Phát triển kỹ năng công dân số cho học sinh phổ thông

Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới, chuyển đổi số được sử dụng tối ưu ở tất cả các lĩnh vực trong đó có giáo dục và đào tạo. Điều này đỏi hỏi cấp thiết về việc trang bị cho các em những kiến thức và kỹ năng cần thiết để sử dụng công nghệ một cách hiệu quả, an toàn.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), trong hầu hết các môn học thuộc Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đều hàm chứa những nội dung, cơ hội hình thành và phát triển năng lực tin học nói riêng và thực hiện giáo dục kỹ năng công dân số nói chung. Vì vậy, việc tích hợp nội dung giáo dục kỹ năng công dân số vào quá trình dạy học các môn, hoạt động giáo dục là một giải pháp khả thi và hiệu quả. Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GDĐT) Thái Văn Tài, học sinh tiểu học là độ tuổi đang bắt đầu khám phá, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Việc giúp các em có các kỹ năng cơ bản về sử dụng công nghệ và truyền thông một cách an toàn, đúng cách sẽ góp phần tránh được các rủi ro và nguy hiểm trực tuyến. Có kỹ năng công nghệ cũng giúp các em phát triển một tư duy đa chiều và phát triển các kỹ năng sáng tạo cần thiết trong kỷ nguyên số.

Giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học là vấn đề cấp bách và cần thiết. Ảnh: Trường Tiểu học Thăng Long (Hà Nội) cung cấp

Các trường học và tổ chức giáo dục trên thế giới đang triển khai các chương trình giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học, bao gồm cả các hoạt động ngoài giờ học và trong lớp học. Việc giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học cũng được chú trọng hơn trong các chính sách giáo dục của nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và truyền thông. Nhiều quốc gia đã đưa giáo dục kỹ năng công dân số vào các chương trình giáo dục chính thức và đầu tư để đào tạo giáo viên và cung cấp tài nguyên giáo dục để triển khai chương trình này.

Ở Việt Nam, trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Tin học đã trở thành bắt buộc ở cấp tiểu học, từ lớp 3, với thời lượng 1 tiết/tuần trong 35 tuần học/năm. Các nội dung kỹ năng công dân số cũng được thể hiện phong phú, đa dạng hơn với ba mạch kiến thức chủ đạo là khoa học máy tính; công nghệ thông tin và truyền thông; học vấn số hóa phổ thông. Bàn về vấn đề này, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam Lê Anh Vinh nhận định: Chúng ta đang sống trong một thế giới mà trí tuệ nhân tạo đang nhanh chóng định hình lại tư duy phát triển, chiến lược quốc gia về ngành công nghiệp, nền kinh tế và cả cuộc sống hàng ngày. Tiềm năng của trí tuệ nhân tạo rất lớn, chính vì vậy việc đảm bảo rằng học sinh của chúng ta được trang bị những kỹ năng thiết yếu để phát triển trong bối cảnh mới này là nhiệm vụ hết sức cấp bách.  “Tích hợp năng lực trí tuệ nhân tạo vào chương trình giảng dạy, lồng ghép các kỹ năng AI vào nhiều các môn học tạo ra một môi trường học tập sáng tạo. Khi học sinh hiểu rõ tiềm năng và giới hạn của trí tuệ nhân tạo, họ trở thành những công dân có hiểu biết, có thể tham gia vào các cuộc thảo luận có ý nghĩa về tác động của công nghệ này đối với xã hội. Thông qua đó, không chỉ trang bị cho học sinh những kỹ năng đúng đắn, chuẩn bị tương lai nghề nghiệp mà còn trao quyền cho học sinh để có khả năng giải quyết những vấn đề gặp phải trong học tập và xã hội”, Viện trưởng Lê Anh Vinh nhấn mạnh.

Tại Việt Nam, giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học cũng được xem là một trong những nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt. Điển hình như tại Thành phố Hồ Chí Minh, sau khoảng thời gian thí điểm, hoạt động này đã được triển khai tại tất cả cơ sở giáo dục tiểu học trong năm học 2024-2025. Sở GDĐT Thành phố Hồ Chí Minh quy định có bốn hình thức tổ chức giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học năm học 2024-2025, bao gồm: Dạy học môn Tin học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học; tích hợp giáo dục kỹ năng công dân số trong dạy học các môn học, hoạt động giáo dục; dạy học tăng cường giáo dục kỹ năng công dân số; và Tổ chức câu lạc bộ giáo dục kỹ năng công dân số.

