Ứng dụng mô hình lớp học đảo ngược trong giảng dạy các môn lý luận chính trị cho sinh viên Đại học tại Việt Nam

Trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0, các môn lý luận chính trị giữ vai trò then chốt trong việc trang bị tư duy nền tảng cho sinh viên Việt Nam. Để bắt kịp xu hướng đổi mới giáo dục, mô hình lớp học đảo ngược đang mở ra một phương thức giảng dạy giúp nâng cao hiệu quả học tập và phát huy tư duy chủ động của người học.

Trong thập kỷ qua, thế hệ sinh viên đại học mới - thế hệ Z - đã xuất hiện với những đặc điểm riêng biệt như tính sáng tạo, khả năng thích ứng cao và sự thành thạo công nghệ. Những đặc điểm này khiến mô hình lớp học đảo ngược (Flipped Classroom) trở thành một lựa chọn phù hợp để nâng cao hiệu quả học tập và sự tham gia của sinh viên trong các môn lý luận chính trị. Phương pháp này đã được triển khai trong giảng dạy các môn lý luận chính trị tại một số trường đại học.

Mô hình lớp học đảo ngược là phương pháp giảng dạy thay thế mô hình truyền thống, trong đó sinh viên tự học trước ở nhà thông qua bài giảng video, tài liệu điện tử, sau đó đến lớp để tham gia các hoạt động thảo luận, giải quyết tình huống, làm bài tập ứng dụng dưới sự hướng dẫn của giảng viên. Mô hình dựa trên thang nhận thức của Bloom, cho phép sinh viên đạt các mức độ cao hơn như phân tích, tổng hợp và đánh giá thay vì chỉ ghi nhớ và hiểu cơ bản.

Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá mức độ hiệu quả và tính phù hợp của mô hình lớp học đảo ngược trong giảng dạy các môn lý luận chính trị đối với sinh viên thế hệ Z. Thông qua khảo sát 648 sinh viên tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội và phân tích dữ liệu bằng phần mềm SPSS 20.0, nghiên cứu đưa ra những nhận định về hiệu quả học tập, mức độ chủ động của sinh viên và thách thức khi áp dụng phương pháp này.

Kết quả khảo sát cho thấy sinh viên có phản hồi tích cực về mô hình lớp học đảo ngược, với điểm trung bình từ 3.5 đến 3.9 trên thang đo 5 điểm. Một số điểm nổi bật bao gồm sự chủ động trong lựa chọn thời gian và phương pháp học tập (3.92 điểm), cải thiện khả năng tự học và tư duy phản biện (3.89 điểm), tăng cơ hội thảo luận và trao đổi trên lớp (3.81 điểm) và tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả học tập (3.72 điểm). Tuy nhiên, một số sinh viên lo ngại về việc phải dành nhiều thời gian tự học trước khi lên lớp, gây áp lực cho những người chưa quen với phương pháp này.

Giảng viên nhận được phản hồi tích cực về việc chuẩn bị tài liệu giảng dạy phong phú, nội dung phù hợp (4.01 điểm), đa dạng hóa phương pháp giảng dạy và tạo môi trường học tập tích cực (3.74 điểm), tổ chức thảo luận và kiểm tra mức độ tiếp thu của sinh viên (3.85 điểm). Với lớp học đông (trên 100 sinh viên/lớp), việc tương tác trực tiếp giữa giảng viên và sinh viên vẫn còn hạn chế.

Sinh viên tích cực tham gia nhóm học tập, chuẩn bị tài liệu trước khi lên lớp, nhưng một số chưa quen với phương pháp tự học và ít tham gia thảo luận trước buổi học. Việc hoàn thành bài tập, ôn luyện sau giờ học chưa đồng đều giữa các sinh viên. Điều này cho thấy mặc dù lớp học đảo ngược khuyến khích tính chủ động, nhưng không phải sinh viên nào cũng có thể thích nghi ngay lập tức với phương pháp này.

Nguồn: Pixabay.com

Tóm lại, mô hình lớp học đảo ngược là phương pháp giảng dạy tiềm năng, mở ra cơ hội nâng cao chất lượng giáo dục cho người học. Tuy vậy, để triển khai thành công, cần đào tạo giảng viên về kỹ năng thiết kế bài giảng theo mô hình lớp học đảo ngược, cải thiện hệ thống hạ tầng công nghệ và đầu tư vào nền tảng học tập trực tuyến, hỗ trợ sinh viên làm quen với mô hình, đồng thời giảm số lượng sinh viên/lớp để tạo điều kiện cho tương tác sâu hơn. Nghiên cứu góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc triển khai rộng rãi mô hình lớp học đảo ngược trong giảng dạy lý luận chính trị, đồng thời mở ra hướng nghiên cứu mới về tác động của phương pháp này trong các môn học khác.

Hoàng Dũng lược dịch

Nguồn:

Tieu, H. M. T. (2022). Studying Political Theory Subjects Using Flipped Classroom Model - Assessment from Gen-Z Students. Vietnam Journal of Education6(3), 265-276. https://doi.org/10.52296/vje.2022.234