Bối cảnh giáo dục STEM tại Việt Nam: Sự phát triển, thách thức và đề xuất chính sách can thiệp

Với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, nghiên cứu này đóng góp như một tài liệu tham khảo hữu ích thông qua việc đánh giá sự phát triển của giáo dục STEM tại Việt Nam, phân tích một số thách thức và đề xuất các giải pháp chiến lược để thúc đẩy giáo dục STEM.

Nhằm đánh giá tình hình giáo dục STEM tại Việt Nam, nghiên cứu này áp dụng phương pháp phân tích tài liệu và so sánh. Nghiên cứu thu thập và phân tích thông tin từ các cơ sở dữ liệu học thuật như Scopus, Web of Science, ERIC và Education Source, từ đó so sánh giáo dục STEM tại Việt Nam với các quốc gia trong khu vực ASEAN. Phương pháp này cho phép rút ra các kết luận về tình hình thực tế và những bài học kinh nghiệm có thể áp dụng vào bối cảnh giáo dục STEM tại Việt Nam. Phương pháp này bao gồm: (1) Phân tích tài liệu (Document Analysis): Nghiên cứu thu thập các bài báo, nghiên cứu và báo cáo liên quan đến giáo dục STEM tại Việt Nam và các quốc gia ASEAN khác. Dựa trên những tài liệu này, nghiên cứu đánh giá và xác định các xu hướng, vấn đề và cơ hội trong giáo dục STEM tại Việt Nam; (2) So sánh quốc tế (Comparative Analysis): Nghiên cứu so sánh các sáng kiến giáo dục STEM giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực, như Singapore, Trung Quốc, Malaysia để rút ra những bài học kinh nghiệm và các mô hình giáo dục hiệu quả có thể áp dụng cho Việt Nam; (3) Đánh giá chính sách (Policy Analysis): Nghiên cứu cũng thực hiện việc phân tích các chính sách giáo dục STEM của chính phủ Việt Nam và so sánh với các chính sách của các quốc gia khác để xác định điểm mạnh và hạn chế trong các chiến lược phát triển giáo dục STEM.

Sự phát triển của giáo dục STEM tại Việt Nam

Nghiên cứu cho thấy, sự phát triển giáo dục STEM tại Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể từ khoảng năm 2015. Các chính sách giáo dục đã bắt đầu đưa STEM vào các chương trình giáo dục từ cấp tiểu học đến đại học thông qua các hoạt động ngoại khóa. Các trường tiểu học chú trọng vào việc tạo nền tảng cho học sinh với các hoạt động học tương tác để phát triển các kĩ năng STEM cơ bản. Ở cấp trung học, việc học theo dự án và hợp tác được khuyến khích, trong khi các trường đại học cung cấp các chương trình chuyên sâu về STEM để đáp ứng nhu cầu ngành nghề. Tuy nhiên, việc tích hợp STEM vào chương trình giảng dạy chính thức vẫn còn hạn chế và quá trình này cần được phát triển thêm để có tính liên tục và toàn diện hơn.

Thách thức trong việc phát triển giáo dục STEM

Dù đã có những bước tiến, giáo dục STEM tại Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm: (1) Thiếu sự tích hợp hệ thống vào chương trình giảng dạy: STEM chủ yếu được tổ chức qua các hoạt động ngoại khóa và không được tích hợp đầy đủ vào các môn học chính thức. Điều này làm giảm tính liên kết và liên tục trong việc tiếp cận các môn học STEM; (2) Thiếu năng lực giảng dạy: Giáo viên STEM tại Việt Nam chưa được đào tạo bài bản và đầy đủ để áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy và khả năng phát triển tư duy sáng tạo của học sinh; (3) Thiếu tài nguyên và cơ sở vật chất: Các trường học, đặc biệt ở các khu vực nông thôn, thiếu trang thiết bị hiện đại và cơ sở hạ tầng cần thiết để triển khai các hoạt động STEM, dẫn đến hạn chế trong việc cung cấp môi trường học tập lí tưởng cho học sinh; (4) Bất bình đẳng giới: Còn tồn tại sự phân biệt giới trong các ngành STEM, khiến nữ giới ít tham gia vào các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán học. Điều này tạo ra sự thiếu hụt về nguồn nhân lực và cơ hội phát triển trong các ngành này.

Chính sách can thiệp

Để giải quyết các thách thức trên, nghiên cứu đề xuất một số chính sách can thiệp quan trọng, cụ thể: (1) Tích hợp STEM vào chương trình giảng dạy chính thức: Chính phủ cần thực hiện các cải cách để đưa STEM vào các môn học chính thức, từ tiểu học đến đại học, nhằm tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận liên tục và toàn diện với các môn học STEM; (2) Đào tạo và phát triển giáo viên: Chính sách cần tập trung vào việc đào tạo và nâng cao năng lực giảng dạy cho giáo viên STEM thông qua các khóa đào tạo chuyên sâu, hội thảo và các chương trình phát triển nghề nghiệp liên tục.; (3) Đầu tư vào cơ sở vật chất: Chính phủ và các tổ chức cần đầu tư vào các phòng thí nghiệm hiện đại, thiết bị công nghệ cao và cơ sở hạ tầng giáo dục để tạo ra môi trường học tập tốt hơn, đặc biệt là ở các vùng nông thôn; (4) Khuyến khích sự tham gia của nữ giới: Chính sách cần thúc đẩy sự tham gia của nữ sinh vào các ngành STEM thông qua các chương trình cố vấn, học bổng và các chiến dịch truyền thông nhằm thay đổi nhận thức xã hội về vai trò của phụ nữ trong khoa học và công nghệ.

Nguồn: Pinterest.com

Thông qua nghiên cứu này, chúngg ta có thể thấy một bức tranh về giáo dục STEM tại Việt Nam với những bước phát triển nhất định, nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Việc tích hợp STEM vào chương trình giảng dạy chính thức, đào tạo giáo viên, đầu tư vào cơ sở vật chất và thúc đẩy sự tham gia của nữ giới là các chính sách can thiệp quan trọng giúp phát triển giáo dục STEM bền vững, góp phần vào sự phát triển kinh tế và công nghệ của quốc gia.

Khánh Linh lược dịch

Nguồn:

Nguyen, P. L. (2024). Vietnam’s STEM Education Landscape: Evolution, Challenges, and Policy Interventions. Vietnam Journal of Education, 8(2), 177-189. https://doi.org/10.52296/vje.2024.389

 

Bạn đang đọc bài viết Bối cảnh giáo dục STEM tại Việt Nam: Sự phát triển, thách thức và đề xuất chính sách can thiệp tại chuyên mục Khoa học giáo dục và xã hội của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn
Tin mới