Chính sách quản lí chặt chẽ hoạt động dạy thêm của giáo viên ở Hàn Quốc và Trung Quốc

Bài viết phân tích về mục tiêu, các biện pháp quản lí của chính phủ Hàn Quốc, Trung Quốc và phản ứng của các bên liên quan về vấn đề dạy thêm ở hai quốc gia được đánh giá là có áp lực thi cử hàng đầu thế giới này. Từ đó, một số khuyến nghị, bình luận cho Việt Nam được đề xuất.

Trường hợp Hàn Quốc

Hàn Quốc là một trong những quốc gia có áp lực học tập lớn nhất thế giới, với sự cạnh tranh khốc liệt trong các kỳ thi đại học. Các gia đình Hàn Quốc chi một phần lớn thu nhập cho việc học thêm, dẫn đến sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục. Thực tế cho thấy, nhiều giáo viên công lập tham gia dạy thêm ngoài giờ, gây ra xung đột lợi ích và ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy chính khóa.

Do đó, các chính sách của chính phủ Hàn Quốc đã được ban hành, linh hoạt điều chỉnh về hoạt động dạy thêm, học thêm nhằm giảm bớt áp lực học tập và cạnh tranh trong giáo dục, đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục đồng thời, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy chính khóa.

Một số giải pháp và quy định nổi bật:

Luật cấm dạy thêm sau 10 giờ tối, được áp dụng từ năm 2008, luật này nhằm hạn chế thời gian học thêm và đảm bảo sức khỏe cho học sinh (Kim, 2021). Tuy nhiên, chính sách này gặp nhiều tranh cãi vì không giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Nhiều gia đình vẫn tìm cách cho con học thêm bất hợp pháp hoặc thuê gia sư riêng. Do áp lực từ phụ huynh và nhu cầu thực tế, chính phủ Hàn Quốc đã nới lỏng một số quy định về học thêm, cho phép học sinh được học thêm đến 11 giờ tối (từ năm 2021). Điều này cho thấy sự linh hoạt trong chính sách, nhưng cũng phản ánh khó khăn trong việc cân bằng giữa nhu cầu học tập và sức khỏe của học sinh.

Cấm giáo viên công lập dạy thêm ngoài giờ: Giáo viên công lập bị cấm dạy thêm ngoài giờ cho học sinh của mình hoặc học sinh trong trường họ công tác. Quy định này nhằm tránh xung đột lợi ích và đảm bảo chất lượng giảng dạy chính khóa (Ministry of Education, South Korea, 2023; Lee & Park, 2020). Cụ thể: Giáo viên không được phép nhận học sinh của mình vào các lớp dạy thêm tư nhân; Việc dạy thêm phải được thông báo và chấp thuận bởi cơ quan quản lý giáo dục; Vi phạm quy định có thể dẫn đến các hình thức kỷ luật, bao gồm cả việc thu hồi giấy phép giảng dạy (Korean Federation of Teachers' Associations, 2023). Giáo viên ngoài công lập (làm việc tại các trung tâm dạy thêm tư nhân, hay còn gọi là hagwon) được phép dạy thêm nhưng phải tuân thủ các quy định về thời gian và chất lượng giảng dạy. Cụ thể: Các trung tâm dạy thêm tư nhân phải đăng ký và được cấp phép bởi chính quyền địa phương (tương tự như ở Việt Nam); Giáo viên phải có bằng cấp và chứng chỉ giảng dạy phù hợp (ở Việt Nam chưa có yêu cầu rõ về việc này); Vi phạm quy định có thể dẫn đến đóng cửa trung tâm và phạt tiền (Ministry of Education, South Korea, 2023).

Giám sát các trung tâm dạy thêm tư nhân (hagwon): Các hagwon phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về thời gian hoạt động (như trình bày ở trên), chất lượng giảng dạy và an toàn cho học sinh (về phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, …). Trách nhiệm giám sát các trung tâm dạy thêm tư nhân thuộc về chính quyền địa phương.

Nói chung, chính sách của Hàn Quốc thể hiện sự quan tâm đến việc giảm áp lực học tập, nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để vấn đề bất bình đẳng giáo dục. Các gia đình có điều kiện kinh tế vẫn có thể đầu tư nhiều hơn vào việc học thêm, tạo ra khoảng cách lớn giữa các nhóm học sinh.