Trong đó, việc thiết kế và tổ chức dạy học bài học tích hợp nội dung giáo dục kỹ năng công dân số có thể sử dụng hình thức bài học STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), theo một trong hai tiến trình thiết kế kỹ thuật hay nghiên cứu khoa học. Còn với hình thức dạy tăng cường, có thể dạy trải đều khoảng một đến hai tiết mỗi tuần hoặc xây dựng thành các chủ đề theo từng giai đoạn. Việc tăng cường nội dung giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh lớp 1 và 2 hướng đến mục tiêu hình thành sớm các kỹ năng cần thiết cho công dân số, làm cơ sở để các em tiếp cận và học tập thuận lợi môn Tin học ở các lớp tiếp theo.

Theo bà Tara O’Connell, Trưởng Chương trình Giáo dục, Tổ chức UNICEF Việt Nam, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh toàn cầu hiện nay vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với giáo dục. Thực tế mới này đòi hỏi phải có sự thay đổi trong các kỹ năng giáo dục cho học sinh, sinh viên thông qua hệ thống giáo dục quốc gia.

Ngoài các môn học truyền thống, học sinh sẽ cần các năng lực về tư duy phân tích, tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề, tự chủ, hợp tác và đạo đức để thành công trong cuộc sống khi mà công nghệ thay đổi hàng ngày, hàng giờ. Thời điểm này, trí tuệ nhân tạo đang ở giai đoạn đầu của sự hình thành và phát triển do vậy học sinh cần có những kiến ​​thức trí tuệ nhân tạo cơ bản, nuôi dưỡng sự tự tin và năng lực trong việc điều hướng bối cảnh công nghệ đang phát triển. Từ đó, các em sẽ có sự chuẩn bị thiết yếu, cơ bản, sẵn sàng cho những nghề nghiệp trong tương lai do trí tuệ nhân tạo thúc đẩy trong kỷ nguyên số.

Tại hội nghị triển khai thí điểm giáo dục kỹ năng công dân số đối với cấp tiểu học, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, việc thực hiện thí điểm giáo dục kỹ năng công dân số tại các địa phương là cấp thiết và hết sức quan trọng, nhất là ở khâu chuẩn bị. Đối với các địa phương được lựa chọn làm thí điểm, cần phải nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong quá trình triển khai. Bởi thí điểm không chỉ là được thực hiện ở một trường, một phòng giáo dục và đào tạo, một địa phương mà còn là điều kiện, nền tảng để Bộ Giáo dục và Đào tạo làm mẫu, có thể nhân rộng đến các địa phương khác và có những quyết định về lộ trình mới tiếp theo. Cũng theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, trong quá trình triển khai chương trình các địa phương cần linh hoạt, sáng tạo, không cứng nhắc, triển khai phù hợp với điều kiện địa phương và mục tiêu chung của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đề ra. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên phải được tập huấn kỹ, nhất là những giáo viên trực tiếp giảng dạy cần có nhận thức đúng đắn, rõ ràng đối với việc giáo dục kỹ năng công dân số. Đây là việc quyết định thành công hay không của chương trình thí điểm lần này.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương có chỉ đạo về giám sát, kiểm tra nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn và đồng hành với giáo viên trong quá trình thực hiện. Các sở giáo dục và đào tạo tham mưu UBND tỉnh, thành phố có phương án bố trí nguồn kinh phí, trang bị cơ sở vật chất để bảo đảm thực hiện giáo dục kỹ năng công dân số phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận, huy động nguồn lực của cộng đồng triển khai thực hiện hiệu quả giáo dục kỹ năng công dân số trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc thẩm quyền quản lý.

Bảo An

 

 

Bạn đang đọc bài viết Phát triển kỹ năng công dân số cho học sinh phổ thông tại chuyên mục Dạy và học trong nhà trường của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19