Thách thức và nguyên nhân ảnh hưởng đến trải nghiệm thực tập của sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ Anh ở Việt Nam

Thực tập là một phần quan trọng trong Chương trình đào tạo đại học, giúp sinh viên áp dụng lý thuyết vào thực tế và phát triển kỹ năng nghề nghiệp. Tuy nhiên, sinh viên chuyên ngành tiếng Anh thường có trải nghiệm thực tập khác biệt và gặp nhiều thách thức do tính chất chuyên ngành của họ.

Thực tập là cơ hội quan trọng để sinh viên tích lũy kinh nghiệm và phát triển kỹ năng chuyên môn trong môi trường làm việc thực tế. Dù vậy, sinh viên chuyên ngành tiếng Anh ở Việt Nam thường không được đào tạo để làm việc trong một lĩnh vực cụ thể như sinh viên các chuyên ngành khác khiến bản thân họ gặp khó khăn trong việc thích nghi với môi trường làm việc. Các yếu tố ảnh hưởng đến trải nghiệm thực tập có thể chia thành ba nhóm chính: (1) yếu tố liên quan đến sinh viên; (2) yếu tố liên quan đến nhà trường; (3) yếu tố liên quan đến nơi thực tập.

Nghiên cứu được thực hiện theo phương pháp hỗn hợp với dữ liệu thu thập từ 222 sinh viên chuyên ngành tiếng Anh/ngôn ngữ học. Sinh viên được yêu cầu trả lời một câu hỏi mở về những khía cạnh khiến họ không hài lòng với chương trình thực tập, bản thân, đơn vị thực tập hoặc sự hỗ trợ từ trường đại học. Dữ liệu thu thập được phân tích định tính để xác định các nguyên nhân chính gây ra sự không hài lòng. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 88 sinh viên không gặp bất kỳ vấn đề nào trong kỳ thực tập, trong khi 134 sinh viên phản ánh nhiều khó khăn và bất cập. Các nguyên nhân chính được phân loại thành ba nhóm. Đối với nhóm yếu tố liên quan đến sinh viên, nguyên nhân phổ biến nhất là sự tự tin thấp, khiến họ gặp khó khăn trong việc hoàn thành nhiệm vụ được giao. Một số sinh viên cũng thiếu kỹ năng giao tiếp và gặp vấn đề về sức khỏe, làm ảnh hưởng đến khả năng làm việc và cảm thấy thiếu sự gắn kết với môi trường làm việc, dẫn đến cảm giác bị cô lập.

Nhóm yếu tố liên quan đến nhà trường cũng đóng vai trò quan trọng trong trải nghiệm thực tập của sinh viên. Có 34 sinh viên cho rằng thời gian thực tập quá ngắn, khiến họ không có đủ cơ hội để học hỏi và phát triển kỹ năng. Một sinh viên cho rằng giảng viên hướng dẫn chưa linh hoạt trong việc hỗ trợ sinh viên, đặc biệt là trong việc xử lý thủ tục hành chính và báo cáo thực tập.

Nhóm yếu tố liên quan đến nơi thực tập bao gồm nhiều vấn đề khác nhau. Có 20 sinh viên phản ánh về khối lượng công việc quá tải, với thời hạn gấp rút khiến họ phải làm việc quá sức. 10 sinh viên cho rằng mức lương thực tập không tương xứng với khối lượng công việc họ đảm nhận. 9 sinh viên phản ánh rằng công việc được giao không liên quan đến chuyên ngành của họ, khiến họ không thể áp dụng kiến thức đã học vào thực tế. 7 sinh viên gặp khó khăn do đồng nghiệp không hợp tác hoặc thiếu trách nhiệm trong công việc nhóm. Một số sinh viên cũng đề cập đến văn hóa làm việc không lành mạnh tại nơi thực tập, với cạnh tranh giữa các bộ phận hoặc tình trạng nhân viên lâu năm chèn ép nhân viên mới. Bêncạnh đó, việc không được tin tưởng và giao những nhiệm vụ có giá trị, dẫn đến cảm giác thất vọng của sinh viên.

Nguồn: Pixabay.com

Kết quả nghiên cứu cho thấy có nhiều yếu tố tác động đến trải nghiệm thực tập của sinh viên chuyên ngành tiếng Anh, trong đó sự tự tin, thời gian thực tập và môi trường làm việc là những yếu tố chính. Để cải thiện chất lượng chương trình thực tập, nghiên cứu đề xuất một số giải pháp. Trước tiên, sinh viên cần được trang bị đầy đủ kỹ năng mềm và kiến thức thực tế trước khi tham gia thực tập. Nhà trường nên kéo dài thời gian thực tập để sinh viên có đủ thời gian trải nghiệm và phát triển kỹ năng. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa nhà trường và đơn vị thực tập để đảm bảo rằng sinh viên được giao các công việc phù hợp với chuyên ngành. Đối với các đơn vị thực tập, cần xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, hỗ trợ sinh viên nhiều hơn và có chế độ đãi ngộ hợp lý.

Nghiên cứu cũng thừa nhận một số hạn chế, bao gồm việc thiếu quan sát trực tiếp tại nơi thực tập, khiến nhóm nghiên cứu không thể đánh giá đầy đủ bối cảnh thực tế. Trong tương lai, cần có những nghiên cứu sâu hơn với sự tham gia của giảng viên hướng dẫn và đơn vị thực tập để có cái nhìn toàn diện hơn về chương trình thực tập. Bên cạnh đó, nghiên cứu về đánh giá của nhà tuyển dụng đối với kỹ năng làm việc của sinh viên trong quá trình thực tập cũng là một hướng đi quan trọng.

Tóm lại, nghiên cứu đã chỉ ra rằng sinh viên chuyên ngành tiếng Anh gặp nhiều khó khăn trong kỳ thực tập do sự tự tin thấp, thời gian thực tập ngắn và môi trường làm việc không phù hợp. Những phát hiện này có thể giúp các bên liên quan cải thiện chương trình thực tập nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và chuẩn bị tốt hơn cho sinh viên trước khi bước vào thị trường lao động.

Hoàng Dũng lược dịch

Nguồn:

Phuong, H. Y., Le, T. T., Ho, P. T., & Do, T. N. (2023). English Major Undergraduates’ Unsatisfactory Practicum Experience: A Case Study in Vietnam. Vietnam Journal of Education7(1), 38-47. https://doi.org/10.52296/vje.2023.244

Bạn đang đọc bài viết Thách thức và nguyên nhân ảnh hưởng đến trải nghiệm thực tập của sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ Anh ở Việt Nam tại chuyên mục Khoa học giáo dục và xã hội của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn