Nhiều thay đổi trong tuyển sinh đại học năm 2025

Năm 2025 là năm đầu tiên thí sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Những thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp THPT dẫn đến nhiều thay đổi trong tuyển sinh đại học (ĐH) 2025.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã có dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ GDĐT. Căn cứ vào định hướng đó, nhiều trường ĐH đã công bố phương án tuyển sinh năm 2025 với nhiều điều chỉnh về phương thức tuyển sinh và tổ hợp.

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Quy định chặt chẽ hơn trong xét tuyển sớm

Năm 2025 là năm đầu tiên học sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ tham gia xét tuyển ĐH. Vì vậy, việc đổi mới quy chế tuyển sinh nhằm mục đích đáp ứng yêu cầu đổi mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tạo tác động tích cực tới việc dạy và học ở cấp trung học phổ thông, đặc biệt là lớp 12.

Một trong những điểm sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Quy chế là chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo. Đối với phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả học tập, kết quả thi theo từng môn (bao gồm điểm tổng kết các môn học cấp THPT, điểm thi các môn tốt nghiệp THPT, các chứng chỉ ngoại ngữ và các kết quả đánh giá khác), tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo, trong đó phải có môn toán hoặc ngữ văn với trọng số đánh giá chiếm ít nhất 1/3 tổng điểm. Trường hợp sử dụng kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển thì phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh.

Tính tới thời điểm hiện tại, gần 30 trường ĐH đã đưa ra phương án dự kiến, gồm xét tuyển học bạ. Hầu hết các trường xét điểm học bạ ba năm THPT, điểm ba năm THPT theo tổ hợp. Một số trường như trường ĐH Ngoại thương, trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, trường ĐH Nha Trang… bổ sung thêm một số tiêu chí về giải thưởng học sinh giỏi, điểm thi đánh giá năng lực, điểm thi đánh giá tư duy. Đáng chú ý, ba trường sư phạm là trường ĐH Sư phạm Hà Nội, trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên bỏ phương thức xét tuyển học bạ.

Những quy định chặt chẽ hơn trong xét tuyển sớm, quy định nếu sử dụng học bạ để xét tuyển thì cần có kết quả học tập của cả năm lớp 12, quy định thống nhất ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành sức khoẻ và sư phạm… đều hướng tới bảo đảm công bằng cho các thí sinh ứng tuyển.

Không hạn chế phương thức xét tuyển, hỗ trợ các trường tổ chức đánh giá năng lực, đánh giá tư duy

Theo dự thảo Thông tư, tất cả thí sinh dự tuyển vào một ngành đào tạo sẽ được xét tuyển một cách công bằng dựa trên một thang điểm chung và một điểm chuẩn trúng tuyển chung. Cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong xác định phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và việc quy đổi tương đương điểm xét, điểm trúng tuyển; trong đó phải dựa trên phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hằng năm. Về cơ hội trúng tuyển, thí sinh được xét tuyển công bằng theo các phương thức xét tuyển; được tạo cơ hội trúng tuyển cao nhất và quyền xác định nguyện vọng ưu tiên trong số những chương trình, ngành đào tạo đủ điều kiện trúng tuyển. Từ hai năm nay, Bộ GDĐT cung cấp đầy đủ dữ liệu về kết quả học tập THPT (học bạ) và hỗ trợ các trường tổ chức kỳ thi riêng (như đánh giá năng lực, đánh giá tư duy…) đưa kết quả thi lên hệ thống tuyển sinh chung, tạo điều kiện thuận tiện cho các cơ sở đào tạo thực hiện xét tuyển trong đợt xét tuyển chung. Như vậy, theo Bộ GDĐT, dự thảo không hạn chế bất kỳ phương thức xét tuyển nào của các trường.

Với định hướng trên, một số trường đại học đã có sự điều chỉnh trong phương án tuyển sinh. Đại học Bách khoa Hà Nội điều chỉnh xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của trường lên 40% (tăng 10% so với năm 2024). Đại học Kinh tế Quốc dân cũng điều chỉnh chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT 2025 xuống còn 15% (giảm 3% so với năm ngoái). Với phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án riêng, trường dành 83% chỉ tiêu, xét tuyển thẳng 2%. Một số trường khác như trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trường Đại học Thương mại cũng dự kiến tăng chỉ tiêu xét tuyển các phương thức khác, trong đó có sử dụng điểm bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy.

Các quy định điều chỉnh, bổ sung về tuyển sinh đại học, tuyển sinh ngành Cao đẳng Mầm non của Bộ GDĐT hướng tới nguyên tắc công bằng trong giáo dục, từ đó nâng cao chất lượng tuyển sinh và chất lượng đào tạo. Những điều chỉnh này cũng là cơ sở để các trường đại học dự kiến phương án tuyển sinh với nhiều tổ hợp xét tuyển mới, mở rộng cơ hội cho thí sinh trong năm 2025.

Hà Giang

Tài liệu tham khảo:

Dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bạn đang đọc bài viết Nhiều thay đổi trong tuyển sinh đại học năm 2025 tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn