Đào tạo nhân lực ngành sư phạm luôn được chú trọng

Nhằm phục vụ nhu cầu về nhân lực cho ngành giáo dục, đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm ngày càng đổi mới công tác tuyển sinh, đào tạo. Theo đó, các cơ sở đào tạo chọn lọc đầu vào, kỹ càng đầu ra với tiêu chí ngày càng cao, đáp ứng kỳ vọng của các đơn vị sử dụng nhân lực.

Trường Đại học Kiên Giang tuyển sinh, đào tạo ngành sư phạm toán từ năm đầu đi vào hoạt động. Từ năm 2015 đến nay, trường có 6 khóa sinh viên tốt nghiệp, hầu hết sinh viên ra trường có việc làm phù hợp chuyên môn. Sau đó, trường lần lượt mở rộng đào tạo sư phạm với hai ngành giáo dục tiểu học và giáo dục mầm non. Đến nay, toàn trường có hơn 400 sinh viên theo học các ngành sư phạm toán, giáo dục tiểu học, giáo dục mầm non.

Các cơ sở giáo dục đào tạo triển khai chọn lọc đầu vào, kỹ càng đầu ra với tiêu chí ngày càng cao. (Ảnh: Thu Hiền)

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Kiên Giang, để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp giáo dục và đào tạo, trường thường xuyên rà soát, cập nhật chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng, đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội và yêu cầu đổi mới giáo dục. Trường nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên thông qua tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, khuyến khích giảng viên tham gia các chương trình trao đổi giảng viên, nâng cao trình độ tiếng Anh và phương pháp giảng dạy tiên tiến. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, sử dụng các nền tảng học trực tuyến, phần mềm giảng dạy và các công cụ công nghệ hỗ trợ học tập giúp sinh viên tiếp cận với nguồn tài liệu phong phú; tăng cường hợp tác với các cơ sở giáo dục để tạo cơ hội cho sinh viên thực tập, nắm bắt tốt nhu cầu và đặc thù của nghề giáo, rèn luyện và hoàn thiện kỹ năng giảng dạy. Công tác tuyển sinh, đào tạo ngành sư phạm của Trường Đại học Kiên Giang những năm qua thuận lợi vì chất lượng sinh viên đầu vào ngày càng nâng cao, Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi đối với sinh viên ngành sư phạm. Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành cho biết thời gian tới trường tích cực thực hiện chuyển đổi số trong đào tạo; đào tạo nghề nghiệp theo hướng linh hoạt và thực tế, đáp ứng nhu cầu của ngành giáo dục và xã hội để sinh viên thích ứng nhanh, làm việc hiệu quả trong môi trường giáo dục đa dạng. Cùng với đó, trường nỗ lực đảm bảo sự phát triển toàn diện cho sinh viên, không chỉ chú trọng vào kiến thức chuyên môn mà còn phát triển các kỹ năng mềm, đạo đức nghề nghiệp và tinh thần sáng tạo. Trường tăng cường hợp tác với các tổ chức giáo dục quốc tế để cập nhật chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng giảng viên, tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các chương trình trao đổi quốc tế; phát triển mô hình đào tạo giáo viên đa dạng, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học giáo dục và ứng dụng vào giảng dạy…

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Sang - Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Sư phạm và Xã hội Nhân văn cho biết: “Trường Đại học Kiên Giang định hướng đào tạo theo định hướng ứng dụng, chương trình đào tạo gắn thực tế, tăng cường thực hành, thực tập. Thực hiện định hướng chung của trường, khoa thường xuyên cập nhật nội dung mới về chương trình đào tạo, nhất là chương trình giáo dục phổ thông 2018 để giảng viên vận dụng, giảng dạy cho sinh viên, giúp sinh viên tiếp cận sớm, vận dụng tốt trong quá trình thực tập và đáp ứng tốt yêu cầu công việc sau tốt nghiệp”. Ngoài ra, Khoa Sư phạm và Xã hội nhân văn tăng cường cho sinh viên thực tập sư phạm để sinh viên tiếp cận với thực tiễn giảng dạy ở trường phổ thông; tổ chức câu lạc bộ sư phạm tạo điều kiện cho sinh viên rèn luyện kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm.

Theo TS Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hệ thống Trường chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội), chủ trương đổi mới giáo dục của các trường sư phạm được đánh giá thông qua việc đưa đoàn sinh viên đến thực tập ở cơ sở giáo dục. Làm sao để giáo sinh đến trường phổ thông hồ hởi, đam mê, muốn hòa nhập vào quá trình giáo dục và dạy học ở trường mầm non, phổ thông để chuẩn bị cho nghề nghiệp, đến khi ra trường có công ăn việc làm và trở thành nhà giáo thực thụ, chân chính. Sinh viên sư phạm cần hiểu về nghề nhà giáo thời nay; cảm nhận vinh dự khi được học sinh gọi bằng thầy, cô giáo. Các em cần quan sát, tìm hiểu thực tế, “thấu hiểu” những gì đang diễn ra ở trường phổ thông và sẵn sàng cho tương lai của mình.

