Trong bối cảnh giáo dục ngày nay, việc tích hợp công nghệ vào giảng dạy và học tập ngày càng trở nên quan trọng và cần thiết. Học tập qua thiết bị di động (M-learning) là một trong những phương pháp giáo dục hiện đại, sử dụng thiết bị di động như điện thoại thông minh và máy tính bảng,… để hỗ trợ quá trình học tập. Tại Việt Nam, đặc biệt là ở các trường trung học phổ thông, M-learning đang được triển khai nhằm tạo ra một môi trường học tập linh hoạt, thuận tiện và hiệu quả hơn cho học sinh. Tuy nhiên, việc áp dụng M-learning trong các lớp học không chỉ đem lại những lợi ích rõ rệt mà còn đặt ra những thách thức đáng kể đối với cả giáo viên và học sinh. Nghiên cứu này thực hiện khảo sát và phân tích cách các giáo viên và học sinh nhận thức về việc áp dụng M-learning trong lớp học với mục tiêu làm rõ những cơ hội, thách thức và các biện pháp tối ưu hóa việc triển khai công nghệ này thông qua sử dụng mô hình FRAME (Framework for the Rational Analysis of Mobile Education) nhằm phân tích một cách có hệ thống các yếu tố cần thiết để M-learning có thể phát huy tối đa hiệu quả trong môi trường giáo dục.
Mô hình FRAME do Koole (2009) phát triển là một công cụ lí thuyết hữu ích trong việc nghiên cứu học tập qua thiết bị di động. Mô hình này kết hợp ba yếu tố chính: thiết bị di động (D), năng lực người học (L), tương tác xã hội (S). Mỗi yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa việc triển khai M-learning. Mô hình FRAME chỉ ra rằng, việc học không chỉ là quá trình thu nhận kiến thức đơn thuần mà còn là sự giao tiếp, hợp tác và trao đổi thông tin. Việc học sinh có thể làm việc nhóm và giao tiếp trực tiếp với giáo viên qua các nền tảng học trực tuyến sẽ nâng cao sự hiểu biết và khả năng hợp tác trong học tập.
Mô hình FRAME không chỉ phân tích từng yếu tố riêng lẻ mà còn nhìn nhận mối quan hệ giữa các yếu tố này, từ đó chỉ ra các cơ hội và thách thức khi triển khai M-learning. Việc áp dụng M-learning mở ra nhiều cơ hội cho giáo dục trongcác trường trung học phổ thông tại Việt Nam. Một trong những lợi ích rõ rệt là việc cung cấp phản hồi tức thì và giảm thiểu thời gian chấm bài cho giáo viên, giúp quá trình giảng dạy trở nên hiệu quả hơn. Ngoài ra, học sinh có thể tiếp cận các tài liệu học tập luôn được cập nhật. Những công cụ như ứng dụng Quizlet hay Kahoot! giúp học sinh tham gia vào các hoạt động học tập thú vị, đồng thời phát triển khả năng tìm kiếm thông tin và tư duy sáng tạo. Hơn nữa, M-learning cũng giúp học sinh phát triển các kĩ năng quan trọng như: tư duy phản biện, khả năng làm việc nhóm,... Qua việc sử dụng các thiết bị di động, học sinh có thể tự học và tìm kiếm thêm thông tin, đồng thời tham gia vào các hoạt động học tập cộng tác.
Nguồn: Pixabay.com
Tuy nhiên, việc triển khai M-learning trong các lớp học ở Việt Nam cũng gặp phải không ít thách thức, như: Cơ sở hạ tầng Internet kém; Sự thích nghe với công nghệ của một bộ phận giáo viên, đặc biệt là những người lớn tuổi; Thiếu sự đào tạo bài bản về cách tích hợp công nghệ vào giảng dạy khiến nhiều giáo viên không tự tin khi sử dụng thiết bị di động trong lớp học. Bên cạnh đó, học sinh cũng dễ bị xao nhãng bởi các ứng dụng giải trí trên điện thoại, làm giảm hiệu quả học tập.
Để giải quyết những thách thức này, các cơ quan và nhà trường cần cung cấp hướng dẫn rõ ràng và nhất quán về việc triển khai M-learning. Đồng thời, cần tổ chức các khóa đào tạo cho giáo viên về cách sử dụng công nghệ trong giảng dạy. Các trường học cũng cần cải thiện cơ sở hạ tầng Internet và cung cấp thiết bị di động cho những học sinh không có khả năng tự trang bị. Ngoài ra, giáo viên có thể sử dụng các phương pháp giảng dạy sáng tạo như Gamification và Học tập theo dự án để tăng cường sự tham gia của học sinh và giảm thiểu sự xao nhãng. Việc phát triển sự tự giác và kỉ luật cho học sinh trong việc sử dụng thiết bị di động cũng là yếu tố quan trọng giúp M-learning đạt hiệu quả cao hơn.
Tóm lại, mặc dù việc triển khai M-learning trong các trường trung học phổ thông tại Việt Nam đối mặt với không ít thách thức, nhưng nếu có sự quan tâm và hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức giáo dục và nhà trường cũng như giáo viên và học sinh, M-learning có thể trở thành một công cụ mạnh mẽ giúp nâng cao chất lượng giáo dục. Các giải pháp như cải thiện cơ sở hạ tầng, đào tạo giáo viên, áp dụng các phương pháp giảng dạy sáng tạo và phát triển sự tự giác của học sinh sẽ tạo ra môi trường học tập hiệu quả và đáp ứng nhu cầu học tập trong bối cảnh số hiện nay.
Khánh Linh lược dịch
Nguồn:
Nguyen, B. T., & Chen, Y.-J. (2024). A FRAME Model-based Investigation into the Implementation of M-Learning in Classrooms from the Perspectives of Vietnamese High School Teachers and Students in Southern Vietnam. Vietnam Journal of Education, 8(3), 228-242. https://doi.org/10.52296/vje.2024.403