Trường Đại học Thủ đô Hà Nội: Điểm sáng trong đào tạo nguồn nhân lực ngành giáo dục Thủ đô

Là Trường Đại học công lập duy nhất trực thuộc UBND Thành phố Hà Nội, những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên được Trường Đại học Thủ đô Hà Nội xác định là nhiệm vụ quan trọng, thể hiện thông qua chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho thành phố ngày càng được nâng lên và được tin tưởng.

Trường Đại học Thủ đô Hà Nội là cơ sở đào tạo công lập, được nâng cấp trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội (thành lập năm 1959). Trường được thành lập theo Quyết định số 2402/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ, trực thuộc UBND TP Hà Nội, chịu sự quản lý Nhà nước về giáo dục của Bộ GD&ĐT.

Năm 2024 đánh dấu chặng đường 65 năm truyền thống và 10 năm thành lập Trường Đại học Thủ đô Hà Nội. Đến nay, Nhà trường đã phát triển mạnh mẽ, trở thành cơ sở đào tạo, giáo dục, bồi dưỡng nguồn nhân lực đa ngành. Đồng thời ngày càng khẳng định vai trò trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, góp phần bảo đảm số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên phổ thông trên địa bàn thành phố.

Ảnh 1: Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tự hào là chiếc nôi của các thế hệ nhà giáo năng động, sáng tạo.

Nhà trường cũng là đơn vị triển khai các hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tư vấn chính sách, nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Năm nay là năm đầu tiên Trường chính thức triển khai Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định 4 nhóm lĩnh vực quan trọng gồm: sư phạm; văn hóa và con người Hà Nội; kinh tế và đô thị; công nghệ và môi trường. Với từng nhóm lĩnh vực, Trường đã triển khai xác định các giải pháp phù hợp để thực hiện hiệu quả. Nổi bật là ngành sư phạm - một trong những ngành then chốt của toàn trường đóng góp vào sự phát triển của giáo dục Thủ đô.

Bắt đầu từ năm học 2021 - 2022, Trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao hơn 700 chỉ tiêu tuyển sinh đại học các ngành sư phạm. Nhiệm vụ này được duy trì cho đến nay với chỉ tiêu được giao hằng năm tăng.

Trong công tác đào tạo sinh viên sư phạm, Trường luôn quan tâm xây dựng, điều chỉnh, bổ sung, đổi mới chương trình đào tạo sư phạm đáp ứng với những yêu cầu của đổi mới giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo liên ngành, chương trình đào tạo chất lượng cao ở những ngành đào tạo đủ điều kiện. Xây dựng đề án tuyển sinh theo quy định đảm bảo ổn định và phát triển quy mô người học ở các bậc học. Định hướng rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo đại học, thạc sĩ. Đổi mới công tác khảo thí nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Phát triển công cụ đo lường, đánh giá kết quả, hiệu quả giáo dục.

Bên cạnh việc trang bị kiến thức, Nhà trường rất coi trọng nội dung thực hành giáo dục cho sinh viên sư phạm. Khác với nhiều trường, sinh viên Trường Đại học Thủ đô Hà Nội được đi thực tập từ năm thứ 2. Yêu cầu đối với mỗi sinh viên là thực tập ở nhiều mô hình trường (công lập, ngoài công lập), ở nhiều thời điểm trong năm học với các hoạt động phong phú; đồng thời mỗi sinh viên đều được thực hành ở một trường phổ thông có chất lượng. Nhà trường còn đặc biệt quan tâm đầu tư vận hành hiệu quả trường thực hành sư phạm. Nhờ vậy, sinh viên tốt nghiệp đều bảo đảm kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ sư phạm, sẵn sàng đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, Nhà trường xác định phát triển chương trình đào tạo theo định hướng đào tạo giáo viên là cốt lõi, tập trung phát triển các ngành trong lĩnh vực đào tạo giáo viên (mầm non, tiểu học và trung học); đồng thời tiếp tục hoàn thiện các chương trình đào tạo trong lĩnh vực đào tạo giáo viên bậc trung học cơ sở nhằm đáp ứng việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các trường trên địa bàn thành phố, trong đó chú trọng việc đào tạo giáo viên đáp ứng việc dạy học các môn học mới như khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý…

Cho đến hiện tại, Trường đã bảo đảm các giáo viên mầm non của Hà Nội đều có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên; giáo viên Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên.

Ảnh 2: Hội thi nghiệp vụ sư phạm giỏi năm 2024 tạo cơ hội cho sinh viên phát huy bản lĩnh cũng như chuyên môn nghiệp vụ.

Ngoài ra, để sinh viên ngành sư phạm nói riêng và sinh viên toàn trường nói chung được phát huy toàn diện khả năng cũng như có định hướng phù hợp sau tốt nghiệp, Trường tích cực tổ chức các hội thảo khoa học; tọa đàm hỗ trợ và định hướng thực hiện nghiên cứu khoa học cho sinh viên, tọa đàm kết nối ý tưởng khởi nghiệp triển vọng HNMU, các cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp… thu hút và tạo động lực cho các sinh viên tự tin thể hiện và phát triển bản thân.

Ảnh 3: Hội thảo“Ứng dụng công nghệ AI trong nghiên cứu và giảng dạy” mở ra nhiều hướng tiếp cận ứng dụng AI vào dạy và học.

Một trong những điểm nổi bật của ngành sư phạm tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội là công tác triển khai và thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25 /9/2020 của Chính phủ, quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

Theo đó, các sinh viên theo học ngành sư phạm được miễn hoàn toàn học phí và được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng tiền sinh hoạt phí. Với sự quan tâm của UBND thành phố, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội là một trong số những cơ sở đào tạo giáo viên thực hiện tốt việc chi trả chế độ, chính sách cho sinh viên sư phạm. Đến nay, Nhà trường đã chi trả gần 100 tỷ đồng chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm các năm 2021, 2022 và 2023 theo đúng quy định.

Thực tế cho thấy, với việc được quan tâm hỗ trợ học phí và chi phí học tập, sinh viên sư phạm các ngành đều rất phấn khởi và có thêm động lực học tập. Chính sách này đã tạo sức hút giúp Nhà trường nâng cao chất lượng tuyển sinh, thu hút nhiều học sinh có học lực tốt hơn đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào sư phạm. Hiện nay, để có thể trúng tuyển vào các ngành sư phạm, sinh viên phải có điểm trúng tuyển trung bình là 8,3 điểm/môn (tổ hợp xét tuyển 3 môn).

Đồng thời, việc thực hiện tốt Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25 /9 /2020 của Chính phủ cũng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo các ngành sư phạm của Trường. Từ đó giúp Trường Đại học Thủ đô Hà Nội nói riêng và các trường đào tạo sư phạm có nhiều cơ hội để lựa chọn được những sinh viên có năng lực, tâm huyết với nghề dạy học.

Ảnh 4: Chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ, viên chức là một trong những yếu tố then chốt trong mọi hoạt động.

Song song với nỗ lực đào tạo những nhân tố tương lai cho ngành giáo dục, trường cũng rất chú trọng vào việc nâng cao chất lượng giảng viên hiện hành để đóng góp vào sự phát triển chung của giáo dục và đào tạo, đảm bảo giữ vững và phát huy uy tín, thương hiệu của Nhà trường. Qua đó, đưa văn hóa chất lượng vào mọi hoạt động của Nhà trường.

Ảnh 5: Giảng viên khoa sư phạm đặt trọn tâm huyết vào thế hệ tương lai.

Trong năm học 2024 - 2025, toàn Trường tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để triển khai có hiệu quả các nội dung trong Kế hoạch thực hiện Đề án/ Chiến lược phát triển Trường. Thực hiện các chương trình đề án thuộc chương trình 06, 07 của Thành uỷ. Gia tăng số lượng viên chức, giảng viên có trình độ cao (thu hút đội ngũ; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ); phát huy vai trò của đội ngũ viên chức người lao động công tác tại trường. Thực hiện mạnh mẽ công tác cải cách hành chính, tăng cường hiệu quả và hiệu lực của công tác quản lý hành chính đảm bảo phục vụ tốt hơn cho nhu cầu và quyền lợi của viên chức, người lao động và người học của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội.

Với những nỗ lực không ngừng trong việc đào tạo nguồn nhân lực sư phạm cho Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đang vững chãi đặt những “viên gạch hồng”, xây đắp nên một hệ thống giáo dục và đào tạo ngày càng phát triển vững mạnh, tạo nên thương hiệu trường Đại học duy nhất của Thủ đô Hà Nội - nơi có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước.

Trịnh Thu - Lê Thịnh

Bạn đang đọc bài viết Trường Đại học Thủ đô Hà Nội: Điểm sáng trong đào tạo nguồn nhân lực ngành giáo dục Thủ đô tại chuyên mục Dạy và học trong nhà trường của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19