Việc ứng dụng AI vào giảng dạy là xu hướng tất yếu. Tại tọa đàm “Tầm nhìn, định hướng tương lai cho giáo dục trong kỷ nguyên AI” diễn ra vào sáng 20/3, các chuyên gia và Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo (GDĐT) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của AI trong giáo dục. Theo đó, AI tăng cường cơ hội tiếp cận giáo dục, thúc đẩy giáo dục cá nhân hóa, nâng cao tinh thần tự học, đổi mới và nâng cao hiệu quả giảng dạy, tạo dựng thói quen học tập suốt đời. AI tác động toàn diện tới 3 trụ cột giáo dục là chương tình học, quá trình dạy và học, kiểm tra đánh giá. Cụ thể, AI hỗ trợ cho giáo viên và cán bộ quản lý trong quá trình dạy học như hỗ trợ xây dựng kế hoạch bài giảng, xây dựng tài liệu phục vụ giảng dạy, thiết kế bài kiểm tra, chấm điểm, phân tích kết quả, hỗ trợ cá nhân hoá phản hồi cho người học. Ngoài ra, việc ứng dụng công cụ AI trong dạy, học và quản trị sẽ nâng cao chất lượng học tập của học sinh, phát triển tư duy phản biện và sáng tạo, tăng cường sự công bằng trong giáo dục, sử dụng AI trong đánh giá để đảm bảo công bằng và nâng cao chất lượng, cải thiện chất lượng bài giảng và phương pháp giảng dạy, quản trị giáo dục thông minh bằng AI.
Giờ học Tiếng Anh trong phòng học thông minh của học sinh (Nguồn: Sở GDĐT Hà Nội)
Bên cạnh những cơ hội, việc đưa AI vào giáo dục cũng đặt ra thách thức như gia tăng khoảng cách số, các vấn đề đạo đức trong AI, bảo mật dữ liệu, tính chính xác và khách quan của nội dung và sự phụ thuộc vào công nghệ. Để khắc phục những khó khăn này, Bộ GDĐT đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Ngày 25/12/2024, Bộ GDĐT đã ban hành Quyết định số 4153/ QĐ-BGDĐT về Kế hoạch tăng cường Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số (CĐS) năm 2025. Kế hoạch xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và đôn đốc phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện, nhằm tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số của Bộ GDĐT năm 2025, trong đó khuyến khích tích hợp AI vào quá trình giảng dạy và học tập. Trước đó, Chính phủ ban hành Quyết định số 131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030", ngày 25/1/2022 nhằm tạo hành lang chính sách, đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để triển khai ứng dụng CNTT và CĐS trong ngành Giáo dục. Đồng thời, Bộ GDĐT đã Ban hành bộ tiêu chí đánh giá ứng dụng CNTT và chuyển đổi số cho các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, bộ tiêu chí đánh giá ứng dụng CNTT và chuyển đổi số cho các cơ sở giáo dục đại học. Qua đó, nhằm thúc đẩy CĐS trong các cơ sở giáo dục, giúp cơ quan quản lý đánh giá thực trạng triển khai ứng dụng CNTT và CĐS; đồng thời, có các biện pháp quản lý, đầu tư cho ứng dụng CNTT và CĐS có hiệu quả. Bên cạnh đó, hàng năm, Bộ GDĐT đều có văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục triển khai nhiệm vụ ứng dụng CNTT và CĐS để phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ năm học của ngành giáo dục.
Việc ứng dụng AI trong giáo dục đang được nhiều địa phương triển khai. Năm học 2024-2025, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và định hướng học sinh về trí tuệ nhân tạo, tham gia kiểm tra trình độ tiếng Anh, tin học theo chuẩn quốc tế. Tại Hà Nam, việc ứng dụng AI đã góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao hiệu quả bài giảng và khuyến khích tư duy sáng tạo của học sinh. Hà Nội cũng thực hiện thí điểm mô hình giáo dục thông minh sử dụng trí tuệ nhân tạo tại một số trường học. Sau khi thử nghiệm thành công, dự kiến mô hình giáo dục này sẽ được nhân rộng tại Hà Nội. Những bước tiến này cho thấy việc ứng dụng AI trong giáo dục đang được quan tâm và triển khai rộng rãi trên cả nước nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.
Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đều khẳng định đột phá phải bằng khoa học, công nghệ, bằng chuyển đổi số, sáng tạo, bằng tập trung cho con người, đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý và hướng tới học sinh. Bộ GDĐT cũng nhận định đây là bối cảnh thuận lợi để đưa AI vào giáo dục phổ thông. Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GDĐT nhấn mạnh các từ khóa: Không giới hạn, cơ hội, thách thức, hành động quyết liệt, phù hợp. AI không chỉ là một công cụ hỗ trợ mà còn là yếu tố thay đổi nền giáo dục trong tương lai, yêu cầu sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý, trường học và doanh nghiệp công nghệ.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin đang thay đổi cách dạy và học, mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức. Để tận dụng tối đa lợi ích của AI trong giáo dục, cần có sự hợp tác giữa các nhà trường, giáo viên, học sinh và các chuyên gia công nghệ. AI là xu hướng tất yếu của giáo dục trong thời đại số hóa. Nếu được ứng dụng một cách hợp lý, AI sẽ là một công cụ mạnh mẽ giúp nâng cao chất lượng giáo dục trong tương lai.
Hà Giang
Tài liệu tham khảo:
Bộ GDĐT (2025): Đưa AI vào giáo dục nhanh hơn, mạnh mẽ hơn. https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=10390