Vụ trưởng Giáo dục mầm non (Bộ GDĐT) Nguyễn Bá Minh cho biết: Sau hơn 10 năm tổ chức thực hiện, đến nay, Chương trình Giáo dục mầm non đã được thực hiện ở 15.461 cơ sở giáo dục mầm non (đạt tỷ lệ 100%), trong đó có hơn 5,2 triệu trẻ (99%) học 2 buổi/ngày. Chương trình giáo dục mầm non hiện hành đã thể hiện tính ưu việt, khoa học, phù hợp với thực tiễn và góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng; tạo cơ hội cho cơ sở giáo dục và giáo viên chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong triển khai thực hiện; chương trình hướng đến sự phát triển toàn diện, tích hợp, lấy trẻ làm trung tâm, phương châm giáo dục "học bằng chơi, bằng trải nghiệm". Hiện cả nước có hơn 378 nghìn giáo viên, tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,5%; tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non đạt 99,82%.
Cấp học có tính chất quyết định tương lai của trẻ em, cả về phương diện thể chất lẫn tinh thần và trí tuệ. (Ảnh: Tấn Lộc)
Tuy nhiên, trước yêu cầu cao hơn của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, việc ban hành Chương trình giáo dục mầm non mới là điều cần thiết. Theo Bộ GDĐT, về quan điểm và định hướng xây dựng chương trình giáo dục mầm non mới cần kế thừa, phát triển trên quan điểm chương trình hiện hành để dễ thực hiện và tiếp tục phát triển. Đặc biệt, chương trình tiếp cận với các phương pháp giáo dục tiên tiến, hội nhập với giáo dục quốc tế; chú ý nhiều hơn đến các vấn đề giáo dục trẻ trở thành công dân toàn cầu. Nội dung chương trình cần thể hiện rõ nét tính liên thông với Chương trình giáo dục phổ thông, trong đó, cần xem xét lại khả năng tiền học đọc và tiền học viết cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi để liên thông với tiếng Việt tiểu học. Chương trình cũng cần cho trẻ làm quen với ngoại ngữ và đưa thêm phần ứng dụng công nghệ; giáo dục quyền con người, giáo dục hòa nhập, giáo dục giới tính. Đặc biệt, chương trình được thiết kế mang tính mở để bảo đảm phù hợp với các điều kiện vùng, miền...
Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo yêu cầu, việc đổi mới được thực hiện ở tất cả các bậc học, chuyển từ giáo dục trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất người học. Với Giáo dục mầm non giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, hiểu biết, thẩm mỹ, hình thành các yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị tốt cho trẻ bước vào lớp 1, chú trọng kết hợp chăm sóc, nuôi dưỡng với giáo dục phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, yêu cầu phát triển thể lực và hình thành nhân cách. Mới đây, Kết luận số 91 ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29 ngày 4/11/2013 của Trung ương Đảng cũng nêu rõ: Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các bậc học. Trong đó, ban hành và tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục mầm non mới với nội dung, phương pháp tiên tiến, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Điều này khẳng định chắc chắn, đổi mới giáo dục mầm non và xây dựng, thí điểm, ban hành Chương trình Giáo dục mầm non mới là việc làm cấp bách, cần thiết, mang tính kế thừa và phù hợp với thực tiễn quốc gia.
Từ thực tế quản lý nhà trường, nhà giáo Nguyễn Thị Băng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Ninh, Thành phố Yên Bái (Yên Bái), cho rằng: Chương trình Giáo dục mầm non thể hiện quan điểm giáo dục toàn diện, tích hợp, lấy trẻ làm trung tâm, với phương châm giáo dục “trẻ chơi mà học, học bằng chơi”. Quan điểm Chương trình Giáo dục mầm non mới đảm bảo tính liên thông giữa các độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo, giữa Chương trình Giáo dục mầm non và Giáo dục phổ thông. Điều này thể hiện rõ trong mục tiêu, nội dung, kết quả mong đợi, các điều kiện thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non, yêu cầu về mục tiêu, phương pháp, nội dung và hướng dẫn thực hiện chương trình. Cơ sở giáo dục mầm non có thể bổ sung nội dung chương trình để phát triển thành chương trình nhà trường phù hợp với thực tiễn.
Tiến sĩ Đặng Lộc Thọ, thành viên Tiểu ban Giáo dục mầm non, Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực cho hay: Chương trình mang tính chất khung quốc gia, mang tính mở, trao quyền chủ động cho các địa phương và cơ sở giáo dục mầm non tự chủ trong triển khai. Trên cơ sở Chương trình khung quốc gia, các cơ sở giáo dục mầm non phát triển chương trình giáo dục nhà trường phù hợp với thực tế của nhà trường, văn hóa địa phương, nhu cầu và khả năng của trẻ. Đây là cách làm hay và hết sức hiệu quả mà các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới đều thực hiện.
Theo GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Khoa học giáo dục Việt Nam, Trưởng ban biên soạn Chương trình Giáo dục mầm non, quan điểm xây dựng chương trình giáo dục mầm non mới sẽ theo hướng tiếp cận năng lực, quan tâm đến phát triển toàn diện, quan tâm đến đặc thù vùng miền và trao quyền triển khai chương trình giáo dục mầm non ở các địa phương. Chương trình giáo dục mầm non mới dự kiến sẽ chú trọng đến bốn phẩm chất gồm: Yêu thương, tôn trọng, trung thực, trách nhiệm. Đồng thời, sẽ chú trọng năm năng lực chung gồm: Giao tiếp, hợp tác, giải quyết vấn đề, thích ứng, tự lực.
Bộ trưởng GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Bộ GDĐT đặc biệt lưu ý đến cấp học mầm non, bởi đây là cấp học có tính chất quyết định tương lai của trẻ em, cả về phương diện thể chất lẫn tinh thần và trí tuệ. Để xây dựng Chương trình giáo dục mầm non mới, nhóm biên soạn cần tiếp tục đánh giá, khảo sát sâu hơn đối với chương trình giáo dục mầm non hiện hành, tiếp thu ý kiến từ đội ngũ giáo viên về những thuận lợi, vướng mắc khi triển khai chương trình. Về việc thiết kế chương trình cần lưu ý chương trình vừa tiếp cận được kinh nghiệm thế giới, khoa học với bậc học mầm non; vừa phù hợp với điều kiện thực tiễn văn hóa, phong tục, tập quán của người Việt Nam. Chương trình giáo dục mầm non mới cũng phải đạt được các mục tiêu, quan điểm chỉ đạo mang tính chiến lược của Việt Nam về phát triển con người. Bên cạnh đó, khi xây dựng chương trình cần lưu ý tính kế thừa chương trình cũ, lấy nền tảng khoa học tâm lý học, trong đó nhấn mạnh đặc thù lứa tuổi.
Việc khảo sát, thử nghiệm Chương trình Giáo dục mầm non mới sẽ được làm thấu đáo. Mục tiêu là có một chương trình giáo dục mầm non tốt, phù hợp với lứa tuổi, phù hợp với khả năng thực hiện. Vì vậy, ngay trong quá trình xây dựng chương trình, các địa phương cần chuẩn bị lực lượng, tập huấn, đào tạo giáo viên bảo đảm số lượng và chất lượng. Song song với đó, các trường sư phạm cần chú trọng đổi mới chương trình đào tạo giáo viên.
Về lộ trình thực hiện, từ năm 2025 - 2028 tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non thực hiện Chương trình; thực hiện thí điểm Chương trình Giáo dục mầm non mới ở một số cơ sở giáo dục mầm non; đánh giá độc lập quá trình thực hiện thí điểm. Năm 2029 sẽ thẩm định, ban hành Chương trình Giáo dục mầm non mới; hướng dẫn thực hiện và triển khai đại trà Chương trình Giáo dục mầm non mới trên toàn quốc từ năm học 2029-2030. Dự kiến, dự thảo Nghị quyết này sẽ được Bộ GDĐT trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào kỳ họp tháng 5/2025.
Minh Phong