Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ thực hiện đổi mới giáo dục tại địa phương

Giáo dục và đào tạo (GDĐT) đóng vai trò quan trọng với sự phát triển của mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, giáo dục là quốc sách hàng đầu. Vì vậy, để hoàn thành mục tiêu đổi mới đội ngũ nhà giáo cần được quan tâm, phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Theo báo cáo của Bộ GDĐT, sau khi Bộ Chính trị bổ sung 65.980 biên chế giai đoạn 2022-2026 cho ngành giáo dục, Bộ GDĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ hướng dẫn địa phương thực hiện việc tuyển dụng và quản lý, sử dụng số biên chế được giao; đồng thời, đổi mới quy trình giao biên chế và tổ chức tuyển dụng giáo viên của các địa phương bảo đảm tuyển dụng kịp thời số biên chế được giao chưa sử dụng.

Đội ngũ nhà giáo cần được quan tâm, phát triển cả về số lượng và chất lượng. (Ảnh: MOET)

Căn cứ hướng dẫn của Bộ GDĐT, các địa phương đã tích cực tổ chức tuyển dụng và đã đạt được kết quả nhất định. Cụ thể, tính đến tháng 4/2024, các địa phương đã tuyển dụng được 19.474 giáo viên trong tổng số 27.826 biên chế được bổ sung. Đến nay, đội ngũ nhà giáo đã được phát triển về số lượng, khắc phục dần những bất cập về cơ cấu. Tính đến hết năm học 2023 - 2024, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông trên toàn quốc là 1.251.377 tăng 17.253 giáo viên so với năm học 2022 - 2023. Có 99.412 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giảm 723 cán bộ quản lý so với năm học trước.

Nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, bất cập trong tuyển dụng giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Bộ GDĐT đã xây dựng và Chính phủ lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Cùng với đó, Bộ GDĐT cũng đã đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng với nhu cầu, tình hình đổi mới. Tính đến hết năm học 2023-2024, tỉ lệ đạt chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 của giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non là 89,3%, cấp tiểu học là 89,9%, THCS 93,8%, THPT 99,9%. So với năm học 2022-2023, tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 ở cấp mầm non, cấp tiểu học, cấp THCS lần lượt tăng thêm 1,9%, 5,5% và 2,9%. Các địa phương đã triển khai công tác bồi dưỡng thường xuyên giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo đúng quy định. Từ năm học 2023-2024, Bộ GDĐT đã xây dựng kho học liệu số về bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trên hệ thống TEMIS để các địa phương xây dựng kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên trên cơ sở nhu cầu của giáo viên và điều kiện thực tế của địa phương.

Đội ngũ cán bộ quản lý phần lớn đều là các nhà giáo giỏi được điều động sang làm công tác quản lý, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, cơ bản đáp ứng được công tác lãnh đạo và quản lý ở các cơ sở giáo dục và các cơ quan quản lý giáo dục. Năng lực sư phạm của phần lớn nhà giáo được nâng lên, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp dạy học triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Theo báo cáo kiểm tra đầu năm học 2024 - 2025 của Sở GDĐT Hà Tĩnh, hiện nay, toàn tỉnh có 668 trường mầm non và phổ thông, trong đó có 28 trường ngoài công lập. So với năm học trước, hệ thống mạng lưới trường học ổn định. Công tác chuẩn bị các điều kiện đảm bảo cho năm học mới được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, thể hiện ở nội dung trong các văn bản ban hành, công tác chỉ đạo đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, đặc biệt là việc giao chỉ tiêu biên chế, sắp xếp, bố trí, sử dụng đội ngũ và tuyển dụng giáo viên. Với nhiều giải pháp đồng bộ, đội ngũ giáo viên các cấp học trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh năm học 2024-2025 cơ bản đảm bảo số lượng, chất lượng để triển khai chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên. Đội ngũ giáo viên được tập huấn, bồi dưỡng có chất lượng, nhất là giáo viên dạy lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Tại Trường TH&THCS Bình Lương, xã Bình Lương (Như Xuân), thầy giáo Nguyễn Thanh Hà, phó hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Chương trình GDPT 2018 đang được thực hiện đồng bộ từ lớp 1 đến lớp 9. Việc thực hiện giảng dạy môn Lịch sử và Địa lý ở bậc tiểu học thuận lợi hơn so với bậc THCS. Lý do là bởi bậc tiểu học, giáo viên được đào tạo để giảng dạy nhiều môn học. Còn bậc THCS tuy Lịch sử và Địa lý là môn tích hợp, nhưng do chưa có giáo viên được đào tạo để đảm nhiệm dạy môn học nên nhà trường vẫn phải phân công 2 giáo việc đảm nhận 2 phân môn Lịch sử và Địa Lý. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc bố trí, sắp xếp chuyên môn. Ngoài ra, trang thiết bị, đồ dùng dạy học Chương trình GDPT 2018 mới được trang cấp đến lớp 2 đối với bậc tiểu học và lớp 6 đối với bậc THCS gây ra nhiều khó khăn cho việc đồng bộ giữa việc học lý thuyết và thực hành.

Năm học 2024-2025, tỉnh Sơn La có 610 trường mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên. Tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 73,3% (tăng 1,2 % so với năm học trước), phòng học bán kiên cố 24,75%; phòng học tạm 1,95% (giảm 0,4%). Theo báo cáo của Sở GDĐT Sơn La, chuẩn bị năm học mới, tỉnh Sơn La đã tổ chức triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo của Bộ GDĐT; đồng thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đúng quy định của pháp luật, phù hợp điều kiện thực tế của địa phương. Trong đó, chú trọng tổ chức tốt việc bồi dưỡng, tập huấn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bảo đảm 100% giáo viên dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đều được tập huấn. Tuy nhiên, Khó khăn của giáo dục tỉnh Sơn La hiện nay là đội ngũ giáo viên còn thiếu, chưa đảm bảo đủ tỷ lệ giáo viên/lớp; việc giảm biên chế viên chức cơ học không phù hợp với các cơ sở giáo dục càng làm cho tình trạng thiếu giáo viên thêm khó khăn.

Mặc dù được quan tâm nhưng trong tiến trình xây dựng và phát triển theo xu hướng đổi mới vẫn còn những bất cập, tồn tại. Một bộ phận nhỏ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục ngại đổi mới, chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng, vai trò của đổi mới giáo dục. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục không đồng đều, đặc biệt là ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, còn khoảng cách lớn so với các vùng thuận lợi. Tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ vẫn còn diễn ra ở các địa phương, đặc biệt là các môn học mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Chính sách, chế độ đãi ngộ nhà giáo chưa thực sự thu hút được nguồn nhân lực cao cho ngành.

Nhằm tạo hành lang pháp lý để địa phương có căn cứ triển khai thực hiện, bảo đảm quyền lợi công bằng cho nhà giáo Bộ GDĐT đang phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng quy định thang bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo và phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có đội ngũ giáo viên phổ thông, mầm non. Bên cạnh đó, Bộ GDĐT đang triển khai nghiên cứu chế độ phụ cấp ưu đãi viên chức ngành giáo dục và thực hiện rà soát, nghiên cứu đề xuất chính sách về chế độ tiền lương đối với viên chức các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có học sinh bán trú ở khu vực miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Với những chính sách quan tâm, ưu tiên đãi ngộ của Đảng, Nhà nước, đội ngũ giáo viên sẽ phát triển, nâng tầm ở cả số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.

  Minh Phong

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ thực hiện đổi mới giáo dục tại địa phương tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19