Tìm hiểu các câu chuyện thường nhật và sự hình thành bản sắc của trẻ ở các trường mầm non tại Việt Nam

Trong bối cảnh giáo dục mầm non tại Việt Nam chuyển từ phương pháp dạy học dẫn dắt bởi giáo viên sang cách tiếp cận lấy trẻ làm trung tâm. Việc khám phá ngôn ngữ và sự tương tác của trẻ để hiểu quá trình nhận thức bản thân và thế giới là vấn đề cần được quan tâm.

Mục đích của nghiên cứu này để trả lời cho hai câu hỏi: Trẻ em Việt Nam xây dựng bản sắc của mình trong những câu chuyện thường ngày như thế nào và đâu là các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình này?. Điểm nổi bật nằm ở việc sử dụng khung lý thuyết Bakhtinian để phân tích bản sắc của trẻ em dưới góc nhìn đa chiều. Theo Bakhtin, bản sắc của mỗi người không cố định mà được xây dựng liên tục thông qua các tương tác hàng ngày, nơi cá nhân diễn giải và sử dụng “lời nói của người khác” để hiểu về bản thân. Câu chuyện của trẻ em, vì thế, không chỉ được kể bằng ngôn ngữ nói mà còn bao gồm các hình thức phi ngôn ngữ như cử chỉ, chuyển động cơ thể và các hiện vật. Nghiên cứu cho rằng các câu chuyện thường nhật của trẻ phản ánh quá trình trẻ nhận diện bản thân và chúng mang tính đa phương thức - một khái niệm nhấn mạnh rằng ngôn ngữ, hành động và biểu đạt nghệ thuật của trẻ đều là phương tiện để kể câu chuyện và thể hiện bản sắc.

Trong bối cảnh ở Việt Nam, mặc dù giáo dục mầm non đã có nhiều cải tiến từ sau đổi mới 1986, các nghiên cứu vẫn cho thấy giáo viên thường dẫn dắt phần lớn hoạt động và hạn chế khả năng tự thể hiện của trẻ. Nghiên cứu này không chỉ khắc họa những thách thức trong việc áp dụng phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm mà còn cung cấp minh chứng cụ thể về cách trẻ sử dụng ngôn ngữ và hành động để tương tác với thế giới xung quanh. Đặc biệt, nghiên cứu đã chọn hai trường hợp điển hình - bé Dương (4 tuổi) và bé Nhi (5 tuổi) tại Hà Nội - để phân tích sâu về quá trình trẻ xây dựng bản sắc thông qua các câu chuyện hàng ngày tại trường mầm non.

Bằng cách sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính với quan sát trực tiếp, trò chuyện không chính thức và phỏng vấn bán cấu trúc, nghiên cứu đã thu thập dữ liệu phong phú từ các nguồn khác nhau như ghi chú thực địa, các hiện vật trẻ tạo ra và các cuộc trò chuyện với phụ huynh và giáo viên. Kết quả phân tích chỉ ra rằng trẻ em là những cá nhân chủ động, sáng tạo và biết cách sử dụng các yếu tố văn hóa cũng như tương tác để khẳng định bản thân. Trong trường hợp của bé Dương, em đã sử dụng câu chuyện dân gian Việt Nam “Cóc kiện trời” để xây dựng một hình ảnh đầy sáng tạo và tự tin về bản thân trong vai trò người bảo vệ môi trường. Dương kết hợp văn hóa truyền thống với trí tưởng tượng cá nhân để tạo nên những câu chuyện mang đậm bản sắc riêng, đồng thời nhận được sự khích lệ từ giáo viên - người đã thay đổi phương pháp giảng dạy để đồng hành cùng trẻ.

Nguồn: Pixabay.com

Trường hợp của bé Nhi lại cho thấy một góc nhìn khác, khi em sử dụng ngôn ngữ đa phương thức để thích nghi và đối thoại trong bối cảnh giáo dục được dẫn dắt nhiều bởi người lớn. Trong một số tình huống, Nhi sử dụng sự im lặng để thể hiện sự bất đồng với giáo viên, trong khi ở những tình huống khác, em thể hiện sự sáng tạo và tự tin khi đề xuất các hoạt động vui chơi, làm thay đổi cách giáo viên tương tác với lớp học. Câu chuyện của Nhi minh chứng rằng ngay cả trong những môi trường giáo dục bị kiểm soát, trẻ em vẫn tìm cách khẳng định bản thân và tác động đến người lớn xung quanh.

Nghiên cứu này không chỉ làm sáng tỏ cách trẻ em Việt Nam xây dựng bản sắc thông qua các câu chuyện thường nhật mà còn nhấn mạnh vai trò của giáo viên trong việc tạo ra môi trường đối thoại, nơi trẻ được lắng nghe và tôn trọng. Dữ liệu từ nghiên cứu cho thấy, khi giáo viên linh hoạt và cởi mở với những ý tưởng của trẻ, các em có thể phát triển bản sắc cá nhân một cách tự nhiên và toàn diện hơn. Mặc dù chương trình giáo dục mầm non quốc gia khuyến khích phương pháp lấy trẻ làm trung tâm, nghiên cứu chỉ ra rằng nhiều giáo viên vẫn gặp khó khăn trong việc áp dụng do ảnh hưởng của các giá trị truyền thống và tư duy kỷ luật. Tuy nhiên, những câu chuyện thành công từ bé Dương và bé Nhi là minh chứng thuyết phục rằng giáo viên có thể trở thành người đồng hành cùng trẻ, thay vì chỉ đơn thuần là người kiểm soát hoạt động của các em.

Nghiên cứu đưa ra khuyến nghị rằng các giáo viên mầm non cần chú ý hơn đến các hình thức biểu đạt đa dạng của trẻ, bao gồm cả ngôn ngữ phi ngôn ngữ, để hiểu rõ hơn về suy nghĩ và nhu cầu của các em. Việc thay đổi thực hành giáo dục để tạo ra môi trường đối thoại không chỉ giúp trẻ phát triển bản sắc mà còn nâng cao chất lượng giáo dục mầm non tại Việt Nam.

Như vậy, kết quả nghiên cứu không chỉ có ý nghĩa trong giáo dục mầm non mà còn đóng góp vào việc thay đổi nhận thức về trẻ em - từ những cá nhân phụ thuộc sang những chủ thể sáng tạo, đầy tiềm năng trong việc xây dựng bản sắc và khám phá thế giới xung quanh.

Hoàng Dũng lược dịch

Nguồn:

Pham, H. M. (2022). A Bakhtinian Dialogical Approach to Understanding Young Vietnamese Children’s Narratives and Identities Formation in Preschools. Vietnam Journal of Education6(2), 114–122. https://doi.org/10.52296/vje.2022.168

Bạn đang đọc bài viết Tìm hiểu các câu chuyện thường nhật và sự hình thành bản sắc của trẻ ở các trường mầm non tại Việt Nam tại chuyên mục Khoa học giáo dục và xã hội của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn