế.
Với tầm quan trọng của kỳ thi, công tác chuẩn bị cho kỳ thi cũng được các sở GDĐT, các nhà trường quan tâm, triển khai từ sớm. Sở GDĐT Hà Nội đã lên kế hoạch kiểm tra khảo sát chất lượng học sinh lớp 11 và 12, năm học 2024-2025. Cấu trúc đề kiểm tra được thực hiện theo quy định về cấu trúc định dạng đề thi kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Nội dung kiểm tra bám sát chương trình giáo dục phổ thông hiện hành cấp THPT. Được biết, đây là năm thứ hai Sở GDĐT Hà Nội tổ chức khảo sát chất lượng cho học sinh lớp 11. Hàng năm, Hà Nội đều tổ chức hoạt động này nhưng áp dụng cho học sinh lớp 12. Trước đó, Hà Nội đặt mục tiêu tiếp tục “nâng hạng’’ tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Năm 2024, tỷ lệ tốt nghiệp khối THPT của Hà Nội đạt 99,85%; tăng 0,1% so với năm 2023. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp khối giáo dục thường xuyên đạt 99,12%, tăng 0,82% so với năm 2023. Sở GDĐT Hà Nội đề nghị các nhà trường xây dựng kế hoạch ôn tập cụ thể, sát với yêu cầu thực tiễn, quan tâm và có giải pháp phù hợp với những môn thi có số lượng học sinh đăng ký không nhiều; đẩy mạnh thực hiện cá biệt hóa quá trình ôn tập, bảo đảm không để bất kì học sinh nào bị bỏ lại phía sau. Sở cũng lưu ý các đơn vị phát huy cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm; có giải pháp, cơ chế động viên, khuyến khích giáo viên chủ nhiệm tích cực phối hợp cùng giáo viên bộ môn trong quá trình tổ chức ôn tập của học sinh.
Học sinh chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (Nguồn: Sở GDĐT Bắc Giang)
Tại Bắc Giang, ngay sau khi Bộ GDĐT công bố đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, lãnh đạo sở GDĐT Bắc Giang cũng có văn bản số 2033/SGDĐT-GDTrH,GDTX về việc hướng dẫn ôn tập theo định hướng đề thi tham khảo tốt nghiệp THPT năm 2025 của Bộ GDĐT, yêu cầu các nhà trường triển khai, thực hiện phổ biến, đăng tải trên website của đơn vị đề tham khảo kỳ thi. Yêu cầu các tổ chuyên môn, nhóm chuyên môn, giáo viên các bộ môn có đề thi tham khảo nghiên cứu cấu trúc, định dạng, phân bổ nội dung, mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng của đề thi. Trên cơ sở phân tích chi tiết đề thi chỉ đạo tổ chuyên môn, nhóm chuyên môn, giáo viên so sánh với các phân tích tại cơ sở giáo dục, cùng với yêu cầu về phát triển phẩm chất, năng lực người học của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, từ đó điều chỉnh kế hoạch dạy học, nội dung dạy học, hệ thống câu hỏi, bài tập, đề thi thử. Phân tách nhỏ từng nhóm đối tượng học sinh để tổ chức hướng dẫn ôn tập khoa học, thiết thực, hiệu quả, phát huy tính tự học và sáng tạo của học sinh. Bên cạnh đó, yêu cầu các nhà trường chỉ đạo tổ, nhóm chuyên môn xây dựng mỗi môn 1 đề thi theo cấu trúc, định dạng đề thi tham khảo của Bộ GDĐT...
Tại TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở GDĐT Nguyễn Văn Hiếu chỉ đạo các trường THPT triển khai kế hoạch ôn tập thi tốt nghiệp THPT đúng quy định, đảm bảo không kéo dài quá 3 tuần sau khi kết thúc năm học, đồng thời thực hiện công khai, minh bạch kế hoạch ôn tập...
Chú trọng nâng cao khả năng tự học
Việc địa phương có những chỉ đạo kịp thời không chỉ giúp nhà trường và giáo viên chủ động kế hoạch ôn tập mà còn tạo tâm lý ổn định cho học sinh và phụ huynh trước kỳ thi quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh thi cử có nhiều đổi mới, hoạt động dạy thêm, học thêm được quản lý theo thông tư 29. Trong báo cáo sau 1 tháng thực hiện Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm, Bộ GDĐT có đề ra giải pháp đưa việc tự học trở thành mục tiêu thi đua, đánh giá trong năm học. Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục yêu cầu các cơ sở giáo dục đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá theo hướng hình thành phẩm chất, năng lực người học. Việc ra đề kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ, xét tuyển đầu cấp, thi tuyển sinh vào lớp 10… phù hợp với yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, không gây áp lực học thêm cho học sinh. Các trường cần thực hiện khảo sát, phân loại trình độ học sinh (mức độ đạt được) để có phương án xếp lớp, xếp giáo viên phụ trách theo đối tượng để tổ chức ôn tập, bồi dưỡng cho những học sinh có kết quả học tập ở mức chưa đạt phù hợp; không tổ chức ôn tập tràn lan, không đúng đối tượng, không hiệu quả, gây lãng phí; xây dựng mô hình hỗ trợ học tập trong các nhà trường dưới sự hướng dẫn của các thầy cô giáo; tổ chức cho học sinh tự học buổi 2 để tăng cường năng lực tự học, tự nghiên cứu trên cơ sở hướng dẫn của giáo viên.
Năng lực tự học là một trong những năng lực cốt lõi cần được hình thành và phát triển ở học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Học sinh được phát huy tính chủ động, sáng tạo, giáo viên đóng vai trò là người tổ chức, kiểm tra, định hướng; hình thức tổ chức dạy học được đa dạng hóa, ứng dụng công nghệ tiên tiến. Tại các chương trình tư vấn tuyển sinh, nhiều học sinh, phụ huynh bày tỏ lo ngại về việc nhà trường không dạy thêm, học sinh không tự ôn tập dẫn đến giảm hiệu quả tiếp thu kiến thức. Chia sẻ về vấn đề này, đại diện Bộ GDĐT nhấn mạnh học sinh nên chủ động tự học và xây dựng kế hoạch học tập. Nếu ngày nào cũng đến trường, chờ thầy cô dạy, đưa phiếu học tập, lời giải, làm xong chờ thầy cô chữa mới tin là mình đúng thì sẽ khó có được sự tự tin. Các em cần nhìn lại, thống kê các dạng bài giống và khác nhau, các công thức cần dùng để giải bài tập. Hãy ghi nhớ các dạng bài tập thay vì phải ghi nhớ hàng trăm bài sẽ giúp các em đạt kết quả tốt trong kỳ thi.
Như vậy, để thích ứng tốt với kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, các trường học, giáo viên và học sinh cần thay đổi tư duy dạy – học theo hướng phát huy tính chủ động, sáng tạo. Bên cạnh việc tổ chức thi thử, ôn tập có chiến lược, việc khuyến khích học sinh nâng cao năng lực tự học sẽ giúp học sinh không chỉ vượt qua kỳ thi mà còn có được nền tảng kiến thức vững chắc cho tương lai.
Hà Giang
Tài liệu tham khảo:
Sở GDĐT Bắc Giang (2024): Văn bản số 2033/SGDĐT-GDTrH,GDTX về việc hướng dẫn ôn tập theo định hướng đề thi tham khảo tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 của Bộ Giáo dục và đào tạo. https://sgd.bacgiang.gov.vn/documents/21471/23001474/120241104095835.pdf/a2d59cd9-9cf5-4898-895f-b75ca24e6e19
Sở GDĐT Hà Nội (2024): Hà Nội đặt mục tiêu tiếp tục “nâng hạng” tại kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025. https://hanoi.edu.vn/tin-tuc-su-kien/ha-noi-dat-muc-tieu-tiep-tuc-nang-hang-tai-ky-thi-tot-nghiep-thpt-2025/ctmb/525/15929