Thực trạng công tác quản lý lớp học tại các trường tiểu học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại Việt Nam

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại Việt Nam là một chương trình giáo dục theo hướng phát triển năng lực, trong đó học sinh chủ động học tập dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Do đó, việc quản lý lớp học một cách hiệu quả là điều rất cần thiết giúp nâng cao chất lược giảng dạy.

Quản lý lớp học đóng vai trò quan trọng trong hoạt động giảng dạy tại các trường tiểu học, đặc biệt trong bối cảnh triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chương trình này lấy học sinh làm trung tâm, yêu cầu giáo viên không chỉ giảng dạy mà còn phải quản lý lớp học hiệu quả để đảm bảo chất lượng giáo dục. Nghiên cứu này tập trung vào ba khía cạnh chính của hoạt động quản lý lớp học nhằm đáp ứng chương trình GDPT 2018: (1) tạo môi trường lớp học, (2) thiết lập nội quy lớp học và (3) quản lý hành vi học sinh.

Quản lý lớp học từ lâu đã được các nhà nghiên cứu giáo dục quan tâm bởi tác động mạnh mẽ đến kết quả học tập của người học. Dựa trên các kết quả nghiên cứu, một lớp học được quản lý tốt giúp tối ưu hóa thời gian học tập, duy trì kỷ luật và giảm thiểu hành vi tiêu cực của học sinh. Yếu tố cốt lõi trong quản lý lớp học bao gồm việc xây dựng môi trường học tập tích cực, quy định nội quy rõ ràng và quản lý hành vi hiệu quả.

Nghiên cứu sử dụng phương pháp định lượng với bảng câu hỏi khảo sát 226 phụ huynh và 336 giáo viên tại các trường tiểu học công lập và tư thục ở Việt Nam. Phiếu khảo sát bao gồm 19 câu hỏi Likert chia thành ba nhóm nội dung chính: (1) tạo môi trường lớp học , (2) thiết lập nội quy lớp học và (3) quản lý hành vi học sinh. Độ tin cậy của thang đo được kiểm định bằng hệ số Cronbach’s Alpha, với giá trị dao động từ 0,863 đến 0,945, đảm bảo độ tin cậy cao.

Cả giáo viên và phụ huynh đều đánh giá cao tầm quan trọng của việc tạo ra môi trường lớp học tích cực. Các yếu tố như không gian học tập thân thiện, khuyến khích sáng tạo và xây dựng giá trị tinh thần được giáo viên đánh giá cao nhất. Tuy nhiên, phụ huynh có mức độ đồng thuận thấp hơn, đặc biệt về việc xây dựng môi trường học phù hợp với chủ đề năm học và không gian lớp học.

Nội quy lớp học được coi là nền tảng để duy trì trật tự và nâng cao hiệu quả giảng dạy. Giáo viên và phụ huynh đều cho rằng việc áp dụng nội quy cho tất cả học sinh và giáo viên là quan trọng nhất. Tuy nhiên, giáo viên ít đồng tình với việc để học sinh tham gia xây dựng nội quy do hạn chế về độ tuổi và nhận thức. Trong khi đó, phụ huynh ít quan tâm đến việc nội quy phải phù hợp với quy định chung của nhà trường.

Nguồn: Pixabay.com

Kết quả cho thấy, giáo viên đánh giá cao vai trò của việc thông báo hành vi bất thường của học sinh cho giáo viên chủ nhiệm để có biện pháp can thiệp kịp thời. Trong khi đó, phụ huynh ưu tiên việc điều chỉnh hành vi tiêu cực ngay lập tức. Nhìn chung, giáo viên có sự chủ động hơn trong việc theo dõi và quản lý hành vi học sinh, nhưng phụ huynh lại kỳ vọng vào các biện pháp xử lý nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Nghiên cứu chỉ ra giáo viên đóng vai trò trung tâm trong quản lý lớp học, nhưng vẫn cần sự phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để nâng cao hiệu quả quản lý lớp học. Các giáo viên có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến việc tạo môi trường học tập và điều chỉnh hành vi học sinh, trong khi phụ huynh chú trọng vào các biện pháp xử lý tức thời. Điều này tạo ra sự khác biệt trong cách tiếp cận giữa hai nhóm đối tượng.

Bên cạnh đó, việc quản lý lớp học cần được cải thiện theo hướng lấy học sinh làm trung tâm, kết hợp giữa quy tắc, môi trường học tập tích cực và sự tham gia của các bên liên quan.

Như vậy, giáo viên tiểu học tại Việt Nam đang thực hiện tốt trong việc quản lý hành vi học sinh, tiếp theo là tạo môi trường lớp học và cuối cùng là thiết lập nội quy. Phụ huynh đánh giá thấp hơn so với giáo viên về hiệu quả quản lý lớp học. Để nâng cao chất lượng giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên, phụ huynh và nhà trường nhằm tối ưu hóa phương pháp quản lý, đảm bảo sự phát triển toàn diện cho học sinh.

Hoàng Dũng lược dịch

Nguồn:

Vu , H. M. T. (2022). Current Situation of Classroom Management at Primary Schools to Meet the Requirements of the 2018 General Education Curriculum in Vietnam. Vietnam Journal of Education6(3), 238-248. https://doi.org/10.52296/vje.2022.170