Cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách về giáo dục, đào tạo (Ảnh minh họa, nguồn internet)
Theo đó, Chiến lược, việc rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách về giáo dục, đào tạo và các lĩnh vực có liên quan được thực hiện theo hướng khoa học, hiện đại, đồng bộ, liên thông, phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế và thực tiễn ở nước ta, tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh cho phát triển giáo dục và đào tạo. Cụ thể, Chính phủ giao nhiệm vụ cho bộ GDĐT thực hiện: Xây dựng Luật Nhà giáo; nghiên cứu đề xuất xây dựng Luật Học tập suốt đời; rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh. Hiện nay, Luật Nhà Giáo đã được Bộ trưởng Bộ GDĐT trình tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, ngày 9/11/2024. Bộ GDĐT đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng và trình Quốc hội Luật Nhà Giáo, đây là một trong những giải pháp quan trọng về mặt thể chế nhằm hướng tới mục tiêu phát triển đội ngũ nhà giáo, xây dựng lực lượng nhà giáo đủ về số lượng, đảm bảo cơ cấu, chất lượng, đủ sức ngánh vác được sứ mệnh vẻ vang mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Bên cạnh đó, các bộ luật như dự thảo Luật Học tập suốt đời, Luật Giáo dục Đại học... cũng đang được xây dựng và lấy ý kiến rộng rãi của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học và công chúng.
Nhiệm vụ tiếp theo cần hoàn thiện cơ chế, chính sách đầu tư cho giáo dục và đào tạo theo hướng Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, đồng thời đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục, huy động sự tham gia hiệu quả của toàn xã hội vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo; bảo đảm tính đồng bộ của các văn bản pháp luật liên quan, nhất là về đầu tư, tài chính, tài sản công, ngân sách nhà nước và tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức trong các cơ sở giáo dục công lập; rà soát, hoàn thiện các chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng và thuế đối với tất cả cơ sở giáo dục; tạo động lực thúc đẩy hợp tác và cạnh tranh bình đẳng trong mạng lưới cơ sở giáo dục công lập và tư thục, khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư phát triển giáo dục.
Ban hành chương trình giáo dục mầm non mới với nội dung và phương pháp tiên tiến, phù hợp với điều kiện thực tiễn; nâng cao chất lượng việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; chú trọng xây dựng các chương trình giáo dục thường xuyên nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu của người học, phát huy năng lực tự học, năng lực sáng tạo của người học; xây dựng và ban hành chuẩn chương trình đào tạo cho các ngành, nhóm ngành phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế và phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam, Khung bảo đảm chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm.
Tiếp tục hoàn thiện các quy định về liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo, tạo thuận lợi cho người học nâng cao trình độ và chuyển đổi ngành nghề; hoàn thiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam và Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, tăng tính liên thông và tương thích quốc tế.
Hoàn thiện các quy định về tự chủ đại học phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Hoàn thiện các quy định liên quan đến khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học theo hướng tạo thuận lợi, tháo gỡ các nút thắt, rào cản, tính đến đặc thù về độ trễ và rủi ro trong nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích thương mại hoá kết quả nghiên cứu khoa học và hợp tác nghiên cứu, triển khai giữa các cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp. Nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu và làm việc ở các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam; đẩy mạnh việc thu hút sinh viên quốc tế đến học tập tại Việt Nam.
Trong tiến trình đổi mới toàn diện và phát triển giáo dục cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách tiền lương, tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đãi ngộ, thu hút, trọng dụng nhân tài đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Nghiên cứu, xây dựng chính sách động viên kịp thời đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục công tác tại vùng núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo, nhất là nhà giáo, cán bộ quản lý là nữ, người dân tộc thiểu số; có chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với nhà giáo công tác tại cơ sở giáo dục chuyên biệt.
Tài liệu tham khảo:
Chính phủ (2024): Quyết định số 1705/QĐ-TTg ngày 31/12/2024 phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trịnh Thu