Việc áp dụng công nghệ trong giảng dạy đã trở thành xu hướng chủ đạo, với các ứng dụng như công nghệ mô phỏng không chỉ giúp cải thiện phương pháp giảng dạy mà còn tăng cường khả năng học tập và thực hành của sinh viên. Tuy nhiên, nhiều giảng viên vẫn chưa hoàn toàn áp dụng công nghệ mô phỏng trong giảng dạy, do đó, nghiên cứu này nhằm tìm hiểu những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định sử dụng công nghệ mô phỏng của giảng viên và phản ánh những lợi ích và khó khăn gặp phải lại khi áp dụng trong giảng dạy.
Nghiên cứu sử dụng phương pháp nghiên cứu hỗn hợp, kết hợp giữa phương pháp định tính và định lượng. Trong giai đoạn nghiên cứu định tính, các phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm với giảng viên được thực hiện để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng công nghệ mô phỏng bao gồm: sự hữu ích cảm nhận, độ dễ sử dụng cảm nhận, ảnh hưởng xã hội và sự hài lòng cảm nhận. Với nghiên cứu định lượng, khảo sát được thực hiện đối với 262 giảng viên tại các trường đại học ở Việt Nam, nhằm đánh giá mức độ ảnh hưởng của các yếu tố này đến ý định sử dụng công nghệ mô phỏng trong giảng dạy.
Kết quả cho thấy các yếu tố như sự hữu ích cảm nhận, độ dễ sử dụng cảm nhận và sự hài lòng cảm nhận có ảnh hưởng mạnh mẽ đến ý định sử dụng công nghệ mô phỏng. Cụ thể, khi giảng viên nhận thức được tính hữu ích của công nghệ mô phỏng, họ sẽ có xu hướng sử dụng nó nhiều hơn trong giảng dạy. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc tạo ra một môi trường học tập tương tác và sinh động hơn cho sinh viên. Bên cạnh đó, độ dễ sử dụng của công nghệ cũng là một yếu tố quan trọng. Giảng viên sẽ ít có khả năng áp dụng công nghệ mô phỏng nếu họ cảm thấy công nghệ này quá phức tạp hoặc yêu cầu quá nhiều thời gian để làm quen. Đặc biệt, nếu công nghệ mô phỏng không có hướng dẫn sử dụng rõ ràng hoặc không thân thiện với người dùng, giảng viên sẽ dễ cảm thấy nản lòng và không muốn tiếp tục sử dụng.
Nguồn: Pexels.com
Ảnh hưởng xã hội, tức là sự tác động của đồng nghiệp, cấp trên và môi trường làm việc, cũng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy giảng viên sử dụng công nghệ mô phỏng. Nếu giảng viên nhận được sự hỗ trợ và khuyến khích từ đồng nghiệp và cấp trên, họ sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận và áp dụng công nghệ mới vào giảng dạy. Ngoài ra, sự hài lòng và niềm vui trong quá trình sử dụng công nghệ cũng là một yếu tố quyết định. Giảng viên có thể cảm thấy vui khi sử dụng công nghệ mô phỏng, đặc biệt là khi công nghệ giúp họ tạo ra các bài giảng sinh động, hấp dẫn và giúp sinh viên học tập hiệu quả hơn.
Nghiên cứu đưa ra một số khuyến nghị quan trọng để thúc đẩy việc sử dụng công nghệ mô phỏng trong giảng dạy. Đầu tiên, các trường đại học cần tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo và chương trình chia sẻ kinh nghiệm để giảng viên có thể hiểu rõ hơn về lợi ích và cách sử dụng công nghệ mô phỏng trong giảng dạy. Các khóa đào tạo này không chỉ giúp giảng viên làm quen với công nghệ mới mà còn giúp họ phát triển kỹ năng sử dụng công nghệ một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho giảng viên là rất quan trọng. Các trường đại học cần xây dựng đội ngũ hỗ trợ chuyên nghiệp, sẵn sàng giúp đỡ giảng viên trong quá trình sử dụng công nghệ mô phỏng. Họ có thể cung cấp các dịch vụ hỗ trợ trực tuyến, tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn sử dụng phần mềm mô phỏng và giải đáp các thắc mắc của giảng viên. Đồng thời, các trường cần cải thiện cơ sở hạ tầng công nghệ để giảng viên dễ dàng tiếp cận các ứng dụng này.
Cuối cùng, các chính sách khuyến khích và động viên giảng viên sử dụng công nghệ mô phỏng cũng rất quan trọng. Các trường đại học cần đưa ra các chính sách khen thưởng từ đó thúc đẩy giảng viên tiếp tục sáng tạo và đổi mới phương pháp giảng dạy.
Như vậy, nghiên cứu cung cấp một cái nhìn sâu sắc về các yếu tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng công nghệ mô phỏng trong giảng dạy đại học. Điều này góp phần nâng cao hiệu quả giảng dạy và tạo ra cơ sở để các trường đại học và các nhà quản lý giáo dục xây dựng chiến lược và chính sách thúc đẩy việc áp dụng công nghệ mô phỏng trong thời đại công nghệ số.
Hoàng Dũng lược dịch
Nguồn:
Dang, T. N., & Tran, C. A. (2023). Factors Affecting Lecturers’ Intention to use Simulation Technology Applications in Teaching Activities at the Tertiary Level. Vietnam Journal of Education, 7(3), 338-346. https://doi.org/10.52296/vje.2023.319