Sự đối chiếu phương pháp học tập của sinh viên trường công lập và sinh viên trường tư thục

Trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi sự thay đổi trong giáo dục để phát triển tư duy sáng tạo, phản biện và ra quyết định. Việc xác định phương pháp học tập phổ biến của người học, sự ảnh hưởng của các yếu tố và sự khác biệt giữa sinh viên đại học công lập và tư thục cần được quan tâm.

Nghiên cứu sử dụng bộ câu hỏi quy trình học tập hai yếu tố được sửa đổi (R-SPQ-2F) được phát triển để đo lường phương pháp học tập của sinh viên thông qua hai yếu tố chính: phương pháp học sâu và phương pháp học bề mặt mỗi phương pháp lại bao gồm hai thang đo: động cơ và chiến lược.

Dựa trên mô hình 3P của Biggs, nghiên cứu xem xét mối quan hệ giữa các yếu tố tiền đề (như nhân khẩu học), quá trình (cách tiếp cận học tập) và kết quả học tập. Phương pháp học sâu được xác định là phương pháp giúp sinh viên hiểu sâu sắc kiến thức và liên hệ với thực tế, trong khi phương pháp học bề mặt chủ yếu dựa trên ghi nhớ máy móc. Nghiên cứu này sử dụng phương pháp mô tả định lượng, thu thập dữ liệu từ 217 sinh viên đại học công lập và tư thục tại Malaysia thông qua bảng hỏi R-SPQ-2F gồm 20 mục đo lường động cơ và chiến lược học tập. Dữ liệu được phân tích bằng kiểm định t độc lập và phân tích phương sai một chiều (ANOVA) để đánh giá mối quan hệ giữa nhân khẩu học và phương pháp học tập.

Kết quả cho thấy sinh viên có xu hướng sử dụng phương pháp học sâu nhiều hơn so với phương pháp học bề mặt. Cụ thể, sinh viên có động cơ học tập sâu và chiến lược học sâu cao hơn so với động cơ học tập bề mặt và chiến lược học bề mặt. Khi phân tích các yếu tố nhân khẩu học, nghiên cứu phát hiện rằng sinh viên lớn tuổi có xu hướng sử dụng phương pháp học sâu nhiều hơn so với sinh viên trẻ tuổi. Nhóm tuổi 37-41 có mức độ học sâu cao nhất, trong khi nhóm 17-21 có mức độ học bề mặt cao hơn. Xét theo năm học, phương pháp học sâu đạt đỉnh vào năm hai nhưng giảm dần từ năm ba đến năm cuối do khối lượng công việc và áp lực học tập gia tăng. Học viên sau đại học (Thạc sĩ, Tiến sĩ) có xu hướng học sâu cao hơn, trong khi sinh viên hệ Dự bị và Cao đẳng chủ yếu sử dụng phương pháp học bề mặt. Ngoài ra, sinh viên khối Khoa học Xã hội có động cơ học sâu cao hơn so với sinh viên khối Khoa học Tự nhiên, có thể do sự khác biệt trong phương pháp giảng dạy và yêu cầu của từng lĩnh vực. Về mặt sắc tộc, sinh viên gốc Hoa có xu hướng học bề mặt cao hơn so với sinh viên gốc Mã Lai và Ấn Độ, điều này có thể liên quan đến văn hóa học tập và phương pháp đánh giá tại các trường đại học.

Nguồn: Pixabay.com

So sánh giữa sinh viên đại học công lập và tư thục, kết quả cho thấy sinh viên đại học công lập có xu hướng học sâu cao hơn so với sinh viên đại học tư thục. Ngược lại, sinh viên đại học tư thục có xu hướng học bề mặt cao hơn, có thể do sự khác biệt trong phương pháp giảng dạy, môi trường học tập và đầu vào của sinh viên. Một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kết quả này là tỷ lệ sinh viên gốc Hoa trong các trường tư thục cao hơn, trong khi sinh viên trường công lập chủ yếu là người Mã Lai.

Như vậy, kết quả nghiên cứu cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách tiếp cận học tập của sinh viên, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của các yếu tố nhân khẩu học trong định hình phương pháp học tập. Những phát hiện này có ý nghĩa quan trọng đối với nhà quản lý giáo dục trong việc điều chỉnh chương trình giảng dạy, giảng viên trong việc thiết kế phương pháp giảng dạy phù hợp và sinh viên trong việc nhận thức để điều chỉnh phương pháp học tập hiệu quả. Để tối ưu hóa kết quả học tập, nghiên cứu đề xuất cần có những thay đổi về chương trình đào tạo nhằm khuyến khích sinh viên áp dụng phương pháp học sâu nhiều hơn, đồng thời tiếp tục điều tra sâu hơn về ảnh hưởng của môi trường học tập, phương pháp giảng dạy và các yếu tố khác đến phương pháp học tập của sinh viên.

Hoàng Dũng lược dịch 

Nguồn:

Shahfuddin, W., A. Rahim, A. R., & Abdullah, M. R. (2022). Study Process of Private and Public Universities Students Using the Revised Two Factors Study Process Questionnaire (R-SPQ-2F). Vietnam Journal of Education6(3), 249-264. https://doi.org/10.52296/vje.2022.221

Bạn đang đọc bài viết Sự đối chiếu phương pháp học tập của sinh viên trường công lập và sinh viên trường tư thục tại chuyên mục Khoa học giáo dục và xã hội của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn