Đề xuất hỗ trợ tiền thuê nhà ở cho nhà giáo khi công tác miền núi, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn

Để bảo đảm điều kiện nhà ở, các điều kiện thiếu yếu cho nhà giáo yên tâm công tác, tâm huyết và trách nhiệm với nghề khi đến công tác tại vùng nông thôn, miền núi, hải đảo và nơi có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, các đại biểu Quốc hội đề xuất bổ sung quy định nhà giáo được Nhà nước hỗ trợ tiền thuê nhà ở khi đến công tác ở những nơi này.

Tại phiên hội thảo đợt 2, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận, đóng góp, bổ sung nhiều ý kiến quan trọng góp phần thống nhất, xây dựng để dự thảo Luật Nhà giáo sớm đi vào thực tiễn.

Quan tâm góp ý tại khoản 2 Điều 28 dự thảo luật Nhà giáo gồm: Nhà giáo Được bảo đảm chỗ ở tập thể đủ các điều kiện thiết yếu hoặc được thuê nhà ở công vụ theo quy định của Luật Nhà ở khi đến công tác tại vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đại biểu Hoàng Ngọc Định - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay trên toàn quốc còn thiếu khoảng 11.000 nhà ở công vụ giáo viên; nhiều công trình nhà ở tập thể, nhà công vụ đã xuống cấp, hư hỏng hoặc rất tạm bợ, chật hẹp. Đối với các địa phương không có nhà ở công vụ, nhà ở tập thể, hầu hết giáo viên phải đi thuê nhà ở tư nhân.

Để bảo đảm điều kiện nhà ở, tạo điều kiện cho nhà giáo yên tâm công tác, tâm huyết và trách nhiệm với nghề, đại biểu đề nghị Ban Soạn thảo tiếp tục xem xét, nghiên cứu, bổ sung vào điểm a, khoản 2, Điều 28 dự thảo Luật theo hướng bên cạnh việc quy định nhà giáo được bảo đảm chỗ ở tập thể đủ các điều kiện thiết yếu, hoặc được thuê nhà ở công vụ theo quy định của Luật Nhà ở, đề xuất bổ sung quy định nhà giáo được Nhà nước hỗ trợ tiền thuê nhà ở khi đến công tác ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn.

Cũng tại hội trường, đại biểu Hoàng Ngọc Định cũng đưa ra ý kiến về chính sách tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo. Đại biểu cho biết, tại điểm c, khoản 1, Điều 27 dự thảo Luật Nhà giáo quy định: nhà giáo là người dân tộc thiểu số và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù được ưu tiên trong chế độ tiền lương, phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác. Đại biểu cho rằng, việc ưu tiên đối với người dân tộc thiểu số là chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên đối với người dân tộc thiểu số nói chung đã có nhiều chế độ ưu tiên trong học tập, đào tạo, bồi dưỡng và tuyển dụng… Vì vậy, việc quy định nhà giáo là người dân tộc thiểu số có chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác là chưa phù hợp. Điều này sẽ tạo ra sự bất bình đẳng về lao động và trái với các quy định của pháp luật về lao động hiện hành, vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ nội dung này.

Quan tâm tới chế độ tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn Đại biểu Quốc hộ Đắk Nông tán thành với quy định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Đại biểu cho biết, Quy định này nhằm tháo gỡ các khó khăn đối với nhà giáo và tính đặc thù nghề nghiệp của nhà giáo. Bên cạnh đó, để chính sách thực thi hiệu quả, đại biểu đề nghị, việc xếp lương cao nhất trong hệ thống thang bậc lương phải đi kèm với chất lượng của nhà giáo bởi tầm quan trọng, vai trò quyết định của đội ngũ giáo viên đối với nâng cao chất lượng giáo dục, yếu tố có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển con người, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Tài liệu tham khảo:

Bộ GD&ĐT (2024): Dự thảo luật Nhà giáo.

Trịnh Thu (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất hỗ trợ tiền thuê nhà ở cho nhà giáo khi công tác miền núi, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn tại chuyên mục Dạy và học trong nhà trường của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19