Đổi mới dạy, học môn Ngữ văn phát huy tính chủ động, sáng tạo của giáo viên và học sinh

Trong một thời gian dài, việc học Văn ở một số nơi đã xảy ra tình trạng học theo khuôn mẫu, lối mòn, học vẹt, học thuộc lòng, học chỉ để lấy điểm. Yêu cầu đổi mới phương pháp dạy, học, đánh giá môn Ngữ văn vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để cả giáo viên và học sinh được thực sự phát triển năng lực bản thân mình.

Trên thực tế, việc tránh sử dụng ngữ liệu sách giáo khoa trong kiểm tra môn Ngữ Văn đã được thực hiện 3 năm đối với bậc Trung học cơ sở và 2 năm với bậc Trung học phổ thông. Ở nhiều trường học, thầy cô đã cùng vượt khó để tìm ra những cách làm hay, làm tốt. Và kết quả cho thấy, cả giáo viên và học sinh đã thực sự phát triển năng lực bản thân chứ không chỉ học vẹt, học thuộc lòng, học vì điểm số như trước kia.

Đổi mới day, học môn Ngữ văn vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để cả giáo viên và học sinh được thực sự phát triển. (Ảnh: Hiếu Nguyễn)

Khi đưa vào một tác phẩm mới, để học sinh không bị bỡ ngỡ, giáo viên đã cẩn thận chú thích những từ, những khái niệm mà học sinh có thể chưa biết. Một quy trình của từng giáo viên và của cả tổ chuyên môn trong lựa chọn tác giả, tác phẩm được xây dựng. Nhờ vậy, giáo viên không sợ sai mà nhà trường vẫn có được những đề văn hay, được học sinh yêu thích. Thay vì chỉ quanh quẩn trong những tác phẩm của sách giáo khoa như trước kia, học sinh đã được mở rộng vốn đọc. Thay vì chỉ học thuộc một tác phẩm để lấy điểm, học sinh đã có được kỹ năng để thích ứng với những tác phẩm, quan điểm mới.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của nhận thức về sự đổi mới trong phương pháp dạy, học môn Ngữ văn, cô giáo Đình Thị Thủy - Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THCS - THPT Phenikaa (Hà Nội) cho rằng, phải đổi mới cả dạy đọc, dạy viết, dạy nói, nghe và kiểm tra, đánh giá. Theo đó, với dạy đọc, giáo viên cần giao nhiệm vụ học tập rõ ràng, phù hợp với khả năng của học sinh, có phân hóa theo năng lực; cung cấp cho học sinh công cụ, cách thức đọc hiểu văn bản. Phần luyện tập cần thiết kế hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ. Phần vận dụng nên đưa ngữ liệu mới cho học sinh làm quen. Với dạy viết, hướng dẫn học sinh bằng công cụ có đo lường (tiến trình, cách thức, các tiêu chí, thang đo tiêu chí); chú trọng yêu cầu học sinh hình thành ý tưởng, đảm bảo cấu trúc. Đối với dạy nói và nghe, đề tài chọn cho học sinh nói, nghe gắn với yêu cầu môn học, gần gũi với cuộc sống; thang đo bảo đảm có định lượng; đa dạng hóa hình thức như thuyết trình, clip, phóng sự, phù hợp với năng lực và điều kiện thực tế nhà trường. Một điểm quan trọng được cô Đình Thị Thủy lưu ý là ngữ liệu mới cần có sự phong phú hóa nhưng phải bảo đảm chất lượng. Ngữ liệu có thể lấy từ văn bản khác với văn bản đã học của các tác giả đã được thẩm định; phần văn bản còn lại trong sách giáo khoa nếu trong sách chỉ cho học một phần; ngữ liệu ở bộ sách giáo khoa khác.