Cần nhấn mạnh rằng, các em xuống trường phổ thông không phải chỉ để lấy điểm thực hành dạy học mà là học cách trở thành thầy, cô giáo trong bối cảnh xã hội biến đổi, tâm lý học sinh thay đổi, phức tạp, đầy thách thức. Quan sát xem ở trường phổ thông làm gì, làm thế nào để giải quyết các vấn đề nổi cộm hằng ngày. Ở đó, nhà trường, giáo viên giáo dục và dạy học sinh như thế nào? Từ đó xác định trách nhiệm và lòng yêu nghề, để không phạm lỗi đáng tiếc, không giảm sút lòng yêu nghề. “Chính vì vậy, tôi mong các trường sư phạm nói chung cần quan tâm đến thực chất của việc thực tập sư phạm, làm hết sức mình để các em được học nhiều, học sâu sắc các bài học từ thực tế. Làm sao để các em không coi nhẹ, trái lại còn chú tâm, hào hứng, tranh thủ thời cơ hơn bao giờ hết”, TS Nguyễn Văn Hòa nói.

Phía các trường đại học sư phạm cần có chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học, hiện đại, thiết thực để giáo viên trường phổ thông được giao lưu học hỏi. Còn các trường phổ thông cần coi nhiệm vụ thực tập sư phạm là trách nhiệm với nền giáo dục, tương lai, hỗ trợ các đoàn thực tập sư phạm tối đa có thể. Sẵn sàng đón nhận đoàn thực tập đến trường, tối đa sĩ số có thể với quy mô hiện tại của trường phổ thông.

Năm học này, Trường đại học Đồng Tháp tuyển sinh 19 ngành đào tạo sư phạm trình độ đại học và một ngành đào tạo sư phạm trình độ cao đẳng. Trường đại học Đồng Tháp cũng là cơ sở giáo dục duy nhất tại vùng Tây Nam Bộ đang đào tạo đầy đủ ngành sư phạm phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Năm 2023, trường tuyển sinh được gần 2.800 sinh viên vào học các ngành sư phạm. Kỳ tuyển sinh năm nay, nhóm ngành sư phạm của Trường đại học Đồng Tháp là những ngành có mức điểm chuẩn cao nhất ở phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, dao động từ 22,5 đến 27,84 điểm, trong đó, cao nhất là ngành sư phạm Lịch sử.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh Đồng Tháp, đến tháng 9/2024, tỉnh Đồng Tháp có hơn 16.670 giáo viên mầm non, phổ thông (không bao gồm cán bộ quản lý, giáo viên đoàn - đội). So với nhu cầu chung, tỉnh Đồng Tháp còn thiếu 1.426 giáo viên, trong đó tập trung nhiều ở các bộ môn: mầm non: 428 giáo viên, tiểu học 316 giáo viên, tiếng Anh: 178 giáo viên, Tin học: 125 giáo viên, Ngữ văn: 107 giáo viên. Việc đào tạo nhân lực sư phạm hiện nay trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp còn phụ thuộc vào các cơ sở đào tạo do Bộ GDĐT quản lý (trong đó có Trường đại học Đồng Tháp). Do đó, trên cơ sở các yêu cầu của Bộ GDĐT, Sở GDĐT tỉnh Đồng Tháp sẽ phối hợp các sở, ngành và địa phương rà soát, dự báo số giáo viên sẽ nghỉ hưu, thôi việc. Đồng thời, kết hợp với số giáo viên còn đang thiếu để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất Bộ GDĐT xác định chỉ tiêu đào tạo (hoặc đặt hàng đào tạo) sinh viên sư phạm phù hợp. Hằng năm, Sở cùng các huyện, thành phố rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung biên chế giáo viên theo định mức giáo viên trên lớp do Trung ương quy định (nếu còn thiếu).

Để thu hút tuyển sinh ngành sư phạm, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Nghị định 116 có hiệu lực từ ngày 15/11/2020 và áp dụng từ khóa tuyển sinh năm học 2021 – 2022. Nghị định được kỳ vọng là luồng gió mới nhằm gỡ khó cho ngành Sư phạm; trên hết là nâng chất và lượng đối với sinh viên sư phạm, đồng thời giải quyết được bài toán thừa thiếu giáo viên cục bộ ở các địa phương. Một trong những điểm nổi bật của Nghị định 116 là chính sách hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm. Theo đó, giáo sinh được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu của cơ sở đào tạo và 3,63 triệu đồng một tháng chi phí sinh hoạt trong thời gian học. Kinh phí này từ nguồn ngân sách hằng năm chi cho giáo dục.

 Đức Vinh

                                                                                                           

 

Bạn đang đọc bài viết Đào tạo nhân lực ngành sư phạm luôn được chú trọng tại chuyên mục Dạy và học trong nhà trường của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19