Trường hợp Trung Quốc

Trung Quốc được biết đến là quốc gia có hệ thống giáo dục phổ thông có tính cạnh tranh rất cao, đặc biệt là trong các kỳ thi đại học. Cũng tương tự như Hàn Quốc, các gia đình ở Trung Quốc dành chi một phần lớn thu nhập cho việc học thêm, dẫn đến sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục và nhiều giáo viên công lập tham gia dạy thêm ngoài giờ, gây ra xung đột lợi ích và ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy chính khóa. Do đó, các chính sách của chính phủ Trung Quốc cũng đã được ban hành, linh hoạt điều chỉnh về hoạt động dạy thêm, học thêm nhằm thực hiện các mục tiêu tương tự như ở Hàn Quốc.

Một số giải pháp và quy định nổi bật:

Cấm giáo viên công lập dạy thêm ngoài giờ (tương tự như ở Hàn Quốc): Được áp dụng từ năm 2021, quy định này nhằm ngăn chặn việc giáo viên lợi dụng vị trí của mình để thu lợi cá nhân (Zhang, 2023). Cụ thể, giáo viên công lập không được phép nhận học sinh của mình vào các lớp dạy thêm tư nhân; phải báo cáo việc dạy thêm và chấp thuận bởi cơ quan quản lý giáo dục; Vi phạm quy định có thể dẫn đến các hình thức kỷ luật, bao gồm cả việc thu hồi giấy phép giảng dạy (China Education Association, 2023). Giáo viên ngoài công lập không được dạy thêm cào cuối tuần và ngày lễ; phải có bằng cấp và chứng chỉ phù hợp; vi phạm quy định có thể dẫn đến đóng cửa trung tâm và phạt tiền (Ministry of Education, China, 2023).

Giám sát các trung tâm dạy thêm tư nhân (tương tự như ở Hàn Quốc): Chính phủ tăng cường giám sát các trung tâm dạy thêm để đảm bảo chất lượng và tuân thủ quy định. Các trung tâm dạy thêm bị cấm hoạt động vào cuối tuần và ngày lễ để giảm bớt áp lực học tập cho học sinh (Wang, 2022). Còn về chất lượng, an toàn, giám sát thì tương tự như quy định của Hàn Quốc.

Hạn chế thời gian học thêm (không hẳn giống như ở Hàn Quốc): Các trung tâm dạy thêm bị cấm hoạt động vào cuối tuần và ngày lễ, nhằm giảm bớt áp lực học tập cho học sinh (Wang, 2022).

Phản ứng của giáo viên và phụ huynh (chung ở cả hai nước): Mặc dù nhiều giáo viên đồng tình, ủng hộ với các chính sách của Chính phủ vì nó giúp giảm bớt áp lực và cải thiện chất lượng giảng dạy chính khóa, nhưng rất nhiều giáo viên phản đối các quy định này vì họ mất đi một nguồn thu nhập quan trọng. Hơn nữa, trong bối cảnh áp lực thi cử gần như hàng đầu thế giới ở Hàn Quốc, nhiều phụ huynh lo lắng rằng các quy định này sẽ làm giảm cơ hội học tập của con em họ. Tuy nhiên, cũng có nhiều phụ huynh ủng hộ vì nó giúp giảm bớt gánh nặng tài chính và áp lực học tập.

Từ các thông tin trên, có thể đưa ra một số bình luận đối với chính sách của Việt Nam về chủ đề này:

Thứ nhất, giấy phép giảng dạy là một từ khoá được nhắc nhiều và giống nhau, có thể bị thu hồi đối với giáo viên ở Hàn Quốc, Trung Quốc khi họ vi phạm quy định của chính phủ. Do đó, giấy phép giảng dạy là một vấn đề đáng được quan tâm hơn nữa ở Việt Nam, trong đó không chỉ tập trung vào hệ thống công lập mà cả hệ thống ngoài công lập (các trung tâm hoặc cá nhân mỗi “người dạy”).

