Ảnh 1. Các chuyên gia đã đóng góp nhiều các giải pháp giúp ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương phát triển bền vững.
Dự tọa đàm có ông Phạm Văn Bông - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương, Tiến sĩ Đoàn Ngọc Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một, cùng nhiều nhà khoa học, giảng viên trong lĩnh vực công nghệ sinh học và nông nghiệp công nghệ cao từ TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ.
Trao đổi tại tọa đàm, ông Phạm Văn Bông – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương cho biết, thực hiện mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững, tỉnh Bình Dương đã ban hành các đề án, kế hoạch hướng đến phát triển nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Cùng với đó là nhiều đề án, kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ, cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển du lịch nông nghiệp, tăng cường liên kết chuỗi, sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu bền vững. Đánh giá cao công tác tổ chức tọa đàm của Trường Đại học Thủ Dầu Một, ông Phạm Văn Bông chia sẻ, với vai trò là một trung tâm nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Nhà trường đã và đang tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi nông nghiệp của tỉnh, nhiều dự án nghiên cứu, sản phẩm công nghệ của Trường đã được chuyển giao vào sản xuất nông nghiệp của địa phương. Qua đó, Nhà trường hỗ trợ tích cực cho các trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất và các cơ quan quản lý ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, vùng Đông Nam Bộ.
Ảnh 2: Trường Đại học Thủ Dầu Một ký kết chương trình phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Bình Dương (giai đoạn 2024 – 2030).
Tại tỉnh Bình Dương, mỗi năm ngành nông nghiệp đã đóng góp khoảng 18.000 – 19.000 tỷ đồng, chiếm 2,5% - 3% trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh, góp phần ổn định đời sống của người dân nông thôn, tạo ra lương thực, thực phẩm cho xã hội và cân bằng môi trường sinh thái. Để thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế, tỉnh Bình Dương đang tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Trao đổi tại tọa đàm, các đại biểu, chuyên gia đã bàn thảo các nội dung xoay quanh việc phát triển các chuỗi sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia; nông nghiệp thông minh Bình Dương, vùng Đông Nam bộ. Góp phần giúp ngành nông nghiệp phát triển theo hướng xanh, bền vững, các chuyên gia cho rằng, tỉnh Bình Dương cần có sự tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, tạo thuận lợi cho việc áp dụng kỹ thuật, công nghệ trong canh tác, thu hoạch. Để phát triển ngành nông nghiệp thông minh, Bình Dương tăng cường đầu tư ứng dụng công nghệ và robot vào trong sản xuất, xây dựng các nông trại sản xuất xanh. Mặt khác, Bình Dương rất cần sự phối hợp và đồng hành từ các trường, đơn vị nghiên cứu, chuyển giao thúc đẩy sự phát triển các mô hình liên kết 3 nhà, liên kết 4 nhà để nhanh chóng tận dụng các nguồn lực khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất của nông nghiệp Bình Dương. Các đại biểu cũng đề xuất, Bình Dương đẩy mạnh triển khai các hoạt động liên kết sản xuất và thương mại hóa các sản xuất nông nghiệp.
Ảnh 3: Trường Đại học Thủ Dầu Một đóng góp các giá trị KHCN giúp tỉnh Bình Dương phát triển nền nông nghiệp theo hướng thông minh bền vững.
Với thế mạnh trong hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, Trường Đại học Thủ Dầu Một đã thực hiện ký kết Chương trình phối hợp cùng Hội Nông dân tỉnh (giai đoạn 2024 – 2030). Chương trình phối hợp góp phần giúp người nông dân tăng cường ứng dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế; phục vụ phát triển bền vững ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương. Đặc biệt, các ý kiến đóng góp tại buổi tọa đàm chính là ý tưởng khởi đầu cho các hoạt động phối hợp tiếp theo giữa Trường Đại học Thủ Dầu Một và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương để đưa các giải pháp phù hợp ứng dụng hiệu quả vào sản xuất nông nghiệp của tỉnh, hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh, xanh, bền vững.
Kiên trì mục tiêu xây dựng trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực, cơ cấu ngành học của trường đã được mở rộng, bám sát thị trường nguồn nhân lực và phù hợp với yêu cầu phát triển của địa phương. Trường Đại học Thủ Dầu Một hiện đang có 55 ngành đạo tạo bậc đại học, 11 ngành đào tạo sau đại học. Thể hiện vai trò là trường đại học trọng điểm của tỉnh Bình Dương, nằm ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong chiến lược phát triển quy mô đào tạo, trường Đại học Thủ Dầu Một dự kiến mở thêm ngành mới về nông nghiệp thông minh. Theo đó, ngành nghề mới sẽ đón đầu sự phát triển của nhu cầu thị trường, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng phục vụ sự phát triển ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương, vùng Đông Nam Bộ và cả nước theo hướng xanh, bền vững.
Trong tháng 11/2024, Trường Đại học Thủ Dầu Một đã tổ chức Chuỗi sự kiện khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo TDMU 2024. Nhà trường xác định mỗi năm sẽ có một sự kiện về tuần lễ khoa học cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cùng chia sẻ, bình luận. Năm nay, Nhà trường nhấn mạnh vào những ngành nghề như nông nghiệp thông minh; môi trường; trí tuệ nhân tạo trong phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là trong giáo dục; chuyển đổi số... Đây cũng là hoạt động quan trọng để nhà trường hướng đến phát triển thêm các ngành nghề đào tạo mới, cũng như nâng cao chất lượng những ngành nghề đào tạo đang có để sinh viên có kiến thức phù hợp với thị trường đang cần.
Tìm hiểu thêm về Trường Đại học Thủ Dầu Một tại:
Website: https://tdmu.edu.vn/
Facebook: https://www.facebook.com/dhtdm2009
Trịnh Thu