Sau một thời gian triển khai thực hiện đổi mới dạy học môn ngữ văn, cô Phạm Thị Xuân Rớt - Tổ phó Tổ ngữ văn Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo, tỉnh Bình Thuận chia sẻ: Nội dung môn Ngữ văn theo Chương trình GDPT 2018, tức là chương trình mở, nguồn học liệu mở, phương pháp tiếp cận mở, nhiều tác phẩm văn học mới đã đưa vào sách giáo khoa. Nội dung chương trình được tổ chức theo trục kỹ năng: Đọc - nói - viết - nghe. Mỗi tiết học bám sát hoạt động giao tiếp với các kỹ năng ấy, không còn tình trạng một học sinh viết rất hay nhưng nói dở, nói rất hay nhưng viết dở, đọc bài mà không hiểu hoặc nghe mãi vẫn chưa thông. Sau mỗi bài học, những điều học sinh nhận lại được sẽ là tổng hợp và đồng đều cả 4 kỹ năng: Đọc - nói - viết - nghe. Mặt khác, sách giáo khoa không còn là pháp lệnh, chỉ là tài liệu mang tính chất tham khảo. Việc “học tủ”, “học vẹt”, chép văn mẫu không thể tồn tại được nữa. Theo cô Rớt, để đáp ứng chương trình đổi mới đòi hỏi giáo viên phải đổi mới cách tiếp cận, chú trọng hình thành phẩm chất năng lực cho học sinh, tích hợp kiến thức ngôn ngữ và kiến thức văn học thông qua chuỗi hoạt động. Còn học sinh phải phát huy tinh thần tự học, khơi gợi khả năng sáng tạo của cả thầy và trò, giúp học sinh phát triển tư duy, cảm xúc, tăng vốn sống và năng lực ngôn ngữ.

Qua 3 năm thực hiện Chương trình GDPT 2018, thầy Nguyễn Phương Bắc, giáo viên Trường THCS Lâm Thao, Lương Tài, Bắc Ninh nhận định, cơ bản giáo viên và học sinh đã làm quen với phương pháp giảng dạy, học tập, kiểm tra đánh giá. Trên lớp, giáo viên hướng dẫn học sinh khám phá các văn bản trong từng chủ đề và hướng dẫn học sinh tìm các văn bản khác cùng chủ đề, trục thể loại để rèn kỹ năng đọc hiểu. Với việc đổi mới kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn, theo thầy Nguyễn Phương Bắc, việc phát huy văn hoá đọc là vô cùng cần thiết. Giáo viên tổ chức và hướng dẫn học sinh tìm đọc các tác phẩm ngoài chương trình có chọn lọc, có định hướng để mở mang hiểu biết và có kiến thức nền phục vụ việc viết bài nghị luận văn học. Trong thực tế đây là một việc khó, bởi văn hoá đọc hiện nay trong học sinh, nhất là đọc văn bản in chưa phải là thói quen tự giác. Nhờ công nghệ, giáo viên hỗ trợ học sinh đọc sách điện tử, cung cấp địa chỉ trang mạng đọc sách điện tử để học sinh học trên các thiết bị số. Nhà trường, gia đình và giáo viên cần rèn cho học sinh thói quen đọc sách. Việc đọc sách thường xuyên không chỉ phục vụ việc học Ngữ văn trong Chương trình GDPT 2018 mà còn hình thành một nét văn hoá đẹp, hữu ích trong cộng đồng.

Đối với đổi mới dạy, học đánh giá môn Ngữ văn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đặc biệt lưu ý cần tập trung nhiều hơn cho môn tiếng Việt, cần tiếp cận môn tiếng Việt với mục tiêu bất kỳ người Việt nào cũng có trình độ và năng lực tiếng Việt tốt không chỉ ở bậc phổ thông, mà ở cả các cấp học cao hơn. Khẳng định quan điểm cần triệt tiêu văn mẫu, Bộ trưởng nhấn mạnh, văn học phải củng cố vị trí của một môn học nghệ thuật. Môn học cần phát triển tư duy nghệ thuật, trong đó đặc biệt lấy phát triển tư duy hình tượng, lấy văn học làm rộng mở trí tượng tưởng, phát triển các cảm xúc đồng thời nhấn mạnh: “Cần loại bỏ xúc động theo mẫu, tưởng tượng theo khuôn và tình cảm theo quy định. Làm được như thế mới giải phóng được con người”.

Cho rằng, đổi mới dạy học, kiểm tra và đánh giá môn Lịch sử, Ngữ văn là việc cần thiết, quan trọng, song Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng yêu cầu “không thể nóng vội và cần có tầm nhìn đổi mới”. “Chúng ta bàn về sự đổi mới để hướng tới sự tốt nhất. Có thể nhìn thấy con đường đi còn xa nhưng cần phải biết sẽ đi đến đâu. Đổi mới phải bắt đầu từ bên trong, từ chính chúng ta trước, sau đó thuyết phục xã hội. Con đường còn dài, nhưng tính tổng thể và tầm nhìn đổi mới phải bắt đầu…”, Bộ trưởng nêu rõ.

Quang Minh

Bạn đang đọc bài viết Đổi mới dạy, học môn Ngữ văn phát huy tính chủ động, sáng tạo của giáo viên và học sinh tại chuyên mục Dạy và học trong nhà trường của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19