Chương trình thực tập sinh: Cầu nối chiến lược từ giáo dục đại học đến thị trường lao động

Trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên tốt nghiệp gia tăng tại nhiều quốc gia đang phát triển, các chương trình thực tập sinh đang được kỳ vọng như một giải pháp chiến lược nhằm nâng cao khả năng làm việc và đáp ứng nhu cầu lao động của thị trường.

Tình trạng thất nghiệp của sinh viên tốt nghiệp không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là một thách thức xã hội sâu sắc tại nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển. Tại Nam Phi, tỷ lệ thất nghiệp thanh niên đạt mức đáng báo động 45,5%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm sinh viên tốt nghiệp là 9,7%. Mặc dù thấp hơn tỷ lệ thất nghiệp toàn quốc, con số này vẫn đặt ra nhiều câu hỏi về sự chuẩn bị của hệ thống giáo dục đại học và khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Trong bối cảnh đó, chương trình thực tập sinh đã nổi lên như một giải pháp quan trọng nhằm hỗ trợ sinh viên chuyển đổi từ môi trường học tập sang thị trường lao động. Chương trình này được kỳ vọng giúp sinh viên tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, phát triển kỹ năng và tạo dựng mạng lưới quan hệ chuyên môn – những yếu tố cần thiết để cạnh tranh trong thị trường việc làm. Tuy nhiên, một nghiên cứu tại thành phố eThekwini, Nam Phi, cho thấy những hạn chế đáng kể trong việc thực hiện các chương trình thực tập.

Đầu tiên, hầu hết sinh viên tham gia chương trình chỉ nhận được các kỹ năng mềm cơ bản như giao tiếp, xử lý hành chính, thay vì các kỹ năng chuyên sâu phù hợp với ngành nghề mà họ theo học. Ví dụ, một sinh viên ngành tài chính cho biết công việc thực tập chủ yếu xoay quanh việc hỗ trợ hành chính, không liên quan đến nghiệp vụ kế toán mà thị trường lao động yêu cầu. Việc thiếu tính liên kết giữa chương trình thực tập và chuyên môn khiến sinh viên khó tích lũy được kinh nghiệm hữu ích, làm giảm giá trị của chương trình đối với mục tiêu cải thiện khả năng làm việc.

Nguyên nhân chính của vấn đề này là sự thiếu phù hợp trong việc phân công công việc và vai trò yếu kém của cố vấn. Nhiều sinh viên được sắp xếp làm việc trong các phòng ban không liên quan đến ngành học, dẫn đến việc kinh nghiệm tích lũy không mang tính thực tiễn. Đồng thời, chất lượng hướng dẫn từ các cố vấn cũng chưa được đảm bảo, với nhiều trường hợp sinh viên chỉ thực hiện các nhiệm vụ đơn giản, không có cơ hội tham gia vào các dự án lớn hoặc học hỏi từ các công việc chuyên sâu.

Nguồn ảnh: inspiringinterns

Tuy nhiên, không thể phủ nhận một số lợi ích mà chương trình thực tập mang lại. Nghiên cứu cho thấy, ngoài việc cung cấp một số kỹ năng mềm, chương trình còn tạo điều kiện để sinh viên xây dựng mạng lưới quan hệ chuyên môn, một yếu tố ngày càng quan trọng trong môi trường lao động hiện đại. Bên cạnh đó, ở một số lĩnh vực yêu cầu chứng chỉ nghề nghiệp như kiểm toán nội bộ hay quy hoạch đô thị, chương trình thực tập đóng vai trò là nền tảng giúp sinh viên đáp ứng điều kiện để đăng ký chứng chỉ, qua đó mở rộng cơ hội việc làm trong tương lai.

Đối với Việt Nam, kinh nghiệm từ Nam Phi mang lại nhiều gợi ý quan trọng. Việt Nam cũng đang đối mặt với tình trạng thất nghiệp đáng lo ngại ở nhóm sinh viên tốt nghiệp, một phần do sự chênh lệch giữa kiến thức học thuật và nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Hiện nay, nhiều chương trình thực tập tại Việt Nam vẫn mang tính hình thức, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các trường đại học và doanh nghiệp. Để khắc phục, cần triển khai một số giải pháp chiến lược. Thứ nhất, cần xây dựng quy trình tuyển chọn và phân bổ công việc hợp lý, đảm bảo mỗi sinh viên được giao nhiệm vụ phù hợp với chuyên môn, tạo điều kiện để họ áp dụng kiến thức vào thực tế. Điều này đòi hỏi sự phối hợp giữa các trường đại học và doanh nghiệp ngay từ giai đoạn thiết kế chương trình. Thứ hai, nâng cao vai trò của các cố vấn trong chương trình thực tập. Những người cố vấn cần được đào tạo chuyên sâu về kỹ năng hướng dẫn và làm việc với sinh viên, đồng thời chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo sinh viên đạt được các mục tiêu cụ thể về phát triển kỹ năng và tích lũy kinh nghiệm. Thứ ba, cần thiết lập hệ thống giám sát và đánh giá chặt chẽ, không chỉ để đảm bảo chất lượng chương trình mà còn để điều chỉnh kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu của cả sinh viên và doanh nghiệp. Việc áp dụng các chỉ số đo lường cụ thể về kỹ năng và kinh nghiệm tích lũy sau mỗi giai đoạn thực tập sẽ giúp đánh giá hiệu quả của chương trình một cách minh bạch và khoa học. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ tài chính cho thực tập sinh cần được chú trọng. Một khoản trợ cấp phù hợp sẽ không chỉ khuyến khích sinh viên tham gia mà còn giúp giảm áp lực tài chính, đảm bảo họ có thể tập trung học hỏi trong quá trình thực tập. Chính phủ và doanh nghiệp cần phối hợp để xây dựng cơ chế hỗ trợ phù hợp, vừa tạo điều kiện cho sinh viên vừa thúc đẩy trách nhiệm xã hội của các tổ chức sử dụng lao động.

Việc tối ưu hóa chương trình thực tập sinh không chỉ là câu chuyện cải thiện cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp mà còn là chiến lược phát triển nguồn nhân lực dài hạn cho nền kinh tế. Với sự đầu tư đúng mức và các cải tiến chiến lược, Việt Nam có thể biến các chương trình thực tập sinh thành cầu nối hiệu quả giữa giáo dục đại học và thị trường lao động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Mseleku, Z. (2024). Transitioning from higher education to the labour market: the role of graduate internship on youth graduate employability. Cogent Education, 11(1). https://doi.org/10.1080/2331186X.2024.2428069

Bạn đang đọc bài viết Chương trình thực tập sinh: Cầu nối chiến lược từ giáo dục đại học đến thị trường lao động tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19