Thứ hai, vẫn còn những lỗ hổng nhất định cho việc kiểm soát, đảm bảo chất lượng, đảm bảo quyền lợi người học đối với các hoạt động dạy thêm-học thêm online. Có thể chỉ ra một số thông tin đáng chú ý cho bạn đọc tham khảo (Rachel, 2013): Theo Forbes, trung bình giáo viên ở Hoa Kỳ kiếm được mức lương 51.000 đô la (năm 2012). Forbes gợi ý rằng nếu muốn kiếm được nhiều hơn, họ nên tìm một công việc thứ hai vào mùa hè hoặc lấy bằng sau đại học và dạy cho sinh viên sau trung học. Tuy nhiên, ở Hàn Quốc, có một con đường khác để kiếm được nhiều tiền hơn. Giáo viên có thể tham gia dạy kèm trực tuyến riêng, nơi giá trị của họ dựa trên mức độ giỏi của họ trong công việc. Theo báo cáo của Wall Street Journal, những gia sư giỏi nhất, chẳng hạn như giáo viên "siêu sao" Kim Ki-hoon, kiếm được hơn 4 triệu đô la. Thầy Kim đã giảng dạy trong hơn 20 năm, tất cả đều ở các học viện dạy kèm sau giờ học tư nhân của đất nước, được gọi là hagwon. Không giống như hầu hết giáo viên trên toàn cầu, thầy được trả lương theo nhu cầu về kỹ năng của mình. Thầy Kim làm việc khoảng 60 giờ một tuần để dạy tiếng Anh, mặc dù thầy chỉ dành ba giờ trong số đó để giảng bài. Các lớp học của ông được ghi lại trên video và Internet, có thể mua trực tuyến với giá 4 đô la một giờ. Ông dành phần lớn thời gian trong tuần để trả lời các yêu cầu trợ giúp trực tuyến của học sinh, lập kế hoạch bài học và viết sách giáo khoa và sách bài tập đi kèm (khoảng 200 cuốn cho đến nay).

Thầy giáo Kim Ki-hoon – giáo viên dạy tiếng Anh nổi tiếng ở Hàn Quốc

Các khóa học như vậy cực kỳ phổ biến ở Hàn Quốc, nơi các bậc phụ huynh đã chi khoảng 17 tỷ đô la chỉ riêng trong năm 2012, theo WSJ. Để so sánh, theo The New York Times, vào năm 2010, Hoa Kỳ đã chi khoảng 5 đến 7 tỷ đô la cho gia sư riêng, bao gồm các bài học một kèm một và trên internet. Vào năm 2009, tờ Wall Street Journal đưa tin rằng các bậc phụ huynh đã chi khoảng 2,9 tỷ đô la chỉ riêng cho việc luyện thi SAT, phần lớn trong số đó được chuyển cho các công ty luyện thi Kaplan và Princeton Inc.

Rõ ràng, thị trường dạy thêm-học thêm là một thị trường sôi động, phức tạp, sinh động trên thế giới, và cần có những nghiên cứu tiếp theo để quản lí nhằm đảm bảo sự phát triển, đóng góp vào sự phát triển giáo dục, đảm bảo sự công bằng và cơ hội tiếp cận giáo dục cho người học. Mỗi chính sách giáo dục đều có tác động đến các đối tượng và đều có những đối tượng ủng hộ hoặc không ủng hộ. Vấn đề đặt ra là cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và thí điểm triển khai, đánh giá tác động để có thể đề xuất các nội dung phù hợp với điều kiện cụ thể ở nước ta.

Lương Ngọc

Tài liệu tham khảo

China Education Association. (2023). Code of Ethics for Educators. Retrieved from http://www.cea.org.cn

Kim, J. (2021). Private tutoring and educational inequality in South Korea. Journal of Education Policy, 36(2), 123-145.

Korean Federation of Teachers' Associations. (2023). Code of Ethics for Teachers. Retrieved from https://www.kfta.or.kr

Lee, S., & Park, H. (2020). The impact of hagwon on Korean education. Asian Journal of Education, 25(3), 45-60.

Ministry of Education, South Korea. (2023). Regulations on private tutoring and hagwon. Retrieved from https://www.moe.go.kr

Ministry of Education, China. (2023). Regulations on private tutoring and educational institutions. Retrieved from http://www.moe.gov.cn

Rachel, N. (2013). Tutors in South Korea, Paid According to Popular Demand, Can Earn Millions. Smithsonian Magazine. https://www.smithsonianmag.com/smart-news/tutors-in-south-korea-paid-according-to-popular-demand-can-earn-millions-26433555/

Wang, Y. (2022). Reforming private tutoring in China: Challenges and opportunities. Chinese Education Review, 18(2), 89-104.

Zhang, X. (2023). Regulating private tutoring in China: Policies and outcomes. Education and Society, 41(3), 156-170.

Bạn đang đọc bài viết Chính sách quản lí chặt chẽ hoạt động dạy thêm của giáo viên ở Hàn Quốc và Trung Quốc tại chuyên mục Khoa học giáo dục và xã hội của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19