Theo Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh ngành Cao đẳng Mầm non, Bộ GDĐT dự kiến quy định chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo. Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất từ Vụ Giáo dục đại học, Bộ GDĐT, một trong những điểm mới của tuyển sinh đại học năm nay đó là không còn xét tuyển sớm và tất cả tuân theo quy trình xét tuyển chung. Riêng xét tuyển thẳng, được thực hiện theo đúng quy chế của Bộ GDĐT.
Học sinh ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông (Nguồn: Sở GDĐT Bắc Giang)
Nhiều năm qua, công tác tuyển sinh đại học, tuyển sinh ngành Cao đẳng Mầm non đã có nhiều đổi mới theo hướng đảm bảo quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, dư luận xã hội và báo chí nhiều lần đề cập băn khoăn với việc cơ sở đào tạo sử dụng nhiều phương thức, tổ hợp môn xét tuyển đối với cùng một chương trình, ngành đào tạo, trong đó có việc một số cơ sở đào tạo dành quá nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm, hay việc quy định điểm cộng quá lớn cho các chứng chỉ ngoại ngữ. Các cơ sở giáo dục thực hiện nhiều đợt tuyển sinh như xét học bạ, xét chứng chỉ quốc tế, xét điểm thi đánh giá năng lực, tư duy… Các đợt xét tuyển này thường diễn ra trước kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT). Các trường công bố điểm chuẩn, kết quả xét tuyển từ sớm, nhiều trường công bố trước khi kỳ thi tốt nghiệp diễn ra nên được gọi chung là xét tuyển sớm. Điều này dẫn dến việc thí sinh biết trước kết quả xét tuyển đại học sẽ có tâm lý xao nhãng việc học tập các môn phục vụ kỳ thi tốt nghiệp. Trong khi đó các trường chỉ yên tâm số lượng thí sinh xét tuyển vào trường mình, số còn lại tuyển theo các phương thức khác rất ít. Từ đây bắt đầu xuất hiện những vấn đề như chênh lệch điểm trúng tuyển một cách bất hợp lý giữa các phương thức, tổ hợp môn xét tuyển, đồng thời đẩy điểm chuẩn của phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT lên rất cao do chỉ tiêu dành cho phương thức này không còn nhiều. Điều này gây bất công bằng về cơ hội cho những thí sinh không có điều kiện tiếp cận nhiều phương thức xét tuyển. Từ đó tạo ra sự bất công bằng giữa các thí sinh trong việc lựa chọn vào các trường đại học tốt. Xét tuyển sớm cũng mang đến gánh nặng về nguồn lực đối với các nhà trường, đồng thời cũng là gánh nặng đối với thí sinh khi học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp 12 đã phải vất vả nộp hồ sơ nhiều nơi. Trong khi đó, Bộ GDĐT đã có một hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung với đầy đủ cơ sở dữ liệu, quy trình trực tuyến hoàn toàn thuận lợi cho cả thí sinh và các trường.
Như vậy, nếu bỏ xét tuyển sớm, các trường vẫn có thể dùng các phương thức khác nhau để xét tuyển nhưng phải đảm bảo điểm chuẩn chung đợt với thời điểm xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Đại diện Bộ GDĐT cũng nhấn mạnh, khái niệm sớm ở đây là về mặt thời gian nhận hồ sơ xét tuyển, có nghĩa là bỏ xét tuyển sớm còn phương thức tuyển sinh của tường đại học không thay đổi. Ví dụ trước đây, một số trường sử dụng phương thức xét học bạ, xét chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển sớm, các trường vẫn sử dụng các phương thức này nhưng thời gian xét tuyển được lùi về thời điểm xét tuyển chung của bộ GDĐT. Việc bỏ xét tuyển sớm nhằm đảm bảo công bằng giữa các thí sinh, giúp các em tăng khả năng trúng tuyển vào đại học theo đúng nguyện vọng và năng lực. Theo Bộ GDĐT, bỏ xét tuyển sớm không ảnh hưởng đến thí sinh và các trường. Thay vì biết kết quả trúng tuyển từ tháng 3, tháng 4 năm nay, khi tất cả nguyện vọng của thí sinh đăng ký lên hệ thống cùng với cơ sở dữ liệu, hệ thống lọc ảo chung chạy và cho ra kết quả đúng với nguyện vọng của thí sinh đăng ký lên hệ thống cùng với cơ sở dữ liệu, năng lực cao nhất của thí sinh. Tức là năm nay, trừ những thí sinh được tuyển thẳng theo quy chế (thí sinh đạt giải quốc gia, quốc tế), còn lại, sau khi Bộ GDĐT lọc ảo, thí sinh mới biết kết quả tuyển sinh đại học.
Trước đó, ngày 6/12/2024, Bộ GDĐT đã tổ chức Tọa đàm về Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 với sự tham gia của lãnh đạo nhiều trường đại học. Trong đó, một số trường đại học đề nghị bỏ xét tuyển sớm để tránh lãng phí nguồn lực và thời gian cho cả các trường và thí sinh. Việc bỏ đợt xét tuyển sớm cũng giúp kết quả thi tốt nghiệp THPT phản ánh đúng hơn chất lượng dạy và học ở bậc phổ thông, khi học sinh giữ được quyết tâm tập trung vào kỳ thi.
Hà Giang
Tài liệu tham khảo:
Bộ GDĐT (2024): Sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh đại học: Đảm bảo công bằng cho tất cả thí sinh. https://moet.gov.vn/giaoducquocdan/giao-duc-dai-hoc/Pages/default.aspx?ItemID=10052
Bộ GDĐT (2024): Tọa đàm về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh đại học. https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=10104